Người “chèo đò” đất sen hồng

GD&TĐ - Nhà giáo Trà Ngọc Minh, giáo viên giảng dạy môn Lý - Kỹ thuật của Trường THPT Trần Quốc Toản, thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp, là người yêu nghề, mến trẻ, có tinh thần năng động sáng tạo trong sự nghiệp trồng người. Hiện tại, gia đình thầy gặp hoàn cảnh khó khăn, rất cần sự giúp đỡ để vươn lên trong cuộc sống.

Giờ dạy của thầy Minh
Giờ dạy của thầy Minh

Một tấm gương về ý chí, nghị lực

Sinh ra ở vùng quê Quảng Bình đầy nắng và gió, được lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng nên người thanh niên Trà Ngọc Minh luôn thể hiện được tinh thần chịu thương, chịu khó, gắn bó với mọi công việc. Khi người cha hoàn thành xong nhiệm vụ giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng thì cả gia đình anh cùng chuyển vào lập nghiệp tại Đồng Tháp, vùng đất sen hồng, thành đồng của Tổ quốc. Nơi đây là quê hương thứ hai, tình nghĩa đậm đà mà người thanh niên ấy đã gắn bó với những gì thân thuộc nhất.

Không may em gái Trà Thị Nguyệt bị mắc bệnh tâm thần ngay thuở ấu thơ do bị ảnh hưởng chất độc da cam từ người cha. Cả nhà làm chỉ đủ khả năng để duy trì cuộc sống và đưa Nguyệt đi chữa trị bệnh quanh năm. Là con lớn trong gia đình nên anh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm khi cùng cha mẹ chăm sóc em bị bệnh. Bất cứ rảnh thời gian nào ngoài giờ học ở trường anh lại tìm thêm việc để làm, mong giúp gia đình ổn định cuộc sống. Bản thân anh đã không ngại khó khăn gian khổ nên đã tham gia làm nhiều việc như phụ hồ, chăm sóc cây cảnh, khuân vác lúa gạo ở nhà máy xay xát, chăn nuôi lợn gà, phụ bán quán cà phê… Đây là những công việc anh đã từng làm khi còn là học sinh THCS, THPT và sinh viên đại học.

Anh Minh đã cố gắng vươn lên tham gia lao động trong suốt quãng thời niên thiếu, thanh xuân để được đi học và giúp đỡ gia đình bớt đi những khó khăn, ổn định từng bước. Nhà anh Minh ở gần xí nghiệp xay xát chế biến gạo nên đã tham gia làm phu khuân gạo. Công việc nặng nhọc là thế nhưng vẫn không hề than thở dù có lúc mệt lả người đi, chân bước không vững, mắt cứ hoa lên…

Khi bước vào ngưỡng cửa đại học, anh vừa mừng vừa lo với tâm sự: “Mừng vì thành tích học tập tốt của tôi. Nhưng lo vì khả năng kinh tế gia đình không cho phép tôi tiến xa hơn nữa trên con đường học vấn. Tôi chợt nhớ đến câu nói của nhân vật Paven trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy”, một quyển sách quý do người bạn thân của cha tôi tặng khi cha tôi còn ở chiến trường: “Đời người chỉ sống có một lần, sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng sống hoài, sống phí”.

Tôi nghĩ rằng mình đã làm tất cả vì gia đình, không hề sống hoài, sống phí nhưng tôi lại có suy nghĩ tích cực là nếu mình bỏ không học đại học thì đó là một sự lãng phí của tuổi thanh xuân. Thế nên, tôi đã quyết tâm vừa học vừa làm để có thêm sự trải nghiệm, tích lũy vốn sống, những mong sau này sẽ giúp gia đình nhiều hơn”.

Khi có tấm bằng tốt nghiệp đại học, thầy Minh đã được phân công công tác giảng dạy ở Trường THPT Trần Quốc Toản, Đồng Tháp. Thầy đam mê, nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người, luôn giúp đỡ các em học sinh cũng có hoàn cảnh khó khăn. Những mùa nước nổi tràn về, thầy chống xuồng cùng các em và phụ huynh đi kê dọn nhà cửa, sắp xếp đồ đạc sao cho khỏi thấm nước, hư hỏng. Rồi có lúc thầy trò cùng đi xuồng nhỏ len lỏi vào những con kênh để hái bông điên điển, bông súng... Hay khi màn đêm buông xuống, thầy đi giăng câu, đặt lợp để đánh bắt cá linh, cá rô… những loại cá đặc sản trong mùa lũ để tăng thêm thu nhập. Trường THPT Trần Quốc Toản là một trường thuộc thành phố nhưng lại cận kề vùng sâu nên cũng có nhiều em học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn. Thầy rất hiểu và thông cảm cho các em. Thầy đã tham gia vào Hội chữ thập Đỏ để hoạt động tích cực hơn khi cùng tập thể sư phạm nhà trường đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục. Nhờ thế, nhà trường đã giữ vững trường đạt chuẩn quốc gia trong nhiều năm liền.

Một ấp ủ, niềm tin thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn

Giao lưu với thầy Trà Ngọc Minh, giáo viên Trường THPT Trần Quốc Toản
Giao lưu với thầy Trà Ngọc Minh, giáo viên Trường THPT Trần Quốc Toản 

Bản thân thầy Minh luôn thể hiện chí tiến thủ, vươn lên trong công tác giảng dạy. Những giờ dạy học của thầy luôn hướng đến tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh. Đặc biệt, thầy đã cùng tập thể sư phạm nhà trường đẩy mạnh hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho các em để giúp học sinh có thêm kỹ năng sống trong thời đại công nghệ 4.0. Cuộc sống luôn có những điều thử thách không ngờ khiến con người phải trực tiếp tham gia giải quyết những khó khăn đó.

Hiện tại, mẹ của thầy bị mắc bệnh ung thư ở giai đoạn cuối nên nỗi khó khăn chồng chất càng tăng lên gấp bội. Thầy phải đưa mẹ đi hóa trị, xạ trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Và người mẹ yêu quý ấy đang chạy đua với thời gian từng ngày, từng giờ, còn cha cũng nằm bệnh ở bệnh viện đa khoa tỉnh, em gái thì bị tâm thần. Thương cảm với hoàn cảnh đó, các anh chị em công đoàn viên trong nhà trường cũng quyên góp ủng hộ gia đình thầy trong thời gian qua. Thầy Minh có mong muốn là công tác giảng dạy của mình ngày một tiến bộ hơn lên. Và chính thầy sẽ tranh thủ lúc thời gian rảnh rỗi để đầu tư cải tạo hệ thống chăn nuôi, cải tạo đất vườn nhà để trồng rau sạch, giúp cho mọi người dùng nguồn thực phẩm an toàn, tăng thêm sức khỏe, vui sống, lao động. Thầy tâm sự: “Tôi sẽ quyết tâm thực hiện bằng được mô hình: “Chăn nuôi bền vững, sức khỏe bền lâu” để đẩy lùi bệnh tật, giúp môi trường trong sạch, lành mạnh”.

Trong suốt những năm qua, thầy Minh là người Đảng viên gương mẫu, luôn đóng góp xây dựng “Tổ ấm yêu thương” của Đảng bộ, góp phần tạo nên thành tích của Chi bộ nhà trường “Trong sạch, vững mạnh”. Thầy luôn đạt kết quả giảng dạy cao, được học sinh và PHHS yêu mến, tin tưởng. Thầy đã nhận được nhiều giấy khen của Hội chữ thập Đỏ về đóng góp thành tích thi đua cho đơn vị, giấy khen lao động tiên tiến xuất sắc các năm học. Thầy luôn nở nụ cười đôn hậu để tự động viên bản thân và những người có hoàn cảnh khó khăn hãy biết vươn lên trong cuộc sống. Hy vọng với niềm tin, ý chí và nghị lực của mình, thầy Minh sẽ luôn vững bước trên con đường tương lai nơi vùng đất sen hồng của Tổ quốc.

Tôi nghĩ rằng, mình đã làm tất cả vì gia đình, không hề sống hoài, sống phí nhưng tôi lại có suy nghĩ tích cực là nếu mình bỏ không học đại học thì đó là một sự lãng phí của tuổi thanh xuân. Thế nên, tôi đã quyết tâm vừa học vừa làm để có thêm sự trải nghiệm, tích lũy vốn sống, những mong sau này sẽ giúp gia đình nhiều hơn” - thầy Minh tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.