Lợi thế cạnh tranh?
Khác với các ngành học đặc thù như kỹ sư, kiến trúc hay y học, ngành NNA có tính linh hoạt cao về cơ hội việc làm. Cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành NNA không chỉ giới hạn ở các vị trí có yêu cầu sử dụng tiếng Anh như biên dịch, phiên dịch, thực hành tiếng Anh ở mức độ nâng cao, mà còn ở các vị trí cần khả năng sử dụng tiếng Anh thành thạo cho các chuyên môn nghiệp vụ cụ thể trong các công ty tài chính, ngân hàng, tổ chức doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các công ty lữ hành quốc tế…
Sự đa dạng trong vị trí việc làm tạo lợi thế cạnh tranh cao hơn cho các bạn sinh viên tốt nghiệp ngành NNA bởi làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và xu hướng mở rộng thị trường quốc tế của các doanh nghiệp trong nước luôn đòi hỏi nguồn nhân lực đáp ứng tốt chuyên môn và kỹ năng tiếng Anh thành thạo trong môi trường làm việc năng động và đa văn hóa.
Học ở đâu?
Trong xu hướng đào tạo đa ngành hiện nay, có rất nhiều trường đại học kinh tế có ngành ngôn ngữ Anh để thí sinh lựa chọn. Điểm thú vị là nếu theo học ngành NNA tại các trường này, sinh viên sẽ được đào tạo tiếng Anh chuyên sâu theo các chuyên ngành kinh tế và từ năm thứ hai có thể học thêm một chuyên ngành khác.
Có thể kể đến ngành Ngôn ngữ Anh, chuyên ngành tiếng Anh Tài chính - Ngân hàng của Học viện Ngân Hàng. Được thiết kế với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng trong lĩnh vực tiếng Anh tài chính- ngân hàng, sinh viên khi vào trường sẽ được học các học phần thực hành tiếng Anh, lí thuyết tiếng Anh, văn hóa các quốc gia nói tiếng Anh và các học phần tiếng Anh chuyên ngành tài chính ngân hàng cũng như các học phần về chuyên ngành tài chính ngân hàng.
Sau khi kết thúc năm thứ nhất, sinh viên có thể đăng kí học thêm 1 chuyên ngành khác như tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh, hoặc kinh doanh quốc tế - là các khối ngành khác của Học viện. Khoa Ngoại ngữ và Học viện Ngân hàng cũng tạo cho sinh viên một môi trường thực hành ngôn ngữ và không gian văn hóa quốc tế thông qua rất nhiều hoạt động ngoại khóa.
Cuộc thi Hùng biện tiếng Anh U-Express được tổ chức thường niên trong 5 năm qua luôn thu hút rất nhiều học sinh sinh viên trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ngày hội cắm trại đa văn hóa Winter Camp được tổ chức thay cho bài kiểm tra cuối kỳ của môn Giao tiếp liên văn hóa là nơi các sinh viên được thỏa sức sáng tạo và tìm hiểu thật sâu về các đất nước và các nền văn hóa mà các em yêu thích.
Cơ hội nghề nghiệp?
Là sinh viên K15 ngành NNA của Học viện Ngân hàng, sau khi tốt nghiệp loại xuất sắc, Nguyễn Quang Dũng đã vượt qua hàng nghìn sinh viên khác được tuyển dụng vào chương trình Quản Trị Viên Tập Sự của Unilever (Unilever Future Leader Program). Trong hơn 4 năm làm việc tại đây, Dũng đã có cơ hội thử sức với rất nhiều môi trường làm việc khác nhau tại Việt Nam, Singapore, Thái Lan và tại nhiều phòng ban khác nhau như Sales, Brand Building, Digital Marketing, E-commerce… Vị trí gần nhất Dũng làm tại Unilever là phụ trách nhãn hàng Knorr cho khu vực Đông Nam Á.
Năm 2020, Dũng “bỏ cuộc chơi”, quay trở về Việt Nam và đảm nhận vị trí Quản lý truyền thông tại tập đoàn One Mount - thành viên của tập đoàn VinGroup. Theo Dũng, để thành công ở những công việc đã làm, Dũng đã trau dồi đam mê tiếng Anh của mình cũng như chuẩn bị kiến thức chuyên môn tốt. Dũng cho rằng các kỹ năng mềm như làm việc nhóm-thuyết trình hay kỹ năng giao tiếp khi tham gia các dự án học tập và các hoạt động ngoại khóa khi học đại học là vô cùng quan trọng để tạo ra sự tự tin khi làm việc.
Nguyễn Phương Thảo – sinh viên K16 của Khoa Ngoại ngữ HVNH lại kiên định phát triển bản thân trong một lĩnh vực chủ đạo. Nhiều năm qua, cô là Trợ lý Chủ tịch HĐQT mảng Đầu tư Quốc tế tại một trong những tập đoàn hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực bất động sản. Thảo cho biết điều giúp cô thành công là luôn duy trì phát triển kỹ năng Tiếng Anh và chuyên môn để đáp ứng những yêu cầu thay đổi không ngừng của công việc.
Khi còn là sinh viên, Thảo từng tham gia các hoạt động giao lưu quốc tế ở Nga, Hàn Quốc,… sau đó cô chủ động tìm kiếm cơ hội về mảng Hợp tác quốc tế. Theo Thảo, việc có nhiều trải nghiệm và kinh nghiệm khi học và làm việc ở nước ngoài giúp bản thân trở nên năng động, nhanh nhạy với cái mới và dễ thích ứng với văn hoá làm việc của nhiều quốc gia khác nhau.
Với vị trí hiện tại, Thảo đã từng làm việc ở Mỹ, các nước khối châu Âu như Đức, Bỉ, Ý, Thuỵ Sỹ, Áo, Hà Lan,... Tuy rất bận rộn nhưng cô luôn nhận lời làm khách mời tham dự Lễ chào tân sinh viên hay Ngày hội Truyền cảm hứng Inspiration Day của Khoa Ngoại ngữ. Cô gái này chia sẻ với các em tân sinh viên rất giản dị: “Hãy luôn đọc sách, học hỏi từ thầy cô và những người đi trước để không bao giờ vấp ngã trên hành trình của cuộc đời và rút ngắn con đường dẫn đến thành công
Giá trị?
Nhiều bạn trẻ khi bắt đầu phải lựa chọn ngành thường băn khoăn “Học ngành này ra có dễ xin việc không? Lương cao không?”. Điều này thực tế cũng còn phụ thuộc vào sự năng động của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là các nhà tuyển dụng hẳn sẽ đưa ra chế độ đãi ngộ cao hơn cho ứng viên vừa có chuyên môn tốt lại có thêm khả năng sử dụng tiếng Anh thành thạo trong công việc.
Cũng nhờ việc biết thêm và giỏi tiếng Anh, bạn có cơ hội đi tới nhiều nơi hơn, gặp gỡ nhiều người hơn, là tiền đề để bạn nâng tầm cuộc sống và trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Được đào tạo bài bản và chuyên sâu về một ngôn ngữ cộng thêm một chuyên môn tốt là nền tảng vững chắc cho việc phát triển sự nghiệp tương lai của bạn trong xu thế "toàn cầu hóa", "đa quốc gia hóa" hiện nay.