Tuy nhiên, việc hỗ trợ lao động tự do, tạm hoãn hợp đồng… chưa thể triển khai vì nhiều vướng mắc. Việc phải đối ứng 50% chi phí hỗ trợ cũng khiến địa phương gặp khó để huy động nguồn lực.
Lao động tự do ngóng hỗ trợ
Hơn 60 tuổi, ông Lê Đức Thắng hằng ngày vẫn đi hơn 20km từ Nam Đàn xuống chợ Vinh đạp xích lô chở hàng thuê cho các ki-ốt. Trung bình, mỗi ngày ông kiếm được khoảng 100 - 150 nghìn đồng. Ngày nào chở nhiều hàng, thu nhập của ông có thể gấp đôi. Tuy nhiên, trong thời gian cách ly xã hội, chợ Vinh đóng cửa hơn 2.000 ki-ốt hàng hóa không thiết yếu, nên ông Thắng cũng mất khách.
“Nghe tin Chính phủ sẽ hỗ trợ cho lao động tự do, anh em đạp xe xích lô chở hàng trong chợ mừng lắm. Mong nhanh được nhận khoản tiền chứ mấy tháng sau Tết tôi cứ đạp xe đi về, thu nhập chẳng đáng là bao, có ngày chỉ được vài chục”, ông Thắng nói.
Bà Phạm Thị Lan (phường Vinh Tân, TP Vinh) cũng đang ngóng khoản hỗ trợ của Chính phủ. Công việc của bà là khâu giày dép trước cổng chợ Vinh để nuôi cháu đi học. Mỗi ngày túc tắc, bà kiếm được từ 80 - 100 nghìn đồng. Nhưng dịch bệnh xảy ra, bà cũng lâm vào cảnh “thất nghiệp”, ngày kiếm được vài chục, có ngày không có đồng nào.
Hay tin Nhà nước hỗ trợ cho các đối tượng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó có người buôn bán nhỏ lẻ, tự do như mình, bà Lan khấp khởi mừng, nhưng cũng băn khoăn. “Tôi phải đến đâu, làm gì để được hỗ trợ hay đợi cơ quan chức năng đến khảo sát, thu thập thông tin. Những tháng qua, chỗ nào có chương trình từ thiện tôi cũng tìm đến, hoặc được mọi người giới thiệu. Tôi vất vả quen rồi, nhưng còn đứa cháu nhỏ, phải lo cho nó”, bà nói.
Trên thực tế, việc rà soát, thống kê các đối tượng lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Bà Hoàng Thị Thu Hằng, cán bộ chính sách - lao động - xã hội phường Vinh Tân (TP Vinh) cho hay, theo khảo sát sơ bộ, trên địa bàn có khoảng 8.000 lao động tự do. Trong đó, có khoảng 5.000 lao động thuộc đối tượng cần phải hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên để rà soát đúng đối tượng, khách quan, minh bạch thì không đơn giản và sẽ mất nhiều thời gian.
Theo bà Hoàng Thị Thu Hằng, lao động tự do không làm cố định một công việc hoặc thường nhảy việc, thay đổi chỗ làm, nên để đối chiếu các điều kiện như quy định rất khó. “Bên cạnh đó, nếu áp dụng tiêu chí “có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo”, từ 900 nghìn đồng đến dưới 1,5 triệu đồng/người/tháng thì cũng gây khó cho người lao động. Bởi các công việc như: Phụ việc ở nhà hàng, xích lô, xe ôm, buôn bán nhỏ lẻ cũng có mức thu nhập khoảng 100 nghìn đồng/ngày. Hiện phường đang chờ hướng dẫn của cấp trên để triển khai việc rà soát, thống kê nhóm đối tượng này”, bà Hằng nói.
Nhiều vướng mắc trong triển khai
7 nhóm đối tượng được nhận hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng gồm: Người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không lương; hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng; người lao động bị chấm dứt hợp đồng, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc; người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội; hộ nghèo và cận nghèo; lao động tự do.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, hiện các địa phương đã cơ bản hoàn thành chi trả trợ cấp cho 3 nhóm người có công với cách mạng; bảo trợ xã hội; hộ nghèo và cận nghèo theo Nghị quyết 42 của Chính phủ. Theo đó, có hơn 637 nghìn người được hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid-19 với khoảng 610 tỷ đồng.
Huyện Diễn Châu, Nghệ An gần 34.000 người của 37 thị, xã đã được nhận hỗ trợ với tổng số tiền khoảng 39 tỷ đồng. Tất cả đều thuộc nhóm đối tượng do Phòng LĐ-TB&XH huyện quản lý. Ông Phan Công Vinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết: Việc rà soát, thống kê nhóm được hưởng hỗ trợ còn lại như lao động tự do, lao động tạm hoãn hợp đồng hoặc hộ kinh doanh cá thể… gặp nhiều khó khăn, chưa thể triển khai. Nguyên nhân chủ yếu trong việc xác định đối tượng, chưa có hướng dẫn cụ thể.
Đơn cử, lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương, theo quy định, điều kiện được hưởng hỗ trợ là doanh nghiệp không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính trả lương. Nhưng thực tế, do ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh nghiệp đã thỏa thuận với lao động tạm hoãn nghỉ, không hưởng lương nhưng vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, vẫn có doanh thu. Hoặc theo quy định, người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương được nhận hỗ trợ qua tài khoản của người lao động. Tuy nhiên lao động không có tài khoản để nhận hỗ trợ thì chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể khác...
Cũng theo quy định, hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng sẽ được hưởng hỗ trợ. Theo dữ liệu của ngành thuế, tỉnh Nghệ An có gần 26.000 hộ kinh doanh cá thể. Nhưng để xác định hộ có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1/4 rất khó, chủ yếu là những hộ buôn bán rất nhỏ lẻ, manh mún. Trong khi đó, ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động mạnh đến nhóm kinh doanh, buôn bán có doanh thu cao hơn.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An, kinh phí để chi trả cho các đối tượng trên là gần 312 tỷ đồng, nhưng địa phương phải đối ứng 50%. Điều này gây khó khăn cho tỉnh do nguồn lực gặp hạn chế. Trước đó, làm việc với đoàn công tác Bộ LĐ-TB&XH, ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề xuất Bộ sớm có ý kiến với Chính phủ để cùng với các địa phương tháo gỡ, đặc biệt là hỗ trợ nguồn kinh phí cho những tỉnh đặc thù như Nghệ An.