(GD&TĐ) - “Bây giờ thì ai bảo là ông dại, ông khổ. Bây giờ có ai bảo ông không khôn, không sướng đâu nào? Ông bây giờ là đại gia đấy nhé!”. Một lần lên thị trấn Khe Sanh, nghe một vị Phó giám đốc Sở Quảng Trị hóm hỉnh nói vui như vậy với Hiệu trưởng Trường THCS của thị trấn - nhà giáo Lê Văn Khuyên, tôi liền nảy sinh ý định tìm hiểu để viết về người hiệu trưởng có trên 30 năm được các đồng nghiệp xếp vào hàng “độc thân, vui tính” này.
Thầy Lê Văn Khuyên - Hiệu trưởng Trường THCS Khe Sanh |
Nếu nói rằng cuộc đời của mỗi một con người đều có hai nửa “buồn - vui; sướng - khổ” thì quả là đúng với trường hợp của nhà giáo Lê Văn Khuyên. Quãng thời gian 32 năm có dư ở vùng cao Hướng Hóa với ông là hai nửa của cuộc đời, của số phận tương đương nhau. Năm 1981, tốt nghiệp Sư phạm ở Đồng Hới - Quảng Bình, thầy giáo trẻ Lê Văn Khuyên được phân công về dạy ở Trường THCS Hướng Lập thuộc miền biên giới Việt Lào. “Ngày bấy giờ chưa có đường như bây giờ. Phải đi bộ băng rừng, lội suối suốt 2 ngày ròng mới thấu!”, hiệu trưởng Khuyên bắt đầu dòng hồi ức của mình.
Bằng trí tưởng của người cũng đã từng có đôi ba lần dũng cảm “băng rừng, lội suối” đến vùng sâu, vùng xa tìm tư liệu, qua lời kể của ông, chúng tôi thấu hiểu nỗi vất vả, cực nhọc của thầy giáo trẻ mới “chân ướt, chân ráo” vào nghề như thế nào. Nhưng điều có sức thu hút trí tò mò của người nghe chuyện thầy Khuyên kể lại không hẳn là ở nỗi vất vả, cực nhọc của thể xác mà là ở một chi tiết trong câu chuyện tưởng như xã giao về hoàn cảnh gia đình: Vừa cưới vợ xong được ít ngày, thầy giáo Khuyên đã phải để vợ ở lại quê hương, chấp nhận dạy học ở vùng quê mới xa xôi.
Hai năm sau, từ Trường THCS Hướng Lập, thầy lại được điều chuyển lên dạy ở trường THCS Tân Liên của huyện. Chỉ những ai rơi vào hoàn cảnh giống như thầy giáo Khuyên, mới thấu hiểu nỗi niềm của đôi vợ chồng “ngâu”, năm thì mười họa mới được đoàn tụ. “Đường đi cũng như xe cộ lúc ấy khó khăn, trắc trở lắm, đâu có được thuận tiện như bây giờ nên phải vài ba tháng vào dịp Lễ, Tết mới dám về nhà một lần”.
Tới đây, tôi lại ngắt lời vị hiệu trưởng: “Nghe nói hiệu trưởng đã tốt nghiệp đại học sư phạm ngay từ thời kỳ còn ở Tân Liên. Làm sao thầy có được thời gian, công sức dành cho việc học?”. “Trước khi làm thầy, mình đã từng là anh bộ đội, rồi công an, thôi thì đủ thứ hết; được rèn luyện ở trường đời, vào trường học âu cũng không phải là gian nan. Mình cũng đã được nhận huy chương chống Mỹ cứu nước hạng II đấy…”. Kể tới đây, nếp nhăn nơi khóe mắt của hiệu trưởng Khuyên giãn ra, phần nào xua đi được vết tích của thời gian, năm tháng. Còn tôi, vẫn không quên cái điều luôn nôn nóng muốn biết ngay từ đầu câu chuyện: “Thế còn vợ anh, chị ấy không kêu ca về cái sự “năm thì mười họa” của anh hay sao? Có quy định về thời gian công tác của giáo viên miền núi, sao anh không xin được chuyển về gần nhà?”. Câu trả lời của thầy Khuyên như có sẵn ở trong đầu: “Kêu ca chứ, nhưng mà biết làm sao hơn! Năm 1989, khi Bình Trị Thiên chia tách, tôi cũng có làm đơn xin thuyên chuyển nhưng mãi không được nên đành chấp nhận ở luôn đây. Vợ tôi là giáo viên tiểu học, phải nuôi ba cháu nhỏ. Lương giáo viên khi ấy thấp, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn. Kêu thì kêu nhưng biết làm sao được, ai trong hoàn cảnh ấy thì cũng phải chịu như vậy thôi. Cô ấy cũng biết tôi vì công việc chung chứ có sung sướng gì cái cảnh phải dạy xa nhà, thiếu thốn trăm bề. Ngôi trường này ngày ấy là trường cấp 2, 3, thành lập vào năm 1996; mặt bằng là một quả đồi còn hoang vu; khi chia tách ra chỉ là có 4 phòng học tạm, 1 phòng hiệu bộ. Những ngày trường bắt đầu xây mới, ban đêm phải mượn trường cấp một bên cạnh cho khối 7 học, ban ngày mượn trường cấp 3 dân tộc nội trú cho khối lớp 8, lớp 9. Ban giám hiệu, giáo viên không có chỗ, suốt hơn năm trời phải mượn chái nhà của anh Phướng (hiệu trưởng cấp 2, 3 cũ) để mà làm việc. Khó khăn, thiếu thốn nhiều, nhưng nhìn thấy trường mới đang được dựng xây thì cũng khí thế, hào hứng.”…
Giờ học Hóa lớp 9A - Trường THCS Khe Sanh - Hướng Hóa |
Chuyện một thầy giáo sống giữa thời bình mà cứ như ở thời chiến làm tăng thêm cảm giác thân thiện, gần gũi hơn của chúng tôi với anh, với ngôi trường. Và chuyện nghề, chuyện chuyên môn, học trò, đồng nghiệp cũng mỗi lúc mỗi rôm rả.
Đứng giữa căn phòng truyền thống rực sáng những bằng khen, giấy khen, huy chương các loại cùng những hình ảnh hoạt động nổi bật của Trường THCS Khe Sanh, chúng tôi càng hiểu thêm bao nhiêu đóng góp, hi sinh của người hiệu trưởng và của đội ngũ giáo viên nhà trường trên trận tuyến giáo dục vốn thầm lặng. Một ngôi trường miền núi mà có 100% giáo viên trên chuẩn (trình độ đại học), đứng đầu về tỷ lệ giáo viên giỏi cấp tỉnh, cấp huyện, về ứng dụng CNTT trong dạy học hẳn không phải dễ dàng. Để làm nên thành quả ấy, người chèo lái phải biết xác định hướng đi đúng, tận dụng sức mạnh của tập thể. Người hiệu trưởng đã toàn tâm, toàn ý lo cho chất lượng đội ngũ nhà giáo cả về chính trị lẫn tay nghề, chuyên môn, vì theo quan niệm của ông, người thầy có tốt, có giỏi thì mới nâng cao được chất lượng giáo dục. Dự giờ, thăm lớp, xây dựng chuyên đề - từ những việc làm thường xuyên ấy mà rút được kinh nghiệm để giảng dạy tốt hơn. Có giáo viên của trường khi mới về bị đánh giá là dạy còn non yếu, sau một thời gian được tập thể đầu tư giúp đỡ đã vững vàng về tay nghề, được giao bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi và còn có giải hẳn hoi…
Danh hiệu nhà giáo ưu tú mà hiệu trưởng Lê Văn Khuyên được nhận vào năm 2012 có vẻ như là muộn mằn, khiêm tốn so với thành quả trên 30 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Vì rằng, có thể đo được công sức của ông đối với sự phát triển của một ngôi trường từ không tới có, tới đạt chuẩn quốc gia, nhận Bằng khen của Chính phủ; nhưng còn bao nhiêu thứ khác không thể chỉ đo lường bằng những con số. Ví như nhiều lần đích thân hiệu trưởng phải lặn lội đến tận thôn bản của người Vân Kiều để vận động học sinh bỏ học ra lớp lại; vận động nhà trường, đoàn thể địa phương giúp đỡ thêm cho học sinh nghèo cây bút, quyển vở, manh quần, tấm áo…
Bù lại, người hiệu trưởng của Trường THCS Khe Sanh hôm nay đã có được rất nhiều thứ: Ngôi trường đẹp đẽ, khang trang; sự quý mến, nể phục của các đồng nghiệp, học sinh, bà con thôn bản. Chữ “khôn” chữ “đại gia”, người ta dùng một cách trìu mến đối với thầy giáo Khuyên có lẽ là ở chỗ đó. Còn tôi, khi rời Khe Sanh, vẫn luẩn quẩn một ý nghĩ: Không ai biết trước được sự dại hay khôn, sướng hay khổ của cuộc đời. Chỉ biết rằng, nếu ta sống hết mình với đời, chắc chắn đời sẽ cho ta được nhiều thứ!
Uyên Phương