Tôi đã cưới chồng được 12 năm. Quả thật, những năm qua tôi cũng đã không biết làm thế nào để trải qua cuộc hôn nhân “thắt lưng buộc bụng” theo đúng nghĩa đen của mình. Cưới nhau tay trắng, chúng tôi đã tiết kiệm mua được nhà sau 10 năm kết hôn. Chồng tôi tốt nghiệp Đại học Kinh tế, có công việc ổn định.
Tôi cũng làm văn phòng, thu nhập không quá cao nhưng hiện nay gộp cả hai vợ chồng cũng được hơn 20 triệu. Không nhắc lại những ngày sống chật vật, khổ sở, ăn thiếu, mặc cũ trước đấy nhưng khi cuộc sống đã khấm khá hơn, không hiểu sao chồng tôi không thay đổi. Anh ấy quy định mỗi tháng chúng tôi chỉ được dùng 3 khối nước, 300.000 tiền điện.
Tiền ăn cho 4 người cũng không quá 3 triệu/tháng. Để tránh lãng phí, anh ấy quy định buổi sáng, cả 4 người cùng đi vệ sinh một lượt để “giật nước” một lần. Việc tắm rửa cũng không dùng vòi hoa sen mà đổ nước ra chậu cho đỡ tốn. Chúng tôi cũng đồ ăn luộc nhiều hơn chiên rán không chỉ để “bảo vệ sức khỏe” mà đỡ tốn dầu, ăn muối nhiều hơn ăn mắm vì muối rẻ.
Tháng nào tôi tiêu tiền thâm hụt, anh ấy cũng bắt tôi tường trình từng khoản, sau đó cằn nhằn không ngớt và bắt tôi bớt tiêu ở tháng sau. Sau đó, để tránh chồng la mắng, tôi kiếm thêm khoản khác bù vào những lúc lỡ mua cho con thêm gói bánh, dẫn con đi ăn kem…
Chồng tôi cũng chưa từng đưa gia đình đi du lịch, anh ấy bảo đi những chỗ đó “đông đúc, thức ăn ô nhiễm dễ mắc bệnh lại còn bị lừa tiền, mất cắp”. Nhưng nói trắng ra là anh ấy tiếc tiền. Có lần, cơ quan anh ấy tổ chức du lịch cho nhân viên, anh ấy rủ tôi đi cùng. Tôi đã rất hạnh phúc hưởng thụ niềm vui khó tin đó. Nhưng nào ngờ, khi về, anh ấy đòi tôi 800.000 đồng vì chỉ có người trong cơ quan mới được miễn phí.
Lần khác, vì đưa con đi khám bệnh nên tiện thể hai vợ chồng thử máu, anh ấy trả tiền, khi về nhà, anh ấy cũng đòi tiền thử máu của tôi… Còn ngày 8.3, anh ấy không “quản ngại” lấy hoa ở cơ quan về để tặng vợ. Cao hứng lắm, anh ấy sẽ mua cho tôi một cái chảo mới hoặc một cây lau nhà… vừa hay những thứ đó trong nhà vừa hỏng.
Tuy anh ấy chỉ tiết kiệm tiền để gửi tiết kiệm, không hoang phí nhưng tôi cũng không thể chịu được nữa. Niềm vui trong cuộc sống của tôi vì những chuyện mắm muối đó mà héo úa. Tình yêu, sự kính trọng chồng cũng vì thế mà thui chột. Gần đây, khi thấy chồng, tôi cảm thấy càng ngày càng “ngứa mắt”, khinh ghét.
Cuộc sống của gia đình tôi không có niềm vui, không có sự hưởng thụ. Nụ cười trên mặt các con tôi cũng thưa vắng dần. Cũng may chúng còn nhỏ, chưa biết đòi hỏi. Nhưng khi lớn lên, liệu chúng có hiểu được, có chấp nhận cuộc sống tiết kiệm đến mức kiệt quệ này? Tôi phải làm gì để chồng tôi hiểu được sự tiết kiệm đến ti tiện của anh ấy đang giết chết niềm vui của gia đình, khiến vợ con ngạt thở?
Hoàng Thị Bích Hằng (Lào Cai)
Tơ Hồng tư vấn:
Xin bày tỏ sự thông cảm với chị khi có một người chồng tiết kiệm đến như vậy. Tiết kiệm là nhằm dành dụm để lo cho cuộc sống gia đình được tốt hơn. Nếu tiết kiệm được đến mức triệt tiêu tất cả niềm vui sống, “cấm” hưởng thụ, thậm chí khiến gia đình bị bệnh thì giữ tiền phỏng có ích gì.
Nhưng trong câu chuyện dường như chị chưa từng có một lần hỏi chồng lý do anh ấy tiết kiệm, mục đích, mong muốn của anh ấy trong cuộc sống là gì. Có lẽ, vì thấy chị không kêu ca nên chồng chị cho rằng mình đúng, rằng vợ con không hề thấy bức bối, mệt mỏi khi sống “thắt lưng buộc bụng”.
Vì thế, chị nên lựa lúc vợ chồng vui vẻ để nói chuyện với chồng, hiểu xem mục đích anh ấy tiết kiệm đến “phát bệnh” như vậy. Chị cũng nói cho anh ấy biết, cuộc sống của gia đình ngột ngạt, buồn bã đến mức nào khi con cái không được vui chơi, vợ chồng không được đi giải trí với nhau. Sau đó, có thể “mạnh dạn” đưa chồng con đến một điểm vui chơi, du lịch nào đó để hưởng thụ những khoảng khắc vui vẻ bên nhau. Khi thấy vợ con hạnh phúc, có lẽ chồng chị cũng sẽ dần dần thay đổi quan niệm sống của mình.
Tất nhiên, chị đừng vội vã đòi hỏi chồng chị bỗng dưng lại “rộng rãi”, “phóng khoáng”. Nên từ từ, dần dần cùng chồng và các con dành nhiều thời gian bên nhau hơn, lúc đó sẽ có thêm cơ hội tiêu tiền và tìm lại sự gắn bó, yêu thương lẫn nhau.