Ngày Nước thế giới được tổ chức vào ngày này hàng năm nhằm kêu gọi sự quan tâm của toàn thế giới về tầm quan trọng của tài nguyên nước và vận động chính sách về quản lý bền vững tài nguyên nước, đặc biệt là các nguồn nước ngọt.
Ngày nước Thế giới 2016 nhấn mạnh vào chủ đề “Nước và Việc làm”. Làm thế nào để cả 2 vấn đề - “Nước và Việc làm” đều có sức mạnh tác động thay đổi cuộc sống của người dân: Nước là trung tâm của cuộc sống và việc làm bền vững có thể đem lại thu nhập, mở đường cho tiến bộ xã hội và phát triển kinh tế.
Ủy ban về nước của Liên Hợp Quốc (UN-Water) phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức các hoạt động kỷ niệm với mục đích thúc đẩy các quyền tại nơi làm việc, khuyến khích các cơ hội làm việc bền vững, tăng cường bảo vệ và đối thoại về các vấn đề liên quan đến việc làm.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tại nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh: Nước là trung tâm của sự sống, môi trường và kinh tế nhờ nguồn nước được cải thiện. Thu nhập do việc làm mang lại sẽ tốt hơn và là nền móng cho tiến bộ xã hội và phát triển kinh tế. Nước là cốt lõi của phát triển bền vững. Nước tạo ra cơ hội có việc làm cho người lao động và tác động trực tiếp đến đời sống của người lao động; ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của mỗi người.
Từ vai trò quan trọng của Nước, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng đối với nguồn tài nguyên mà cả cuộc sống và sinh kế của cả nhân loại đều phụ thuộc vào nó. Các cấp, các ngành hãy cùng nhau cam kết xây dựng những chính sách đảm bảo an ninh nước hướng tới phát triển một xã hội bền vững.
Đồng thời, yêu cầu các địa phương trên cả nước cấp bách bảo vệ, sử dụng tiết kiệm hiệu quả nguồn tài nguyên nước; bảo vệ rừng đầu nguồn nhằm duy trì và phát triển nguồn nước, nguồn sinh thủy cho các dòng sông, hồ chứa để cấp nước, phòng, chống lũ; tích cực trồng cây, bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn, rừng chắn cát, gia tăng các công trình giữ nước để bảo vệ nguồn nước và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng…
Bà Victorial Kwakwa - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - cho biết: Không có nước, con người không thể sinh tồn và phát triển thịnh vượng. Trên thế giới vẫn còn 663 triệu người không có đủ nước để uống, 2,4 tỷ người không được tiếp cận với các điều kiện vệ sinh đảm bảo, 1 tỷ người trong số đó không có nhà vệ sinh.
Đây là nguyên nhân gây ra các trường hợp tử vong không thể tránh khỏi, trong đó chủ yếu là trẻ em và điều này cũng khiến bệnh dịch ngày càng lây lan phát tán, gây trì trệ và tạo gánh nặng cho nền kinh tế - xã hội. Hiện nay, nhiều vùng trên thế giới đang phải chịu áp lực về nước do phát triển kinh tế, tăng trưởng dân số và biến đổi khí hậu.
Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán nghiêm trọng đang diễn ra ở Tây Nguyên, Đồng bằng Sông Cửu Long. Vì vậy các giải pháp hành động trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn cần phải được tiến hành để ứng phó với vấn đề thiếu nước của Việt Nam. Bà Victorial Kwakwa cũng nêu rõ mối quan hệ giữa nước và việc làm. Đầu tư vào nước để tạo ra việc làm và hỗ trợ sản xuất kinh tế; vai trò của nước đối với phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Thanh Hóa, Ngân hàng Thế giới cũng đã đầu tư hỗ trợ các dự án Cấp nước đô thị Việt Nam, Dự án xây dựng và cải tạo hệ thống thoát nước thành phố giúp thêm cho hàng chục nghìn người được tiếp cận với nguồn nước sạch và có điều kiện vệ sinh được cải thiện…
Được biết, Chương trình Mít tinh kỷ niệm Ngày Nước thế giới năm 2016 tại Thanh Hóa diễn ra trong 2 ngày 21 và 22/3/2016, gồm các hoạt động: Lễ Mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2016, Hội thảo khoa học với chủ đề “Nước và Việc làm”, Triển lãm ảnh “Nước và Việc làm”, Chương trình giao lưu nghệ thuật chào mừng Ngày Nước thế giới 2016 và một số hoạt động tuyên truyền khác được tổ chức song song.