Chị Nguyệt hạnh phúc trong ngày cưới của con. |
Người phụ nữ mặc áo dài sang trọng tự tin bước lên sân khấu, giữa những ánh nhìn ngưỡng mộ và cả con mắt tò mò, chờ đợi của khách dự đám cưới. Chị xúc động khi con gái cuối cùng cũng tìm được bến đỗ cuộc đời với một cô dâu cao ráo, xinh đẹp. Cả đời mình, bà mẹ ấy chỉ mong chứng kiến giây phút này, được thấy con hạnh phúc.
Bị chồng phụ bạc, ba đứa con sinh ra với giới tính khác nhau, cuộc đời chị Nguyệt (55 tuổi ở Cam Lâm, Khánh Hòa) tưởng chừng đã chạm tới tận cùng của sự khổ đau. Chị bình thản nhắc tới chồng nhưng lại day dứt, xót xa khi chứng kiến sự kỳ thị của xã hội hướng về các con mình. Con gái đầu của chị dị tính, đã lập gia đình và hiện sống ở Vũng Tàu. Người con thứ hai, Nguyễn Trúc Vy, 27 tuổi, chuyển giới từ nữ sang nam và vừa làm đám cưới với Bích Hà, một cô gái song tính. Cậu con út tên Minh Nhật, 20 tuổi, sinh viên đại học ở Nha Trang, là người đồng tính.
Trúc Vy sinh ra là nữ nhưng ngày còn nhỏ nghịch ngợm, thích chơi với con trai và ghét mặc đồ con gái. Đến tuổi trưởng thành, Vy cũng phát triển các bộ phận nữ giới bình thường. Ngày đầu tiên thấy kinh nguyệt, Vy sợ hãi và giao kèo "nghỉ chơi với mẹ" nếu nói cho ai biết. Nhiều lúc đang chơi, nhóm bạn trai hét ầm lên khi phát hiện Vy đang "bị" ra quần.
Đi học phải diện váy đồng phục, Vy luôn mặc sẵn quần đùi bên trong. Chuông reo tan học cũng là lúc Vy tụt váy và vắt lên vai đi về nhà. Vy chỉ ưng cắt tóc ngắn và lúc tắm hay vuốt ngược lên. Lên cấp ba, việc học trở nên khó khăn với Vy vì đồng phục áo dài. Chị Nguyệt từng phải lặn lội lên tận Đà Lạt xin học cho con vì ở đó đồng phục là áo khoác. Không muốn bị bạn bè trêu trọc, Vy xui mẹ bán nhà và chuyển chỗ khác. Trong vòng 20 năm qua, mẹ con chị Nguyệt chuyển qua 15 căn nhà, tới nỗi bạn bè tưởng chị buôn bất động sản.
Trước khi làm đám cưới với Bích Hà, Vy từng trải qua hai cuộc tình thời học trò đầy nước mắt và khổ đau. Mối tình đầu tan vỡ mang tới cú sốc tinh thần cho Vy. Lần thứ hai kết thúc trong đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Gia đình cô gái thậm chí còn tới nhà sỉ vả chị Nguyệt vì nghĩ Vy "lây bệnh" cho con họ. Trông thấy con đau khổ lục lại kỷ niệm tình yêu để xoa dịu mình, mẹ Nguyệt cảm thấy như chính bản thân đang bị thương.
"Vy lôi món đồ hai đứa hay chơi ra ngắm rồi khóc và đẩy đi. Nó còn mở những bài hát karaoke hay song ca cùng con bé ấy nhưng giọng nghẹn lại, không cất nổi thành lời. Tôi lặng lẽ quan sát và hiểu con đang đau thế nào", chị Nguyệt tâm sự.
Cô dâu Bích Hà xúc động khi xem video có lời chia sẻ của chồng trong ngày cưới |
Vì thế, ở mối tình thứ ba của con, chị quyết định tới gặp gia đình Hà để hỏi vợ cho Vy. Ban đầu, bố mẹ Hà cũng phản đối kịch liệt nhưng sau dần chấp nhận vì thấy Vy chân thành. Hà có 6 năm sống và thử thách tình yêu với Vy. Đám cưới như một nút thắt giải tỏa tâm lý và cho Hà một danh phận chính thức trong gia đình chị Nguyệt. Vợ chồng Hà hiện quản lý quán cà phê sân vườn rất đông khách.
Trúc Vy mạnh mẽ bao nhiêu thì cậu út Minh Nhật lại yếu đuối bấy nhiêu. Bị người khác trêu ghẹo, Vy sẵn sàng xù lông phản vệ, còn Nhật chỉ biết lặng lẽ cúi đầu. Tính cách yếu đuối của đứa con cầu khẩn khiến chị Nguyệt càng thêm xót xa.
Ngay từ lúc Nhật đi mẫu giáo, chị đã nhận ra sự khác biệt vì con chỉ thích chơi búp bê, buộc tóc giống cô giáo. Nhật có thể say sưa chơi cả ngày với chiếc khăn tắm quấn lại làm váy búp bê. Nhật đi học về, mẹ Nguyệt sẽ quan sát nét mặt con để đoán biết hôm nay như nào. Nếu không bị bạn trêu, Nhật sẽ vui vẻ chạy về nựng mẹ. Ngược lại, em buồn bã, đóng sập cửa phòng. Ở nhà, Nhật thích mặc đồ kiểu gì sẽ tự thiết kế để mẹ Nguyệt mua vải rồi đem may. Cậu hay chải chuốt và có làn da đẹp. Trước đây, Nhật ít nói và hiếm khi cười nhưng từ khi tham gia các hội LGBT (cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới), cậu tự tin bước ra ngoài.
"Nhật lo mẹ buồn khi chị Vy là người chuyển giới và giờ thằng bé đồng tính. Tôi bảo cháu "dù là giới tính nào đi nữa, mẹ vẫn yêu con". Tôi biết chuyện này từ lâu rồi nên luôn để con sống tự nhiên", chị Nguyệt chia sẻ.
Chị Nguyệt cùng các con, Nhật (ngoài cùng bên trái), Vy và Hà (áo hồng). Ảnh: Facebook. |
Mẹ Nguyệt giấu nước mắt vào lòng và luôn phải tỏ ra bản lĩnh, cứng rắn để các con dựa vào. Chị bình thản chấp nhận nhưng thực ra đêm về lại day dứt và khóc thầm trong phòng. Chị dằn vặt bản thân sao sinh con ra, đưa chúng vào đời rồi để xã hội kỳ thị. Lúc biết Nhật đồng tính, mẹ Nguyệt sốc và đau gấp nhiều lần hơn khi phát hiện Vy là người chuyển giới.
Chị bị đồng nghiệp ở ngân hàng trách tại sao không "bẻ" giới tính của con lại mà toàn chiều theo ý thích của chúng. "Nhìn cách con chơi vui vẻ và say sưa với búp bê, thay vì robot, tôi thấy nhẹ lòng. Tôi vui khi con hạnh phúc và chấp nhận tất cả, dẫu có bị người ta tới nhà chửi rủa", chị Nguyệt tâm sự.
Chị hướng cho Vy và Nhật theo ngành ngân hàng giống bố mẹ nhưng không ai chịu. Vy từng có thời gian làm giáo viên, sau đó nghỉ để học hớt tóc rồi pha chế, còn Nhật hiện học ngân hàng nhưng tốt nghiệp sẽ theo đuổi trường mỹ thuật mình yêu thích.
Bao bọc, yêu thương vì luôn sợ các con bị người đời dị nghị, mẹ Nguyệt gồng gánh cả trách nghiệm làm cha. Chị nhận mình thất bại khi quá thương con, không dạy cho chúng tính tự lập. Mọi việc trong nhà, mẹ Nguyệt đều là người đảm đương. Chị luôn nhắc nhở Vy phải đỡ đần Hà vì giờ con đã là một người chồng, trụ cột trong gia đình. Vợ chồng Vy tính xin con nuôi vì Hà luôn ao ước được làm mẹ.
Sau khi về hưu, mẹ Nguyệt tham gia nhóm phụ huynh có con thuộc cộng đồng LGBT và lấy đó làm niềm vui. Thỉnh thoảng, chị cùng các mẹ khác đi các tỉnh thành để chia sẻ câu chuyện của mình với phụ huynh khác. Năm nay đã ngoài 50 tuổi, chị bảo không thể chờ đợi, phải đấu tranh cho quyền lợi của các con để sau này có thể an lòng khi nhắm mắt xuôi tay.