Nghệ An: Xóm chài mòn mỏi chờ tái định cư

Nghệ An: Xóm chài mòn mỏi chờ tái định cư

Đây là dự án di dân khẩn cấp, dự kiến hoàn thành sau 3 năm. Nhưng đến nay, bà con Hòa Lam vẫn “đi dở, ở không xong” bên rốn lũ.

Xóm chạy lụt bên "rốn lũ" thành phố Vinh

Mới 10 giờ sáng, gia đình ông Nguyễn Văn Nghĩa đã xong bữa trưa. Đây là thói quen ngày ăn cơm 2 bữa của ngư dân làng chài từ xưa để lại. Giữa tháng, trăng tỏ, con nước lặng, ông neo thuyền ở nhà. Theo ngư dân này kể, những năm 1940 - 1950, một số dân chài vùng Phúc Thái Thọ đã về trên bãi bồi Hòa Lam để khai hoang, sinh sống, thuận tiện cho thuyền ra vào. 

Dần dần thành làng như ngày nay. Nhưng cũng vì ở ngoài đê, nên năm nào cũng xảy ra lũ lụt, có mùa mưa nước ngập quá nửa nhà. Mỗi lần như vậy, dân trong làng lại kéo nhau đi sơ tán. Đến khi trở về, nhiều đồ đạc, tài sản, vật nuôi bị nước lũ cuốn trôi.

Nằm tách biệt ngoài đê, nên dù thuộc xã ven thành phố Vinh, đến nay hệ thống đường ống nước tại Hòa Lam chưa có, giao thông trong thôn nhỏ hẹp, chủ yếu là đường đất. Các hộ sinh sống ngay mép sông có nguy cơ sạt lở gây nguy hiểm. Vào năm 2007, TP Vinh đã hỗ trợ xi măng để xây dựng hơn 250m bờ kè chạy dọc sông, nhưng đến nay đã xuống cấp, xói lở.

Năm 2013, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư Hòa Lam, giao cho Chi cục Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Mục đích di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai tại xã Hưng Hòa, với tổng mức đầu tư hơn 36,6 tỷ đồng, dự kiến sau 3 năm sẽ hoàn thành. 

Các hộ dân Hòa Lam được đến xóm Phong Thuận 2 nằm trong đê, tránh nguy cơ ngập lụt. Ông Đậu Xuân Thương, Xóm trưởng xóm Hòa Lam cho hay, biết có dự án di dời vào trong đê, bà con rất phấn khởi. Nhưng nhiều năm trôi qua, chờ đợi mỏi mòn mà vẫn chưa được tái định cư. Cũng vì vướng dự án, bà con không dám xây dựng mới, tu sửa lớn nhà cửa. Đại diện xóm cũng đã nhiều lần kiến nghị các cấp chính quyền quan tâm để người dân sớm ổn định cuộc sống.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng

Ông Nguyễn Văn Nghĩa (người dân xóm Hòa Lam, xã Hưng Hòa, TP Vinh) cho biết: "Khoảng 5 năm trước, có cán bộ trên thành phố và tỉnh xuống lấy ý kiến người dân về việc tái định cư. Gia đình chúng tôi đã ký cam kết đồng ý di dời. Mình già rồi, thế nào cũng được, nhưng mong đời con cháu sẽ được sinh sống ở nơi cao ráo, an toàn, thuận lợi cho học hành, giao thông đi lại".

Dù đồng ý về chủ trương, nhưng nếu thực hiện di dời, người dân nơi đây vẫn nhiều băn khoăn. Theo ông Trần Bằng (55 tuổi), Nhà nước chỉ đổi đất để người dân được sang nơi ở mới thuận tiện hơn, chứ không phải thu hồi đất, nên bà con không có tiền đền bù. Điều kiện kinh tế gia đình ông ở mức vừa đủ sống, nay chuyển sang tái định cư, ông không biết lấy tiền đâu để xây nhà mới.

Bên cạnh đó, người dân cũng chưa rõ việc quy đổi đất được tính toán thế nào. Hòa Lam là một làng chài, phụ thuộc sông nước, không có đất sản xuất nông nghiệp. Vấn đề kế sinh nhai lâu dài là điều lo lắng của bà con nơi đây. "Nếu di dời, chúng tôi mong muốn được quay về ngư trường cũ ở tạm để đánh bắt cá. Nếu sau này có doanh nghiệp nào mua đất hoặc đầu tư xây dựng dự án gì, thì đền bù tài sản trên đất cho người dân", ông Nguyễn Văn Nghĩa đề nghị.

Theo ông Trần Cao Cường – Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Hòa cho biết: Nơi tái định cư chỉ cách nơi ở cũ của bà con chưa đến 500m, vì vậy vẫn thuận lợi cho người dân trong nghề chài lưới truyền thống. Về phía chính quyền địa phương, chúng tôi cũng rất ủng hộ dự án di dời dân xóm Hòa Lam, nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Xã cũng tiếp nhận ý kiến, nguyện vọng của bà con, và nhiều kiến nghị các cấp chính quyền sớm hoàn thành dự án để di dời, giúp người dân ổn định cuộc sống.

"Tuy nhiên, đến thời điểm này, khu vực tái định cư mới đổ nâng đất nền. Ngoài ra hệ thống điện, nước, giao thông chưa được xây dựng. Việc chia lô, phân đất ở cho các hộ dân cũng chưa thể triển khai. Mùa mưa năm nay, bà con xóm Hòa Lam vẫn chưa thể di dời được", ông Trần Cao Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Hòa dự tính.

Dự án di dời, tái định cư dân chài xóm Hòa Lam do Chi cục Phát triển nông thôn - Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nghệ An làm chủ đầu tư. Lý giải việc chậm trễ hoàn thành dự án, ông Lê Văn Lương, Chi cục trưởng cho hay: "Có hai nguyên nhân chính là khó khăn trong giải phóng mặt bằng và nguồn vốn cấp chậm. Hiện qua 4 đợt giải phóng mặt bằng vẫn còn một số hộ chưa đồng ý giải tỏa. Tuy nhiên, đến nay 2 khó khăn này cơ bản được giải quyết, nguồn vốn cũng được cấp về đủ. Chúng tôi sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành dự án sớm nhất, thực hiện di dời người dân xóm Hòa Lam đến nơi tái định cư".

Về ổn định cuộc sống người dân sau tái định cư, ông Lê Văn Lương cho biết mỗi hộ sẽ được hỗ trợ 20 triệu/hộ chi phí di dời theo chính sách hiện hành. Còn nguyện vọng của người dân tiếp tục ở lại xóm cũ để làm nghề chài lưới thì ông Lương cho rằng không thể đáp ứng được. Bởi mục đích dự án là di dời người dân khỏi vùng trọng điểm lũ lụt, đảm bảo an toàn. Nếu bà con muốn mượn đất sản xuất thì cần phải cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.