Người ta gọi ông là bác sỹ nhân dân

GD&TĐ - Một lần, Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh ông Lê Ngọc Châu trong vai một người dân ghé trạm y tế nơi tôi đang công tác để đăng ký khám bệnh. Ông muốn biết sự thật người ta đồn thổi về tôi có thực sự là người bác sĩ hết lòng vì nhân dân không? Điều này, chỉ sau khi khám cho ông Châu xong, tôi mới biết!

Sự tâm huyết, những cống hiến của bác sĩ Đinh Thế Diện đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bệnh nhân.
Sự tâm huyết, những cống hiến của bác sĩ Đinh Thế Diện đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bệnh nhân.

Minh chứng cho 38 năm hành nghề cứu người của vị trạm trưởng, Trạm Y tế xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân, thầy thuốc Đinh Thế Diện là được Đảng, Nhà nước ghi nhận, phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú, nhưng có lẽ với ông, phần thưởng tự hào nhất là được người bệnh trân quý, gọi bằng cái tên “bác sỹ nhân dân”.  

Chỉ nghỉ 3 ngày phép để chăm mẹ vợ ốm

Câu chuyện về bác sĩ Đinh Thế Diện như một cuốn sách hay, kể đến trang bìa cũng muốn lật lại. Tính theo chế độ, năm nay ông nghỉ hưu, nhưng ông bảo “Tôi không bỏ nghề được. Chừng nào dân còn cần thì tôi sẽ còn làm việc, còn cống hiến”.

40 năm trước ông Diện thi đậu vào lớp y sỹ của Trường Y Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ. Tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc, năm 1981, ông được bổ nhiệm làm Trạm trưởng Trạm Y tế xã Xuân Hải. Vừa công tác, vừa sắp xếp để theo học chuyên tu, ông đã miệt mài nâng cao kiến thức, năng lực để có thể phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Mặc dù có nhiều cơ hội lựa chọn việc làm ở tuyến huyện nhưng ông vẫn quyết định ở lại mảnh đất chôn rau cắt rốn để được chăm sóc sức khỏe cho bà con vùng quê.

Ông là người bác sĩ làm việc không ngừng nghỉ
Ông là người bác sĩ làm việc không ngừng nghỉ 
Suốt thời gian đương nhiệm, chưa một ngày ông ngưng nghỉ học tập, trau dồi kiến thức để nâng cao tay nghề. Ông vẫn vậy, cứ tất bật đi ngược về xuôi, hễ có ai gọi chữa bệnh là ông đến.

“Trong suốt 38 năm công tác, tôi không biết đến nghỉ phép. Ngay đến vợ sinh nở mấy đứa con, tôi vẫn đi làm bình thường. Có lẽ, chỉ một lần duy nhất tôi nghỉ 3 ngày là để chăm mẹ vợ ốm. Bà ở cùng vợ chồng tôi” - người đàn ông sống chết vì người bệnh kể lại giọng áy náy.

Tuổi nay đã cao, đôi chân tập tễnh vì tai nạn, nhưng hàng ngày ông vẫn leo lên leo xuống cầu thang mấy chục lượt để thăm khám cho bệnh nhân. Sự tận tụy với nghề, với bệnh nhân của ông có lẽ một đứa trẻ nhỏ 5 tuổi tại xã vùng biển Xuân Hải vẫn có thể gọi bằng tên “bác sĩ Diện đã khám bệnh cho con mỗi lần con nóng sốt”, một bé gái có mặt tại trạm y tế xã nói khi được hỏi.

Ông là vị bác sĩ mà người dân nơi đây còn gọi là “của hiếm” về đức tính liêm khiết khi mọi sự hỗ trợ, giúp đỡ của các nhà hảo tâm và bệnh nhân đều được ông xung công quỹ thông qua tài khoản UBND xã Xuân Hải. “Nhiều bệnh nhân đã cảm ơn tôi bằng tiền nhưng tôi chuyển qua cho tập thể, đó là những bộ bàn ghế, trang thiết bị máy móc phục vụ khám chữa bệnh” – ông chia sẻ.

Thậm chí, một số nhà hảo tâm như chị Trần Thị Khánh Toàn, ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An); anh Tuấn, Việt kiều Ba Lan... vì nể phục y đức của ông tình nguyện hỗ trợ từ 50-300 triệu đồng giúp trạm xây dựng cơ sở hạ tầng. Hay như việc ông kết nối con em xa quê thành đạt đóng góp gần 400 triệu đồng mua sắm trang thiết bị hiện đại như: máy siêu âm, điện tim, máy xét nghiệm nước tiểu tự động 11 thông số, máy sản xuất oxy gen, máy khí dung...

Còn sức là còn cứu chữa bệnh nhân

Trong chuyến công tác đến Xuân Hải, khi ngồi chờ Trạm trưởng Trạm Y tế đang tất bật với lượng bệnh nhân khá đông, chúng tôi đã được nghe thêm nhiều câu chuyện đáng nhớ về người thầy thuốc ưu tú của nhân dân.

Cũng ngồi chờ đến lượt khám bệnh, anh Nguyễn Văn Lục (Xóm Hải Lục, xã Xuân Hải) cho biết: “Năm 2013, tôi bị những cơn đau hành hạ không thể ăn uống. Nhà nghèo, tôi phải chạy vạy để đi khắp các bệnh viện nhưng cũng không chẩn đoán ra bệnh gì, trong lúc đó, đôi chân ngày càng khó cử động. Qua thăm khám, xem bệnh án, hồ sơ, bác sỹ Diện phát hiện tôi bị áp xe tủy. Chỉ sau vài tháng điều trị, tôi đã khỏi hẳn. Ông chính là người tái sinh cuộc đời tôi. Giờ không riêng tôi, mà cả nhà hắt hơi, xổ mũi cũng tìm đến bác Diện. Tôi gọi ông là bác sĩ của mỗi gia đình”.

Chuyện của bà Võ Thị Thảo, người dân tại đây cũng là một câu chuyện hay, bà kể: Tôi từng bị bệnh viêm phổi nặng, bệnh viện trả về nghĩa là tử thần đã gọi tên, nhưng may gặp được bác Diện, đời tôi được tái sinh, sống đến hôm nay là thêm 14 năm nữa. Và muôn vàn câu chuyện về việc bác sĩ Diện cứu người thoát chết mà kể mãi không hết…

Phóng viên chụp ảnh kỷ niệm cùng bác sĩ Đinh Thế Diện trong một lần về công tác tại Trạm y tế xã Xuân Hải
 Phóng viên chụp ảnh kỷ niệm cùng bác sĩ Đinh Thế Diện trong một lần về công tác tại Trạm y tế xã Xuân Hải

Nói đúng nghĩa ông chỉ là bác sỹ cơ sở nhưng vì sao ông lại được dân tin, dân mến? Bởi ở ông là một bác sĩ có tâm, có tầm. Ông giúp người bệnh âm thầm, không đòi hỏi sự báo đáp nên mới được dân tin yêu, các thế hệ y bác sỹ trên địa bàn huyện kính nể xem là người “anh cả” để noi gương học tập – một cán bộ Phòng Y tế huyện Nghi Xuân nhận xét.

Nói về phương pháp chữa bệnh, ông Diện cho hay: Ngoài sử dụng các thiết bị máy móc để thăm khám, ông dùng thêm phương pháp “tứ chẩn”: vọng, văn, vấn, thiết để bắt bệnh và chữa bệnh theo phác đồ đông tây y kết hợp và quan trọng nhất là tạo cho người bệnh có thêm niềm tin để chống chọi bệnh tật.

Ông vị dụ một cá đặc biệt, “Năm 1987, bà Hợn được bệnh viện ở trung ương chẩn đoán bị bệnh ung thư giai đoạn cuối, đến giờ phút hấp hối người nhà nhờ ông Diện đến bắt mạch xem “giờ chết” để chuẩn bị. Lúc này, ông bảo bà chưa chết và xin gia đình cho thời gian 3 ngày để điều trị, hết thời gian này bà Hợn ăn được cháo, tinh thần phấn khởi. Tiếp tục điều trị thêm một tuần thì bệnh nhân này khỏi hẳn và sống đến năm 2016 (93 tuổi) qua đời vì tuổi già”.

 “Nhiều bệnh nhân, thậm chí có những người ở tận các huyện Quỳ Hợp, Nghi Lộc, TP Vinh (Nghệ An) bây giờ hễ gặp tôi là tay bắt mặt mừng nói lời cảm ơn. Tôi thấy vui vì điều đó và cũng tự nhủ khi còn sức khỏe, nghĩa là còn cống hiến, cứu chữa bệnh nhân”, bác sỹ Diện nói trước khi chia tay chúng tôi.

Suốt 38 năm cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, ông đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý, được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú và đón nhận nhiều bằng khen, giấy khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, tỉnh, huyện, xã. Hiện, các cơ quan chức năng đang đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III cho bác sỹ Diện. Thế nhưng, với ông niềm hạnh phúc lớn nhất chính là đã giúp đỡ thêm nhiều bệnh nhân vượt qua nỗi đau, chiến thắng bệnh tật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ