Người thầy thuốc tài năng và thủ lĩnh Đoàn tiêu biểu

GD&TĐ - Vừa tham gia công tác giảng dạy, vừa đảm trách công việc khám chữa bệnh, phụ trách hệ liên kết quốc tế đưa lưu học sinh đi du học, tiến sĩ (TS) Trần Đức Hữu còn là Bí thư Đoàn Thanh niên Học viện Y - Dược học Cổ truyền Việt Nam với gần 3.000 đoàn viên. 

Người thầy thuốc tài năng và thủ lĩnh Đoàn tiêu biểu

Với tâm huyết và tài năng của sức trẻ, thông qua các câu lạc bộ được thành lập, đoàn viên thanh niên của học viện đã cống hiến, trở thành điểm sáng phong trào Đoàn khối các trường đại học và học viện.

Thầy thuốc tài năng

Chỉ qua vài phút tiếp xúc với TS. Trần Đức Hữu, ai cũng dễ dàng cảm nhận đây là một bác sĩ trẻ tài năng, nhiệt huyết cả trong công tác chuyên môn và hoạt động Đoàn. Và cái duyên với công tác Đoàn gắn bó song hành với Hữu từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Hữu kể: “Ngay từ khi chưa là một Đoàn viên, tôi đã tham gia nhiều hoạt động của Đoàn thanh niên. Đây thực sự là một tổ chức có sức cuốn hút với tuổi trẻ, ai cũng được cống hiến sức mình”.

Chính vì thế, lớp 9 đạt giải nhì Học sinh giỏi môn Sinh học của tỉnh Nghệ An, Hữu được tuyển thẳng vào lớp 10 chuyên Toán A1 của Trường THPT Đô Lương 1. Đặc biệt, ngay từ năm thứ nhất học tại Đại học Y Hà Nội, Trần Đức Hữu là một trong những đoàn viên tích cực trong đội an sinh xung kích trường.

Tốt nghiệp đại học, sau 2 năm làm cán bộ giảng dạy tại Học viện Y - Dược học Cổ truyền Việt Nam, năm 2009, Hữu được học viện cử đi học thạc sĩ tại Trường Đại học Trung Y Dược thiên Tân – thành phố Thiên Tân – Trung Quốc, được cấp học bổng toàn phần.

Năm 2011 Hữu được kết nạp Đảng. Năm 2016 giảng viên trẻ Trần Đức Hữu thế hệ 8X đã trở về nước khi đã làm xong nghiên cứu sinh, tiếp tục với công việc vừa giảng dạy ở học viện, vừa là Phó Khoa Châm cứu của bệnh viện Tuệ Tĩnh, tham gia công tác khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Tháng 5 năm 2017, TS. Trần Đức Hữu được bầu chọn là Bí thư Chi Đoàn Học viện Y - Dược học Cổ truyền Việt Nam.

Ở cương vị chuyên môn hay lĩnh vực Đoàn, TS. Trần Đức Hữu luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được nhận nhiều Bằng khen. Nhưng, bao giờ giảng viên trẻ này cũng tâm đắc: “Phải có đam mê nghề mới theo được nghề Y. Bởi đây là nghề vất vả”. Có lẽ vì thế nên nói đến vị bác sĩ này, nhiều bệnh nhân được anh cứu chữa thành công luôn luôn kính trọng và yêu mến.

Đặc biệt nhất đó là trường hợp của bé Thủy. Bố mẹ là người Việt Nam sinh sống tại Đức nhưng bé Thủy chào đời khi mẹ mang thai được 5,5 tháng, cân nặng chỉ được 700g. Sau sinh một tuần Thủy bị xuất huyết não nên bé bị liệt nửa người bên phải. Dù ở bên Đức bé Thủy được chăm sóc y tế rất tốt cũng như phục hổi chức năng nhưng Thủy chỉ bò được thôi chứ hoàn toàn không đi lại được, tay chân có quắp, không cầm nắm được.

Từ một người quen giới thiệu, năm 2010, bé Thủy được bốn tuổi rưỡi, cân nặng 15 kg thì bố mẹ cho về Việt Nam, theo phác đồ điều trị của TS. Trần Đức Hữu: Châm cứu, bấm huyệt, tác động cột sống, nắn chỉnh các khớp, kết hợp dùng thuốc đông y.

Sau một tháng đầu điều trị như vậy, bé Thủy đã đứng được vài giầy. Thêm một tháng chữa trị, Thủy đứng được 3-4 phút, đem lại hy vọng vô bờ cho cả gia đình. Hè 2011 sau đợt điều trị tiếp tục, bé Thủy đi lại được, tự mặc quần áo, bé đến lớp học cùng các bạn, biết đi xe đạp.

Tết 2011, bé Thủy lại được gia đình đưa về Việt Nam chữa 1 tháng, bé đi được đoạn đường 20m, tay cầm được bút, tự xúc được thức ăn. Sở dĩ các đợt điều trị ngắt quãng là do bác sĩ Hữu đang trong thời kỳ tu nghiệp ở nước ngoài, chỉ điều trị cho bé Thủy vào đợt được nghỉ Tết, hay nghỉ hè.

Là một Bác sĩ trẻ tài năng, có vốn ngoại ngữ giỏi, TS. Trần Đức Hữu còn được Ban Giám hiệu nhà trường tin tưởng giao cho trọng trách hệ Liên kết đào tạo với Đại học Thiểm Tây – Trung Quốc, mỗi năm đưa hàng trăm lưu học sinh Việt Nam sang tu nghiệp ở nước bạn. Hiện Hữu còn là ủy viên Ban Chấp hành Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam.

Bí thư Đoàn năng động và sáng tạo

Với cương vị là một Bí thư Đoàn Trường Học viện Y- Dược học Cổ truyền Việt Nam với gần 3.000 Đoàn thanh niên tham gia, Hữu luôn trăn trở, tâm huyết và luôn tổ chức các câu lạc bộ để thu hút sức mạnh của sinh viên. Nhờ thế, hoạt động Đoàn thanh niên của Học viện đã trở thành một trong những điểm sáng trong phong trào Đoàn, thanh niên khối các trường đại học và học viện, nhất là trong hệ thống các trường Y của Hà Nội.

Hữu chia sẻ bí quyết: “Muốn thu hút được đông đảo sinh viên tham gia hoạt động Đoàn thì phải có các câu lạc bộ”. Chính vì vậy, tháng 8 năm 2017, Ban chấp hành Đoàn Học viện đã mạnh dạn thành lập Câu lạc bộ tiếp sức người bệnh. Ngày đầu ra mắt đã có 350 sinh viên tham gia.

Hàng ngày, từ 6 giờ kém 15 phút đến 9 giờ sáng, 10-15 sinh viên sẽ có mặt ở Bệnh viện K, cơ sở Tân Triều, hỗ trợ bệnh nhân và người nhà đến khám chữa bệnh. Ngoài Câu lạc bộ tiếp sức người bệnh, Học viện còn thành lập các câu lạc bộ khác như CLB học thuật, CLB võ thuật, CLB Ngoại ngữ…vv.

Cuối năm 2017, khi Bệnh viện Huyết học Truyền máu Trung ương rơi vào tình trạng khan hiếm máu cứu chữa bệnh nhân, Ban Chấp hành Đoàn trường Học viện lần đầu tiên đã tổ chức ngay trong sân trường, kêu gọi giảng viên, nhân viên, sinh viên, hiến máu cứu người. Nhờ thế, 540 đơn vị máu được hiến, cung cấp nguồn máu kịp thời nhất cho các bệnh nhân.

Năm 2017 còn là một năm mà các Đoàn thanh niên, các giảng viên, bác sĩ Học viện Y – Dược học Cổ truyền Việt Nam tổ chức nhiều đợt khám chữa bệnh cho đồng bào các xã bản miền núi nghèo như Cao Bằng, Điện Biên, Sơn La…vv. Hơn chục ngàn lượt bệnh nhân đã được khám chữa bệnh kịp thời và được phát thuộc điều trị bệnh miễn phí.

Khi hỏi, với cương vị một Bí thư đoàn học viện, anh mong muốn điều gì nhất, Trần Đức Hữu không ngần ngại trả lời rằng: Nâng cấp chi Đoàn học viện lên trực thuộc Thành đoàn; Thành lập Hội Sinh viên, CLB Thầy thuốc trẻ của trường; Đẩy mạnh hơn nữa phong trào vì sức khỏe cộng đồng.

Đối với các trường đại học, Chi Đoàn Thanh niên cần thành lập các câu lạc bộ để thu hút đông đảo Đoàn viên thanh niên tham gia, vừa trao đổi kinh nghiệp nghề nghiệp, vừa tham gia các phong trào.

Đặc biệt, với hoạt động Đoàn của các trường Y cần nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cộng đồng ngay từ khi các bạn học sinh vào học ở trường đại học, để có sự đồng cảm, nhân ái, chia sẻ với bệnh nhân, nhất là với bệnh nhân vùng sâu, vùng xa. Vậy nên Ban chấp hành Đoàn của Học viện đã tổ chức nhiều chuyến khám chữa bệnh từ thiện cho nhân dân nghèo, với sự góp sức của các bác sĩ trẻ tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ