Người đồng tính, chuyển giới được thừa nhận

GD&TĐ - Mặc dù, Tổ chức Y tế thế giới đã loại đồng tính ra khỏi danh sách nhóm bệnh vào năm 1990 nhưng vì nhiều lý do khác nhau, cộng đồng này vẫn trở thành nhóm yếu thế trong xã hội.

Người đồng tính, chuyển giới được thừa nhận

Không dám công khai giới tính thật, bị hạn chế trong việc tiếp cận dịch vụ giáo dục, y tế, việc làm khi vẫn có nhu cầu khiến họ sống trong tình trạng “ngoài vùng phủ sóng” với những rủi ro luôn rình rập.

Một phần của cuộc sống

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang, Việt Nam có khoảng 500.000 người có giới tính không trùng với giới tính hiện có và không ít người chỉ có tình cảm với người đồng giới. Rất nhiều người trong số này có nhu cầu chuyển giới, kỹ thuật trong nước có thể đáp ứng nhưng do luật pháp chưa cho phép nên không ít người phải sống 2 thân phận hoặc cũng có người chấp nhận rủi ro về sức khỏe, sự kỳ thị để được sống với giới tính thật của mình.

Cũng theo ông Quang, nhu cầu được chuyển giới dự báo ngày một nhiều nhưng không được luật pháp chấp nhận nên cuộc sống của cộng đồng này gặp nhiều khó khăn. Minh Ánh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: Đi đâu mọi người cũng nhìn mình như tội phạm, nhẹ thì rì rầm bàn tán bởi giấy tờ thì là nam mà người lại là nữ. 

Thủ tục hành chính đã vậy, khi có nhu cầu đi học, khám bệnh hay xin việc làm cũng cơ cực không kém. Tương tự, sau khi chuyển giới, Hoàng Tùng (TPHCM) cũng thề không bao giờ đặt chân đến bệnh viện công bởi không thể chịu được cảm giác mọi người nhìn mình như “con hủi”. “Họ không nói thẳng vào mặt mình mà xì xào bán tán, chỉ trỏ. Người bình thường đã đành, nhiều khi nhân viên y tế mà cũng có thái độ như vậy” - Tùng chia sẻ.

Chia sẻ với những khó khăn người đồng tính phải chịu đựng, đại diện Viện Nghiên cứu Xã hội - Kinh tế và Môi trường cho rằng, dù thừa nhận hay không, nhóm người trên vẫn sống theo cách của họ.

Được thừa nhận

Sau thời gian dài chờ đợi, cộng đồng người chuyển giới, đồng tính vui mừng khi Quốc hội thống nhất quan điểm phải có luật về việc chuyển đổi giới tính. Người sau khi chuyển giới được thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi. Có tới 282/366 số phiếu thu được tán thành với quy định trên.

Theo đó, cá nhân có quyền xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật. Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch, có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

Theo anh Trần Khắc Tùng (Trung tâm Quyền của cộng đồng người chuyển giới, đồng tính và song tính) cho biết: Việc Quốc hội cho phép chuyển giới tính mở ra sự bình đẳng và công bằng xã hội. Điều này đồng nghĩa với việc họ không bị từ chối trong trường học, bệnh viện, ngoài cộng đồng và trong gia đình.

Điều tra của Viện Nghiên cứu Xã hội - Kinh tế và Môi trường cho thấy, 20% người đồng tính khi bị phát hiện sẽ mất bạn, 15% bị gia đình chửi mắng, đánh đập. Nghiêm trọng hơn, 4,5% đã từng bị tấn công, 1,5% bị đuổi học và 4,1% bị đuổi khỏi nơi ở, mất việc làm… Bệnh truyền nhiễm cũng phổ biến trong nhóm này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ