Ngôi trường ở Đồng Nai hễ mưa là bục giảng cũng 'đắm'

GD&TĐ - Cứ mỗi lần có mưa lớn, nhiều khu vực tại TP Biên Hòa đối diện cảnh ngập nặng. Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh là một điểm ngập lớn.

Khu vực sân Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh mênh mông nước sau một cơn mưa.
Khu vực sân Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh mênh mông nước sau một cơn mưa.

Đau lòng là Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh đã có học sinh thiệt mạng do bị nước ngập cuốn trôi.

Học sinh thiệt mạng vì bị nước cuốn trôi

Ngày 7/9 vừa qua, cơn mưa kéo dài nhiều nơi ở Đồng Nai đã khiến không ít khu vực bị ngập nặng. Mưa bắt đầu đổ xuống khu vực Biên Hòa và các huyện lân cận như Long Thành, Trảng Bom, Nhơn Trạch và TP Thủ Đức (TPHCM) kéo dài từ chiều đến tối khiến nước từ thượng nguồn các con suối đổ về dồn dập.

Tuyến Quốc lộ 51 qua phường Long Bình Tân có nhiều điểm ngập nặng sau mỗi cơn mưa lớn. Giao thông gần như tê liệt, các phương tiện phải dừng lại để chờ nước rút rồi mới di chuyển tiếp được.

Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh vẫn tiếp tục là “điểm đen” ngập lụt.

Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh vẫn tiếp tục là “điểm đen” ngập lụt.

Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh vẫn tiếp tục là “điểm đen” ngập lụt của TP Biên Hòa. Được biết điệp khúc “mưa là ngập” đã tái diễn tại trường hơn 20 năm qua. Nước mưa không chỉ ngập các lối đi vào trường, mà còn dâng lên cả văn phòng, tràn vào các lớp học. Cá biệt có những hôm mưa lũ kéo đến tận bục của hội trường, khiến trường buộc phải cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh nằm ở khu vực dân cư đông đúc nên mỗi ngày có hàng trăm lượt người và phương tiện qua lại. Đó là người dân nơi khác chứ dân trong khu vực thì không dám bén mảng mỗi khi trời dội mưa lớn.

Hễ mưa lớn là trường ngập mênh mông.

Hễ mưa lớn là trường ngập mênh mông.

“Hiện ở khu vực này, nhất là xung quanh Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh cứ hễ có mưa lớn một chút là y như rằng các tuyến đường bao quanh phải hứng chịu cảnh ngập sâu. Đáng nói, khu vực ngập nặng này của TP Biên Hòa đã từng xảy ra trường hợp mưa lớn nước đổ mạnh thành suối cuốn học sinh mất tích. Bởi vậy nên người dân quanh khu vực hết sức ái ngại di chuyển qua đây mỗi khi mưa lớn.

Đơn cử vào tháng 5/2019, hai học sinh của nhà trường là em Đỗ Xuân K. và em Nguyễn Hoàng Minh Q. cùng 16 tuổi, là học sinh của trường đã thiệt mạng do bị nước cuốn trôi”, ông Nguyễn Thế Vinh, cư dân địa phương bức xúc chia sẻ về điểm ngập đã kéo dài hơn 20 năm này.

Thầy Nguyễn Xuân Hoài Phước, Bí thư Đoàn Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh, cho biết, mỗi khi mưa tới là thầy và trò nhà trường cùng với đoàn thanh niên địa phương lại phải đổ công sức dọn dẹp vệ sinh. Nhiều bận vừa dọn xong buổi trưa thì chiều tối lại mưa, lại phải dọn tiếp để học sinh có chỗ học hành.

Sau mỗi cơn mưa, con đường phía trước nhà trường biến thành sông.

Sau mỗi cơn mưa, con đường phía trước nhà trường biến thành sông.

Đến trường phải “trông trời, trông đất, trông mây”

Thầy Phan Anh Tuyến, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh, cho biết, giảng dạy tại điểm “mưa là ngập” này lo sợ nhất là vào những ngày học sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp. Những ngày ấy, ngoài việc phải lo ôn tập cho học sinh còn phải “trông trời, trông đất, trông mây” nữa.

Theo thầy Tuyến, nhiều hôm ngập nặng nhà trường phải cho trò nghỉ học. Dù nhà trường luôn linh hoạt việc dạy bù, nhưng vào mùa mưa “giời không thương” thì việc tổ chức dạy và học vô cùng mệt mỏi. Lấp được ngày này lại hổng ngày kia, mọi thứ đảo lộn, thay đổi chóng mặt.

“Thường là sau những trận mưa to trường phải huy động lực lượng giáo viên và học sinh dọn dẹp. Những hôm ngập sâu và nặng thì được sự hỗ trợ của các đơn vị bộ đội đóng quân gần đó. Việc bị mưa ngập nhiều năm đã khiến cho cơ sở vật chất nhà trường bị xuống cấp, nhất là hệ thống tường rào và sân trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm”, thầy Tuyến chia sẻ.

Được biết hiện nay TP Biên Hòa đang triển khai dự án Chống ngập tại điểm ngập trên Quốc lộ 51, đoạn từ chợ Long Bình Tân đến cầu Đen. Tuy nhiên, việc nghiệm thu công trình mới ở giai đoạn 1. Giai đoạn 2 từ suối Bà Lúa đến đường Châu Văn Lồng hiện tại vẫn chưa được triển khai do gặp khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng, khiến việc giải thoát lưu lượng nước cho khu vực sau mỗi trận mưa lớn vẫn chưa hiệu quả.

Tập thể cán bộ giáo viên nhà trường, cùng người dân sinh sống quanh khu vực rất mong UBND tỉnh Đồng Nai, TP Biên Hòa sớm tháo gỡ những vướng mắc để nhanh chóng hoàn thành dự án, giúp nhà trường thoát cảnh ngập lụt sau mỗi cơn mưa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ