Anh Hoàng Dũng, chủ một quán game trên đường Lương Thế Vinh cho biết: “Từ khi các trường bắt đầu thi hết học kỳ xong là quán của tôi đông hơn hẳn. Hầu như dàn máy hơn 30 chiếc lúc nào cũng hoạt động hết công suất. Các em chủ yếu trong độ tuổi sinh viên, thậm chí có người còn thuê máy, thuê chỗ cả tháng luôn”.
Dưới cái nóng gần 400C, căn phòng khoảng 40m2 đặc quánh mùi người và thuốc lá. Xấp xỉ ba chục con người mồ hôi nhễ nhại đang chúi mắt vào màn hình, đôi tay thoăn thoắt bấm phím. Thỉnh thoảng có người phá lên cười do “đạt được thành tích nào đó…” - anh Dũng cho biết.
Khách hàng của các quán internet chủ yếu là học sinh, sinh viên... |
Vui vẻ vì vừa “đạt được thành tích”, Nguyễn Văn Vinh khách ruột của quán Game 24h cho biết: “Học cả 4 - 5 tháng trời, giờ được nghỉ em muốn xả hơi bằng game. Với lại về nhà buồn lắm không có gì chơi chỉ có xem tivi và ăn ngủ thì không chịu được... Cùng lắm là đi uống rượu với mấy đứa bạn rồi về bố mẹ lại mắng cho. Thà ở lại chơi game còn hơn…”.
Hoàng, một người bạn “cùng trọ, cùng chơi” với Vinh nghe câu chuyện nói thêm vào: “Bọn em tranh thủ cày level thật nhanh để khi vào học thì đã có con “level khủng” (đẳng cấp cao) có thể mang đi “chiến nhau”. Mà nói với bố mẹ là ở lại học thêm tin học thì vừa có tiền chơi lại vừa đỡ phải về”.
Vì lí do đó, Vinh, Hoàng đã “cắm máy” cả ngày lẫn đêm ở đây được gần một tháng nay. Thỉnh thoảng họ mới ghé về phòng trọ tắm còn chủ yếu là ăn bánh, mỳ... và ngủ luôn trên bàn phím.
Khác với Vinh, Hoàng một chút, Long sinh viên năm thứ 3 ĐH Bách Khoa Hà Nội góp tiền cùng 5 người bạn thuê một căn phòng trọ sau sân vận động Bách Khoa, lắp mạng internet để “cày game”.
Long cho biết: “Em và mấy đứa bạn cùng chơi Tây Du Ký, vừa đẹp đủ 1 PT 6 người (một nhóm người cùng chơi trong game có lợi thế tốt nhất). Bọn em thay nhau ngủ để trông máy nên cũng đỡ mệt mà lại lên level rất nhanh”. Khi được hỏi vì sao mọi người không về nhà Long cho biết: “Bọn em chỉ tranh thủ về ít hôm vừa để thăm bố mẹ, anh chị em và họ hàng, vừa để lấy tiền rồi lại lên ngay. Thực ra về nhà chẳng biết làm gì. Ở lại đây vừa được chơi lại vừa có bạn”.
Có thể nói những trường hợp như Vinh, Hoàng hay Long hiện nay không hiếm. Việc sinh viên, học sinh tranh thủ tháng nghỉ hè để trốn nhà lao đầu vào game online đang là một thực trạng cần báo động. Thực trạng này sẽ càng ngày càng gia tăng nếu không có sự quản lý, tổ chức của các cơ quan chức năng, các đoàn thể, tổ chức xã hội.
Nhiều người cho rằng thực trạng hiện nay là do game online gây nghiện hay nhiều thanh niên không làm chủ được mình nhưng sự thật không hoàn toàn như vậy. Trong cuộc điều tra của một nhóm phóng viên gần đây với câu hỏi: nghỉ hè bạn làm gì? Thì đến 95% học sinh, sinh viên được hỏi trả lời: “chưa có kế hoạch”, “không biết làm gì”. Như vậy, game online sẽ nghiễm nhiên trở thành lựa chọn hàng đầu cho kỳ nghỉ.
Game thủ có nick Chip_Chip trong game online Kiếm Thế cho biết mình là một sinh viên và phản ứng rất mạnh mẽ: “Cứ cấm tôi chơi game vậy nếu không chơi game thì tôi làm gì? Trường tổ chức đội sinh viên tình nguyện thì cũng chọn gương mặt tiêu biểu và cũng chỉ được vài “mống”, gạt bọn tôi ra rìa thì tôi phấn đấu làm gương mặt tiêu biểu trong game thế thôi!”.
Theo một cuộc khảo sát mới đây, trong các trò chơi ở trên mạng ngày nay, 77% trò chơi là bạo lực, đánh nhau, giết người các loại. Thứ hai, 9% có tính cờ bạc và chỉ có 14% là bóng đá, múa và đua xe. Như vậy, hiện nay trò chơi trên mạng tính chất là như thế, trên 3/4 là bạo lực... Khi các em tham gia trò chơi có thể đánh, bắn hoặc giết người, không chịu bất cứ một chế tài nào về mặt tâm lý, tình cảm xã hội cũng như luật pháp. Tham gia vào đây được hành động mà không có chế tài, tạo một phản ứng, một phản xạ rất không tốt... |
Quang Anh