Nghiên cứu khoa học trong trường ĐH: Gắn nhà trường với doanh nghiệp

Nghiên cứu khoa học trong trường ĐH: Gắn nhà trường với doanh nghiệp
x
Học sinh Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc NCKH theo nhóm

(GD&TĐ) - Hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) và  chuyển giao công nghệ trong các trường được đánh giá là còn chưa hiệu quả, thiếu sự gắn kết giữa các trường - viện với cộng đồng các doanh nghiệp. Các nhà trường còn thụ động, hoạt động nghiên cứu chỉ là “sáng tạo” trong trường, chứ chưa xuất phát từ thực tế xã hội và doanh nghiệp. 

1. Thời gian vừa qua, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học của các nhà trường với doanh nghiệp. Bước đầu việc làm này đã có những kết quả nhất định, nhưng thực sự vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi của xã hội.

Thực tế cho thấy vẫn còn đó không ít đề tài nghiên cứu làm xong do tính thực tế chưa cao nên  phải cất vào ngăn tủ, cũng lại có nhiều kết quả NCKH từ các đề tài được nghiệm thu chưa được khai thác sử dụng một cách có hiệu quả, có thể do cơ chế, do khó khăn về nguồn vốn.... nhưng cũng do chủ quan của người thực hiện.

Theo đánh giá của nhiều nhà khoa học thì một trong những rào cản lớn nhất trong hoạt động chuyển giao công nghệ giữa các trường đại học và doanh nghiệp là nguồn kinh phí cấp cho các đề tài nghiên cứu ở Việt Nam, cho dù đã được nâng lên trong những năm gần đây, nhưng vẫn còn quá thấp, chưa tạo động lực cho các nhà khoa học cống hiến hết mình.

Một giảng viên của đại học đã đưa ra một so sánh, cho dù kinh phí cho một đề tài khoa học cấp Bộ từ năm 2006 đến nay đã tăng thêm gấp khoảng 20 lần, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu nếu nhà khoa học đó chỉ cần tham gia tư vấn cho các Dự án bên ngoài trường, lương tháng trên dưới 3.000 USD, mà các dự án lớn luôn kéo dài trên dưới 24 tháng.

Tất nhiên mọi sự so sánh đều khập khiễng, dẫu biết là kinh phí làm khoa học còn nhiều hạn chế, nhưng cũng phải nhận thấy là trong thời gian qua, kinh phí nhà nước cấp cho các đề tài nghiên cứu cũng đã có sự thay đổi đáng kể. Không biết hiệu quả của các nghiên cứu có tăng theo không.

Theo số liệu thống kê từ Bộ GD&ĐT, nguồn ngân sách Nhà nước cấp cho các trường đại học thực hiện nhiệm vụ Khoa học & Công nghệ luôn được tăng lên theo từng năm. Nếu năm 2006 là hơn 259,5 tỷ thì năm 2008 là hơn 264 tỷ đồng. Nhưng nguồn thu từ hoạt động KH&CN của các trường đại học trong những năm đó còn rất thấp (chiếm 3,92% trong tổng nguồn tài chính của các trường đại học). Điều này cho thấy, hiệu quả kinh tế từ hoạt động NCKH của các trường đem lại là rất thấp.

Những phòng thí nghiệm hiện đại thế này luôn góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu
Những phòng thí nghiệm hiện đại thế này luôn góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu
 

2. Hiện nay, ở nhiều trường đại học, đang diễn ra một thực tế là trường nào cũng muốn gắn nhãn mác là đại học nghiên cứu, nhưng thực ra hoạt động nghiên cứu còn thưa thớt, các đề tài mang lại giá trị thực tiễn chưa cao. Đó còn là chưa nói chuyện không ít đề tài nghiên cứu xong rồi đem cất vào tủ. Cùng với đó, công tác sở hữu trí tuệ lại cũng bị xem nhẹ. Ở nhiều trường, phòng quản lý khoa học chỉ có chức năng đốc thúc các giảng viên, nhà khoa học, các đơn vị trong trường nộp hồ sơ đăng ký các đề tài, dự án.

Trong khi đó, việc đăng ký sáng chế - phát minh, thì lại chưa được quan tâm đúng mức, bản quyền đối với các sáng chế - phát minh cũng như phương án phân chia lợi ích cho các bên tham gia vào quá trình tạo nên các sản phẩm khoa học – công nghệ đối với công trình nghiên cứu của giảng viên và các nhà khoa học là rất cần thiết, thì cũng lại chưa được quan tâm đúng mức.

Điều này dẫn đến một thực tế đang dần hình thành ở nhiều đại học là khi các hoạt động chuyển giao công nghệ trong trường chưa tạo động lực thu hút cán bộ tham gia, chưa có tổ chức có đủ năng lực chuyên môn đứng ra quản lý, đưa vào sản xuất, kinh doanh, và quan trọng hơn cả là chưa đem lại lợi ích thỏa đáng cho người nghiên cứu thì các nhà nghiên cứu đã tìm ra đường đi riêng cho mình.

Đó là bằng tên tuổi của mình cùng với vị thế của trường, các nhà nghiên cứu có sẵn các mối quan hệ của nhà trường với các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trong và ngoài nước trong lĩnh vực mình nghiên cứu, đã hợp đồng trực tiếp với những đối tác đó. Tất nhiên nguồn lợi thì chắc chắn không về nhà trường mà nhà nghiên cứu thu về.  

Gắn giảng viên, nhà khoa học với nghiên cứu, trong điều kiện nguồn kinh phí còn nhiều hạn chế thì việc hợp tác với doanh nghiệp là giải pháp quan trọng, tối ưu, vì nguồn lợi thu về đôi bên đều được hưởng, nhà nghiên cứu, nhà trường cũng được hưởng thù lao từ giá trị chất xám của công trình nghiên cứu đem lại, doanh nghiệp được hưởng lợi từ giá trị kinh tế do áp dụng công trình nghiên cứu.

Nhưng tiếc rằng, đến nay, hầu hết các trường đại học đều đã có các bộ phận chuyên trách quản lý các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, kể cả doanh nghiệp trong trường, nhưng triển khai có hiệu quả và bài bản việc gắn kết các giảng viên, nhà khoa học với các hoạt động nghiên cứu nhằm mục tiêu chung thúc đẩy và nâng cao hiệu quả quá trình chuyển giao công nghệ là việc nhiều nơi chưa làm được.  

3. Trước đây, trong nghiên cứu khoa học đơn thuần, ít người nhắc đến từ “PR”, hiểu một cách đơn giản là quảng bá cho đứa con tinh thần của mình. Nhưng đến nay, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ luôn được đánh giá bằng thước đo giá trị, hay nói cho rõ hơn là hiệu quả kinh tế đề tài nghiên cứu đó mang lại. Do vậy, muốn đề tài khoa học của mình đến với doanh nghiệp, không có cách nào khác, đề tài đó cũng cần phải được xem như một mặt hàng, vậy thì hãy đưa mặt hàng đó đến với doanh nghiệp, doanh nghiệp lựa chọn đề tài nào phù hợp, đem lại lợi ích cho họ thì họ sẽ ký hợp đồng mua.

Và nhà trường, nhà khoa học, muốn có hợp đồng thì cũng nên PR cho các đề tài khoa học đó. Cần phải quen với việc nhà khoa học, doanh nghiệp cùng tìm đến với nhau, chứ không nên giữ quan niệm cũ là doanh nghiệp phải tìm đến với nhà trường.

Để thay đổi thói quen mang nặng tâm lý là “thầy”, là “hàn lâm”, chỉ có chuyện doanh nghiệp tìm đến thầy chứ không có chuyện thầy tìm đến doanh nghiệp, rất cần có những tổ chức trong nhà trường, biết được thế mạnh của các nhà khoa học trong trường mình, nắm vững thị trường khoa học bên ngoài, để mà đứng ra làm cầu nối giữa các doanh nghiệp với các trường đại học và viện nghiên cứu. 

Bộ Khoa học & Công nghệ đang soạn thảo 5 nghị định và chuẩn bị ban hành 12 thông tư hướng dẫn thi hành Luật KH&CN sửa đổi nhằm tháo gỡ khó khăn về tài chính cùng một số cơ chế khác cho các nhà khoa học và doanh nghiệp.

Theo đó, khi đề tài đáp ứng được các yêu cầu của hội đồng khoa học phê duyệt, sẽ cấp tiền ngay  theo cơ chế khoán gọn tới sản phẩm cuối cùng, quyết toán không bị ràng buộc về các chứng từ, hóa đơn. Khi thực hiện các đề tài nghiên cứu còn được sử dụng kinh phí để mua các thiết kế, công nghệ, hoặc thuê chuyên gia nước ngoài về phục vụ cho việc nghiên cứu.

Như vậy, nghị định và thông tư mà Bộ KH&CN đang soạn thảo, sẽ tháo gỡ các khó khăn cho các nhà khoa học. Đây là những nội dung mà trước đây, Luật KH&CN năm 2000 không cho phép. 

Hiên Kiều

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ