Ngộ độc... báo "lá cải"

Ngộ độc... báo "lá cải"

(GD&TĐ)  - Là văn thư của một cơ quan nhà nước nên chị Chi có nhiều điều kiện thuận lợi để ngày ngày lướt net. Sở thích lớn nhất của chị Chi là vào các trang báo mạng đọc tin tức, nhất là các trang có nhiều thông tin về những chuyện “thâm cung bí sử” của các sao hay các tin tức giật gân trong xã hội.

Nhưng rồi một ngày, chị Chi nhận ra rằng mình bỗng trở nên e sợ khi đi ra đường, vì nhìn đâu cũng thấy tội phạm (hậu quả của việc ngày nào cũng đọc các tin kiểu “cướp giết hiếp”); cảm thấy không tự tin giữa chốn đông người, chỉ sợ tên “dê xồm” nào đó chộp được phút sơ ý, hớ hênh của mình để tung lên mạng (do bị ám ảnh bởi chuyện “lộ hàng” trong giới showbiz). Rồi chị thường xuyên về muộn, khi thành phố đã lên đèn, dù công việc của chị rất nhàn, không đòi hỏi chị phải làm thêm ngoài giờ, chỉ vì chị còn mải miết đọc nốt, đọc cố thêm một số tin tức “quan trọng”... Chị chợt thấy rằng cuộc sống của mình đã bị chi phối, lệ thuộc quá nhiều vào... báo lá cải.

Chỉ cần một cú nhấp chuột, có thể biết mọi tin tức trên thế giới
Chỉ cần một cú nhấp chuột, có thể biết mọi tin tức trên thế giới

Hãi hùng những tít “câu view”

Công việc đầu tiên chị Chi làm khi đến cơ quan là bật máy tính lên, lướt một loạt qua các trang báo mạng xem có tin nào “hot hot” là nhấp chuột vào đọc. Nhưng không ít lần, đọc xong chị Chi phải nhăn mặt kêu lên: “Ôi, lều báo!”. Đó là bởi vì giữa nội dung và tít chẳng liên quan gì đến nhau. Như hôm trước, chị Chi hùng hục lao vào đọc tít “Ngủ quên, chuột gặm mất bàn chân” nhưng đọc xong thì chị vỡ lẽ là nhân vật trong bài báo chỉ bị chuột gặm chân chảy máu.

Một lần khác, cái tít “T.T lộ vòng 1 chảy xệ vì cho con bú” khiến chị Chi đang đánh máy dở một công văn cũng phải nhào vào nghía một tí, để xem cái cô ca sĩ nổi tiếng này sau sinh “xuống cấp” như thế nào (“Không biết chừng cô này sinh con xong còn “mẹ sề” hơn cả mình” - chị Chi hả hê nghĩ thầm). Nhưng rồi, chị tiu nghỉu vì bài báo chỉ đưa mấy cái ảnh T.T trong trang phục kín mít đi làm từ thiện. Chỉ thấy cô hơi mũm mĩm so với thời son rỗi, chứ chả có gì liên quan đến “chảy xệ” ở đây.

Mới hôm qua, chị Chi còn suýt bị sếp bắt quả tang làm việc linh tinh trong giờ làm, vì sếp vào phòng đúng lúc chị đang “tám” rất hăng với mấy chị đồng nghiệp trong phòng về câu chuyện “L.N.K có thể bị nghi trộm kim cương Cannes”. Theo đó, bài báo đề cập đến trường hợp cô đào nổi tiếng Hollywood Sharon Stone, dù không đóng phim nào trong gần một thập kỷ qua nhưng vẫn tham dự liên hoan phim Cannes năm nay. Vì thế, cô bị cảnh sát Pháp nghi vấn cô đến Cannes với mục đích khác, trong đó không loại trừ mục đích ăn cắp những món nữ trang bằng kim cương quý giá tại đây. Từ đó, bài báo ngoặc thêm trường hợp của đoàn Việt Nam tham dự LHP Cannes, và nêu đích danh “bà chủ shop kim cương” L.N.K, rằng nếu theo suy luận trên thì rất có thể L.N.K cũng nằm trong danh sách nghi vấn của cảnh sát Pháp vì lâu nay cô cũng không đóng bộ phim nào. Hơn nữa, cô có ưu thế tiêu thụ kim cương sang trọng nên cũng có nguy cơ cao trong việc tham gia vào đường dây đánh cắp nữ trang giá trị.

Đọc xong bài báo, chị Chi thực sự bức xúc thay cho L.N.K, dù trước đây chị cũng không ưa gì cô này, chỉ bởi cái tít dễ gây hiểm lầm cho người đọc, thậm chí có thể giết chết danh tiếng một con người. Vậy là chị xả cái nỗi uất ức với mấy báo lá cải, giờ chỉ suốt ngày nghĩ cách giật tít thật kêu, thật giật gân, thậm chí gây hãi hùng, kinh sợ cho người đọc, để người ta vào đọc bài, trong khi nội dung bài báo chả liên quan gì đến tít. Đúng lúc chị đang cao hứng nhất thì sếp bước vào, cũng may là chị phản ứng nhanh, bảo với sếp chị đang bức xúc vì sáng nay đi ăn gặp phải hàng “chặt chém”...

Không nên dùng quá nhiều quỹ thời gian để đọc tin tức trên mạng
Không nên dùng quá nhiều quỹ thời gian để đọc tin tức trên mạng 

Công nghệ “trồng cải”

Những cái tít gây sốc giờ có thể gặp nhan nhản trên các tờ báo, tạp chí. Không chỉ là tít, nhiều bài báo còn gây sốc ở cả nội dung, cách dùng câu chữ, thông điệp mà bài báo truyền tải... Nhưng điều đáng nói, độc giả không sốc ở sự thật mà bài báo đưa đến cho họ, mà sốc vì những cái tít chẳng liên quan gì đến nội dung bài báo, sốc vì cách thức thu thập thông tin của người viết, sốc vì không hiểu sao những bài viết như thế cũng được xuất bản...

Chi than thở: “Nhiều phóng viên “nằm vùng” ở facebook của những người nổi tiếng. “Sao” vừa post gì hay ho lên facebook thì chỉ một vài tiếng sau đã có bài báo “ăn theo” trên báo mạng. Nội dung toàn thấy trích dẫn những lời “sao” viết trên facebook, kèm theo dăm câu bình luận chẳng đâu vào đâu. Thế mà cũng thành một bài báo!”.

Vốn hay la cà trên mạng, dần dần chị Chi còn phát hiện ra một cách thức thu thập thông tin khác của một số phóng viên. Đó là khai thác thông tin từ những bình luận (comment) ở một diễn đàn nào đó, nhất là về những chủ đề “hot”. “Không ít lần tôi phát hiện thấy một bài báo nào đó có những thông tin giống hệt những bình luận mà tôi vừa đọc ở một diễn đàn mà tôi là thành viên. Dường như người viết chỉ cần trích những bình luận mang thông tin “hot”, lắp ghép chúng với nhau là hoàn thành một bài viết. Ai không biết thì cứ tưởng phóng viên này có nguồn tin độc, lạ, nhưng những người biết sự thật như tôi thì chỉ biết lắc đầu ngao ngán...”.

Một “công nghệ” khác mà những phóng viên báo lá cải ưa chuộng hiện nay là cố tình hiểu sai, hoặc tùy tiện cắt xén nội dung thông tin, lời nói của nhân vật..., khiến cho bản chất sự việc thay đổi 180 độ.

Mới đây, MC T.T đã phải lên tiếng thanh minh vì một bài báo phỏng vấn anh giật tít “Đàn ông tài năng và có tiền phải yêu hot girl” khiến dư luận “dậy sóng” vì cho rằng MC này quá tự phụ, phô trương, mới có tí thành công đã vỗ ngực cho mình là “tài năng và có tiền”. Ngay sau đó, T.T đã phải “nói lại cho rõ” rằng: Anh hoàn toàn không phát ngôn như vậy. Nguyên văn lời anh nói với phóng viên đó là: “Người đàn ông có hai thứ hấp dẫn phụ nữ là tài năng và tài chính. Bản thân một người đàn ông khi họ có một trong hai cái tài đó hoặc có cả hai thì họ quen một người đẹp hay người đẹp yêu họ là chuyện hoàn toàn bình thường, đó là quy luật của xã hội”.

MC T.T không phải là nạn nhân đầu tiên và duy nhất bị biên tập phát ngôn đến mức khi bài báo được tung ra cho bàn dân thiên hạ đọc, “người trong cuộc” cảm thấy choáng váng vì không thể nhận ra đó là những gì mình đã nói. Dù sau đó “nạn nhân” có lên tiếng phủ nhận mình không phát ngôn gây sốc, thì dư luận cũng sẽ đặt dấu hỏi to tướng: “Không có lửa làm sao có khói?”.

Xem ra, cái công nghệ “trồng trọt” ở các báo lá cải thật dễ gây “ngộ độc”, không chỉ cho độc giả và những nhân vật trong các bài báo, mà cả chính những người viết...

Khi chị Chi nhận ra rằng cuộc sống của mình bị chi phối, lệ thuộc quá nhiều vào báo lá cải, chị mới ý thức được tác hại ghê gớm mà những bài báo giật gân, câu khách đã hàng ngày, hàng giờ gieo vào đầu óc, ý nghĩ của chị. Có lẽ đã lâu lắm, chị không có một giây phút rảnh rang để đọc những cuốn sách khiến chị cảm thấy yêu đời hơn, khích lệ tinh thần của chị hơn. Đã lâu lắm chị không nghe nhạc. Lâu lắm chị không trò chuyện với chồng. Chị cũng không có lúc nào nghĩ tới chuyện học một cái gì đó có ích cho chuyên môn, công việc của mình... Tất cả thời gian rỗi chị “cống hiến” cho những tờ báo lá cải, những bài báo lá cải, dù sau đó chúng khiến chị bực tức, bức xúc, thấy sợ hãi, thấy nghi ngại mọi người, mọi thứ xung quanh mình...

Sáng nay, chị Chi đã mấy lần định nhấp chuột vào mấy cái tít “hót hòn họt” đang nhấp nháy mời gọi trên màn hình. Nhưng rồi chị cố kìm lại, bởi chị muốn dành quyền kiểm soát cuộc sống của mình, chứ không phải nhường quyền đó cho mấy bài báo giật gân kia. Chị biết, người ta có thể nghiện ma túy, nghiện chat, nghiện game, thì cũng có thể nghiện... báo lá cải. Mà cái gì nghiện cũng gây nên những hệ lụy khôn lường, cũng khó cai. Nhưng khó không có nghĩa là không làm được.

Sáng nay, chị Chi quyết tâm đoạn tuyệt với báo lá cải...

Hằng Thụy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ