Ngành thép trước sức ép hội nhập

GD&TĐ - Là một trong những ngành phải dựa vào sự hỗ trợ, bảo hộ của Nhà nước trong thời gian khá dài, ngành thép bắt buộc phải nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh của mình trong xu thế hội nhập sâu rộng hiện nay. 

Ngành thép trước sức ép hội nhập

Tuy nhiên, công nghệ của ngành thép Việt Nam hiện vẫn còn khoảng 40% dây chuyền công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường lớn. Nhiều nhà máy 10 - 20 năm nay không đổi mới, không đầu tư lại cho đồng bộ, dựa vào nguyên liệu nhập khẩu (NK), chủ yếu làm gia công với hàm lượng giá trị gia tăng thấp...

Nhiều bất cập

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổng năng lực sản xuất của ngành thép trong nước vào khoảng 30 triệu tấn/năm. Cụ thể, năng lực sản xuất thực tế của Việt Nam ở mặt hàng phôi thép là 12 triệu tấn/năm, thép cán 12 triệu tấn/năm, tôn mạ phủ màu 5 triệu tấn/năm, thép ống 3 triệu tấn/năm. Với quy mô này, ngành thép Việt Nam được đánh giá đang đứng đầu các nước Đông Nam Á.

Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế của thị trường trong nước, nguồn cung đang vượt xa cầu, do đó hiện nay ngành thép mới chỉ hoạt động khoảng 50 - 60% công suất. Như vậy, nếu nói về số lượng, rõ ràng Việt Nam không chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trong nước mà đang dư thừa công suất, đặc biệt là mặt hàng thép xây dựng. Nhưng vấn đề đặt ra là giá thép Việt Nam cao hơn so với thép Trung Quốc NK cùng chủng loại và muốn hay không muốn, điều này cũng phản ánh năng lực sản xuất và cạnh tranh của ngành thép trong cuộc chơi hội nhập là rất kém. Nguồn cung lớn, đồng thời phải cạnh tranh với thép ngoại giá rẻ NK dẫn đến sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp (DN) sản xuất thép trên thị trường trong nước khá khốc liệt, chưa kể cạnh tranh với thép ngoại khi sản phẩm thép Việt Nam XK sang các nước.

Để bảo vệ sản xuất trong nước, Việt Nam đã áp dụng biện pháp tự vệ đối với phôi thép và thép NK từ tháng 3/2016 nhưng thực tế đến hết tháng 5, lượng thép NK vẫn không ngừng tăng cao. Do đó, việc giải quyết tận gốc của những bất cập của thị trường thép Việt Nam phải xuất phát từ việc nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành thép từ sức mạnh nội tại của các DN. Hiện nay, quy mô, trình độ công nghệ của nhiều DN còn hạn chế dẫn đến giá thành, chất lượng sản phẩm chưa thực sự cạnh tranh...

Nói về năng lực cạnh tranh của ngành thép trong nước, đại diện một DN FDI cho rằng, nếu xét sức cạnh tranh về mặt kỹ thuật thì DN Việt Nam rất ổn, nhưng về mặt giá cả thì không ổn. Hiện nay, khách mua hàng đều so sánh giá cả của thép Việt Nam với thép Trung Quốc, trong khi giá thép Việt Nam cao hơn. Liên quan đến cạnh tranh của DN thép tại thị trường trong nước, đại diện DN FDI này còn cho biết thêm, hiện nay Việt Nam đang dư thừa công suất, vì thế không nên cấp phép dự án đầu tư vào cán thép tại Việt Nam bởi chắc chắn thị trường sẽ bị hỗn loạn, quy hoạch phát triển ngành sắt thép sẽ bị phá vỡ...

Sức ép cạnh tranh

Vừa qua, sau động thái áp thuế tự vệ với thép NK, giá phôi và giá thép xây dựng trong nước tăng cao khiến dư luận đặt câu hỏi về năng lực sản xuất của ngành này. Giá phôi thép tăng có nguyên nhân do giá thế giới tăng, nhưng tại thị trường Việt Nam, giá phôi tăng “kép” bởi giá thế giới tăng và bởi thuế tự vệ. Đến nay, sau khi có sự vào cuộc của VSA cũng như các DN sản xuất phôi, thép dài, giá thép trên thị trường đã dần đi vào ổn định.

Tuy nhiên, không ít DN sản xuất các mặt hàng này lo ngại, áp thuế một mặt hạn chế việc tận hưởng lợi thế của hội nhập, mặt khác sẽ hạn chế tính năng động, ý thức nâng cao năng lực cạnh tranh các DN sản xuất phôi thép. Theo dự báo của VSA năm 2016 sản xuất thép dài sẽ tăng khoảng 15%, phôi thép khoảng 10%.

Theo đó, lượng phôi cần cho sản xuất khoảng 8,5 triệu tấn và lượng phôi có thể đáp ứng từ sản xuất trong nước khoảng 6,5 triệu tấn. Nhìn vào năng lực hiện có của các nhà máy trong nước thì khả năng tốt nhất cũng chỉ đáp ứng được 6,5 triệu tấn. Như vậy sẽ thiếu khoảng 2 triệu tấn. Hầu hết các DN có cơ sở sản xuất phôi chỉ đáp ứng đủ cho nhu cầu cán thép của họ, trong nước hiện nay chỉ có hai nhà máy chuyên sản xuất phôi với công suất không đáng kể.

Thực tế trong thời gian qua, ngành thép trong nước đã phải rất chật vật để đối phó với một khối lượng lớn thép Trung Quốc giá rẻ NK ồ ạt vào Việt Nam, gây ảnh hưởng lớn tới ngành thép trong nước. Đây thực sự là hồi chuông cảnh báo để các DN ngành thép Việt Nam phải thực sự đặt lên bàn cân những yếu tố liên quan đến “bài toán” chi phí sản xuất để có sự thay đổi, nâng cao sức cạnh tranh trong thời gian tới. Bởi việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại chỉ là “cứu cánh” tạm thời khi có những biến động bất thường.

Về lâu dài, để có thể chủ động cạnh tranh với thép NK và tránh được các rào cản kỹ thuật, các vụ kiện phòng vệ khi XK, các DN thép trong nước cần chủ động nâng cao nội lực, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, từ đó mới có thể xây dựng ngành thép đồng bộ, hiện đại. Điều này cũng góp phần tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng cho các DN.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ