Nghệ nhân tuổi 86, sư phụ của 10.000 thợ thêu

Phần lớn thợ thêu hiện nay ở TP Huế và hàng ngàn thợ thêu ở các tỉnh thành khác từng được “thọ giáo” Nghệ nhân Lê Văn Kinh - Chủ xưởng tranh thêu Đức Thành (82 Phan Đăng Lưu, Huế). Cho tới nay, cụ vẫn nhiệt tình chỉ bảo, dạy nghề cho các học viên có nhu cầu.

Nghệ nhân tuổi 86, sư phụ của 10.000 thợ thêu

Năm 8 tuổi, cụ Kinh đã theo bố làm nghề thêu. Từ đó, cả cuộc đời cụ gắn với nghề này. Năm 1975 tham gia “Tổ thêu xuất khẩu Cẩm Tú”, năm 1976 làm Chủ nhiệm HTX Thêu xuất khẩu Phú Hòa (TP Huế). Tới năm 1978 ngành thêu phát triển mạnh, cụ được đào tạo diện giảng viên và trở thành cán bộ kỹ thuật thêu xuất khẩu.

Trong hơn 20 năm, cụ thường xuyên đi dạy thêu cho 3 tỉnh Bình Trị Thiên (cũ). Cụ cũng chủ động cùng với ngành ngoại thương tỉnh tổ chức xây dựng các trường dạy thêu, trực tiếp đi về những cơ sở thêu tại nhiều xã thuộc các huyện: Hương Điền, Hương Phú, Phú Lộc, Triệu Hải, Đông Hà để dạy nghề…

Trong thời buổi khó khăn, thiếu thốn trăm bề nhưng cụ vẫn hăng say, đem hết nhiệt huyết, khả năng để truyền dạy cho hàng chục ngàn thợ thêu.

Khi tròn 80 tuổi, cụ nhẩm tính bản thân mình đã đào tạo khoảng 10 ngàn thợ thêu. Nay đã có nhiều người thành danh, mở xưởng thêu lớn ở trong Nam, ngoài Bắc.


Nghệ nhân Lê Văn Kinh ở tuổi 86 vẫn say mê nghề thêu.

Khi đã là thầy giáo, cụ vẫn không ngừng làm nghề, đưa nghề thêu lên tầm cao mới. Sản phẩm thêu tay của cụ góp mặt đều đặn trong các kỳ Festival Huế, Festival Nghề truyền thống Huế. Trong dịp Festival Huế năm 2014, cụ có bức tranh thêu “ Quốc hoa” và “Vinh quy bái tổ” được công chúng yêu tranh đánh giá cao.

Đặc biệt, trong tác phẩm “Quốc hoa”, cụ đã thể hiện tài nghệ nghệ nhân, sự công phu, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Bức tranh được thêu bằng chỉ tơ tằm và kim tuyến, phản ánh sinh động, chân thật về màu sắc, trang nhã về đường nét, lột tả được nét thanh tao, quý phái của hoa sen. Nhiều du khách nước ngoài xem bức thêu của cụ đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ, tìm về tận nhà.

Đến nay, cụ được coi là nghệ nhân làng nghề truyền thống lập nhiều kỷ lục Việt Nam nhất: Kỷ lục về bộ tranh thêu bài thơ “Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác thiền sư bằng 15 thứ tiếng, kỷ lục bức tranh thêu bộ Tâm kinh Bát Nhã Ba La Mật. Mới đây, tháng 5.2014 cụ xác lập kỷ lục thứ ba: Bức tranh thêu 2 bài thơ “Tẩu lộ” và “Hoàng hôn” trong tập “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cho biết lý do chọn 2 bài thơ của Bác để thêu, cụ Kinh tâm sự: “Hai bài thơ “Tẩu lộ” và “Hoàng hôn” đều được Bác sáng tác trong hoàn cảnh vô cùng cơ cực, bị tù đày khổ ải. Vì quá yêu Bác, kính Bác nên tui chọn để thêu với cả tấm lòng và sự trân quý nhất”.

Ở tuổi 86, cụ vẫn rất minh mẫn và yêu nghề. Cơ sở của cụ hiện tổ chức dạy nghề thêu cho những trẻ em khuyết tật tại nhà, tham gia sáng tác mẫu, hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều anh em trong nghề thêu ở Huế. Nhắp chén trà sáng, phóng mắt về phía chân trời xa xăm, cụ trầm tĩnh nói: “Còn cuộc đời thì ta cứ vui và còn cống hiến”.

Theo danviet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ