Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM ngày 28-4 đã tổ chức hội nghị sơ kết 10 năm triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn, giai đoạn 2006-2016.
Phân biệt đối xử
Bà Hoàng Thị Khánh, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và Trẻ em mồ côi TP HCM, cho rằng các chính sách hỗ trợ người khuyết tật khi sử dụng xe buýt như miễn thu phí, cải tạo phương tiện, đổi mới chất lượng dịch vụ… đã tạo thuận lợi cho nhiều người đi xe. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, xe buýt vẫn còn rất hạn chế mà chủ yếu là thái độ của tài xế, tiếp viên chưa đúng mực, thậm chí là phân biệt đối xử với người khuyết tật.
“Trong nhiều trường hợp, tài xế và nhân viên trên xe không chỉ có thái độ, lời nói thiếu văn hóa mà còn coi thường người khuyết tật. Hơn nữa, nhiều xe khi đến các trạm đều không dừng hẳn hoặc dừng nhưng không sát trạm khiến người khuyết tật lên - xuống xe rất nguy hiểm” - bà Khánh nói.
Đồng tình với ý kiến trên, bạn Quang Kỳ - người khiếm thị, sinh viên của một trường âm nhạc trên địa bàn TP HCM - cho biết nhiều tài xế khi chạy xe thì mở nhạc rất lớn, gây ồn ào. Trong khi đó, nhiều tài xế còn có thái độ thiếu văn hóa, thậm chí nói tục với hành khách và phân biệt đối xử với người bị khiếm khuyết.
Theo em Nhật Quang, một học sinh khuyết tật, nhiều xe buýt thường xuyên bỏ trạm, tài xế có thái độ khinh miệt do người khuyết tật dùng vé miễn phí. “Những vé xe buýt miễn phí đôi khi cũng phải trả tiền vì nếu không sẽ nhận phải thái độ và lời lẽ không thân thiện từ nhân viên và tài xế” - Nhật Quang ngán ngẩm.
“Bày” giải pháp
Bạn Phạm Thị Kim Vân, sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, cho rằng đa số các tài xế, tiếp viên xe buýt không biết cách giao tiếp hoặc hỗ trợ người khuyết tật. Nhiều trường hợp, việc lên - xuống xe của người khuyết tật tốn thời gian khiến tài xế không muốn đón. “Có lần tôi phải đứng chờ xe buýt đến lần thứ 4 mới được lên. Từ đó, tôi đã nảy sinh ý tưởng hỗ trợ những người khuyết tật khi tham gia giao thông công cộng. Cụ thể là tổ chức các buổi hướng dẫn cho hành khách, đặc biệt là sinh viên, để khi gặp trường hợp có người khuyết tật lên xe thì biết cách hỗ trợ” - Kim Vân nói.
Đại diện Liên hiệp HTX Vận tải TP HCM thừa nhận hầu hết tài xế, tiếp viên xe buýt chưa biết cách giao tiếp với người khuyết tật nên việc mở các lớp tập huấn về những kỹ năng này cũng rất cần thiết. Một trong những giải pháp trước mắt để tạo thuận lợi cho người khuyết tật đi xe buýt là tiếp tục sửa chữa, cải tạo nhà chờ và xem xét tổ chức ít nhất 2 tuyến xe buýt dành riêng cho đối tượng này.
Trước nhiều ý kiến đưa ra tại hội nghị, ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết sẽ đẩy nhanh hệ thống vé xe buýt thông minh vào hoạt động để tạo thuận lợi cho hành khách nói chung và người khuyết tật nói riêng.
Nhiều biện pháp ưu tiên
Theo Trung tâm Quản lý và Điều hành Vận tải hành khách công cộng (thuộc Sở GTVT TP HCM), TP hiện có 2.458 xe buýt đã bố trí ghế ngồi ưu tiên cho người khuyết tật. Trong đó, 265/2.512 xe có trang thiết bị nâng - hạ, sàn thấp hoặc sàn bán thấp để tạo thuận lợi cho người khuyết tật sử dụng.