Người M"Nông và khát vọng con chữ

Người M"Nông và khát vọng con chữ

(GD&TĐ) - Huyện Lắk được xem là một trong hai huyện nghèo nhất của tỉnh Đắk Lắk, nơi mà phần lớn dân cư là người dân tộc thiểu số vẫn sống theo kiểu du canh du cư. Dù cuộc sống còn đầy rẫy khó khăn và thiếu thốn nhưng với đồng bào M’Nông ở Lắk, chuyện học của con em họ giờ đây quan trọng chẳng kém việc lên rẫy kiếm củ sắn, củ khoai. 

Chúng tôi về buôn Đ’lây khi mặt trời mới lưng lửng đầu non nên thật may mắn khi có dịp được cùng các cháu học sinh người M’Nông băng rừng, vượt suối đến lớp. Trường thì rất xa nhưng sự háo hức được học cái chữ, được đến lớp nghe cô dạy đánh vần, dạy viết từng nét chữ đã khiến đường đến trường của các em như ngắn lại. Tiếng cười đùa, tiếng í ới gọi nhau vang vọng khắp mảnh rừng sâu. Dù đã có sự chuẩn bị, nhưng chúng tôi đã thật sự hụt hơi khi cùng các em vượt những đoạn đường khó gần chục cây số để đến với điểm trường. Đường đi lầy lội, đôi chỗ khúc khuỷu, quanh co, nhưng những mái đầu cháy nắng, vàng ươm của Ơ’ktun, Ơ’ka, M’kse, Gla’Bong vẫn luôn nhấp nhô phía trước mắt tôi với đôi chân trần bước đi thoăn thoắt, cùng nụ cười toe toét mỗi khi thấy tôi liêu xiêu, trượt ngã bên những vũng lầy. Chúng hồn nhiên, hạnh phúc với con đường quen thuộc đến trường, dù trên lưng chỉ là một cặp sách với vài ba quyển vở, một nắm cơm vo lót dạ do cha mẹ chúng gói vội để mang theo.

Trẻ em M’Nông
Trẻ em M’Nông

Ơ’ktun - đứa bé lanh lợi nhất trong nhóm 6 em sống ở buôn Đ’lây, vừa nắm tay tôi dắt qua những đoạn lầy, vừa nói bằng tiếng Kinh lơ lớ: “Đoạn đường này giờ còn đỡ đó chú, chứ gặp phải mùa mưa, xe công (xe công nông) ra vào lấy cà (cà phê), bắp thì đường còn khó đi hơn nhiều. Nhiều hôm mưa xuống lầy quá, không thể lội, tụi con phải đi từ 6 giờ sáng, tìm đường tắt đến trường”. Nghe Ơ’ktun nói, trực tiếp sải bước chân trần trên những bụi cỏ đầy gai, những rậm cây rừng cứa vào da thịt đau buốt, tôi mới hiểu sự học của các em học sinh dân tộc nơi đây khó đến nhường nào.

Thầy Nguyễn Hải Phong, GV cắm bản thuộc điểm trường gần buôn Đ’lây chia sẻ: “Học sinh M’Nông tại các buôn làng dù tiếp thu kiến thức vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng bù lại các em giờ đã chăm đến lớp và chịu khó học hơn ngày trước rất nhiều. Phụ huynh cũng đã quan tâm đến sự học của các em, chứ không bỏ mặc như hồi xưa nữa. Nhiều phụ huynh còn bỏ cả việc nương rẫy, sáng cõng con đến lớp, chiều cõng con trở về chỉ để cho con được học cái chữ, biết đọc, biết viết, điều đó đã khích lệ tinh thần chúng tôi rất nhiều. Chúng tôi không chỉ thương các em, mà còn tự cảm thấy phải có trách nhiệm mang ánh sáng văn hóa về cho buôn làng”.

Ông K’rơ Min, trưởng buôn Papi, một buôn còn sâu và xa hơn buôn Đ’lây của huyện Lắk, cho biết: “Sự học của người M’Nông tại buôn giờ đã thay đổi rất nhiều. Điều đó không chỉ đến từ sự vận động của các thầy cô giáo cắm bản, từ chính sách chăm lo, hỗ trợ của địa phương, mà còn từ chính sự thay đổi về ý thức của các bậc cha mẹ các cháu. Việc học của con em người dân tộc M’Nông các buôn làng giờ đã trở thành một phong trào thi đua, cả buôn không còn hộ nào không cho trẻ đến trường. Các cháu khó, giáo viên giúp, gia đình khó buôn và xã giúp. Vì thế, việc học chữ ở đây giờ đã khác trước, các cháu đến lớp vì sự thích thú, say mê việc học, chứ không phải đến lớp để có được mấy ký gạo, cân đường, hộp sữa theo chế độ như ngày xưa”.

Một lớp học ở buôn Daksa
Một lớp học ở buôn Daksa

Nhìn cảnh các em học sinh người M’Nông tranh nhau giơ tay xin thầy lên bảng viết chữ, giành nhau để được đứng trước lớp đọc những bài văn ngắn mà thấy vui biết nhường nào. Dù giọng vẫn còn ngọng nghịu, một số chữ phát âm chưa chuẩn, đôi ba chữ vẫn sai nét chính tả, nhưng cái tinh thần học tập thì đã khác trước rất nhiều.

Chị M’hê Iêng, phụ huynh của em M’ hê Sang, học sinh lớp 3 tại điểm trường Papi cho biết: “Nhà tôi có 6 cháu, đứa lớn nhất 15 tuổi, đứa nhỏ nhất 6 tuổi. Ngày trước, hai cháu lớn tôi không cho đi học vì phải theo cha mẹ lên rẫy. Nhưng 4 đứa nhỏ còn lại tôi đều cố gắng cho chúng đến trường học cái chữ theo lời động viên của GV, trưởng bản. Đến nay ba đứa đã biết đọc, biết viết, một đứa mới bắt đầu học chữ. Đường từ nhà đến trường cũng xa, nhưng thấy tụi nó vui khi được đi học thì cũng để tụi nó đi. Thầy cô xuống nhà khen tụi nó chăm, học giỏi, ngoan, tôi không biết cụ thể như thế nào, nhưng thấy về nhà đứa nào cũng giở sách, giở tập khoe mẹ cái này, cái kia. Tôi đoán chắc chúng thích”.

Nghe chị M’hê Iêng chia sẻ, nhớ lại những hình ảnh phụ huynh cõng đến lớp bắt gặp trên đường, hay hình ảnh người mẹ đến tận lớp đưa con trái bắp nấu, câu nói của Gla’Bong “Con rất thích đi học vì vui và được đọc chữ”, tôi mới thấy hết sự cố gắng trong việc học chữ của người M’Nông.

Cô Trần Thị Quế, GV điểm trường buôn Papi chia sẻ: “Cuộc sống GV nơi đây khó một thì cuộc sống của bà con đồng bào khó mười. Nhưng sự học của người M’Nông thật sự đã thay đổi rất nhiều. Nếu như ngày trước phải năn nỉ học sinh đến lớp thì nay các cháu đã tự giác. Nhiều đứa thích học nhưng lại ham chơi, đến giờ đi học không kịp ăn, thế là lội bộ hàng chục cây số đến lớp học chữ với cái bụng đói meo. Đói quá chúng ra bờ ruộng, bìa đồi hái sim, bẻ mía ăn cho đỡ đói rồi học tiếp. Chúng ham học đến nỗi nhiều đứa ngồi học mà bụng cứ sôi ùng ục, mình biết, mình thương nhưng nhiều hôm không chuẩn bị sẵn bịch bánh hay gói mì trong túi nên đành phải chịu. Vì ở giữa núi, giữa rừng biết mua những thứ đó ở đâu? Ấy thế mà hễ có cái gì ngon, họ lại sai học sinh mang đến lớp cho thầy cô giáo cùng ăn. Cái nghĩa, cái tình họ dành cho mình nhiều lắm. Vì vậy, dù cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, nhưng chẳng GV nào muốn xa bản, xa trường. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn ở cái sự đổi thay diệu kỳ về tinh thần và thái độ học tập của học sinh nơi đây, đã giữ chân những người thầy, người cô ở lại với bản làng”.

Người M"Nông và khát vọng con chữ ảnh 3

Chia tay các em học sinh M’Nông ở các buôn Daksa, Đ’lây, Papi khi các em vẫn đang say sưa đánh vần những chữ cái theo hướng dẫn của thầy, cô mà chúng tôi thấy nhẹ lòng. Hạnh phúc và tương lai tươi sáng có lẽ sẽ bắt đầu bằng những tiếng bi bô học chữ mà các em đang cố gắng ngày hôm nay - tôi tự nhủ lòng như vậy, khi nhìn thấy ánh mắt ngời sáng, trong veo của Ơ’ktun đang dõi theo mình dưới ánh mặt trời dần lẫn khuất dưới rặng tre. 

M’Nông là 1 trong 3 cộng đồng dân tộc thiểu số cư trú và sinh sống, đông thứ 3 tại tỉnh Đắk Lắk sau dân tộc Kinh và Êđê với gần 41.000 người. Tại huyện Lắk, người M’Nông tập trung sinh sống chủ yếu tại trung tâm thị trấn Liên Sơn và một số buôn của xã Đắk Nuê như Buôn ĐắkSa, buôn Đ’lây, buôn Papi và một số ít tại xã Nam Ka và xã Yang Tao.

Số học sinh người M’Nông các cấp tại huyện Lắk vào khoảng hơn 1.600 em trên tổng số 9.217 em là học sinh dân tộc thiểu số. Người M’Nông theo chế độ mẫu hệ, con cái mang họ mẹ, trong gia đình người vợ giữ vị trí chính, nhưng người chồng không bị phân biệt đối xử, họ sống tôn trọng nhau. Cha mẹ về già thường ở với con gái út.

Anh Tú

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ