Được xem là ngân hàng khá “bảo thủ” trước các cuộc đua lãi suất, tuy nhiên trong tháng này, Vietcombank đã có 2 lần điều chỉnh. Lần đầu, lãi suất huy động được điều chỉnh ở các kỳ hạn ngắn (1-3 tháng) với mức tăng thêm khoảng 0,3-0,5%/năm so với cuối năm 2015.
Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng được điều chỉnh tăng từ 6%/năm lên mức 6,5%/năm. Lãi suất huy động tại các kỳ hạn 24-60 tháng cũng tăng mạnh từ 6,2%/năm lên mức 6,5%/năm sau gần một năm giữ ổn định.
Trong khi đó, VietinBank điều chỉnh tăng 0,8%/năm đối với lãi suất huy động kỳ hạn 12-24 tháng (từ 6%/năm lên 6,8%/năm). Kỳ hạn 364 ngày được điều chỉnh tăng từ 6,1%/năm lên 6,8%/năm.
Tại BIDV, lãi suất huy động các kỳ hạn dài cũng tăng khá mạnh. Mức cao nhất được áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng là 7,2%/năm, sau điều chỉnh tăng thêm 0,4%/năm.
Nhìn vào biểu lãi suất trên có thể thấy, đối với các kỳ hạn ngắn 3-5 tháng tại các ngân hàng lớn, lãi suất huy động được áp dụng ở mức 5,5%/năm, cao hơn so với mặt bằng chung của nhiều ngân hàng thương mại cổ phần khác.
Người gửi tiền có lợi
Mặc dù việc tăng lãi suất huy động làm dấy lên lo ngại về việc tăng lãi suất cho vay, tuy nhiên đứng ở góc độ người gửi tiền thì đây là một tín hiệu vui. Trên thực tế, nhiều người khi tất toán lại tiếp tục gửi tiền ở kỳ hạn dài hơn để hưởng mức lãi suất cao.
Nhìn nhận về việc nhiều ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động trong thời gian qua, Báo cáo Kinh tế vĩ mô vừa được Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) công bố chỉ ra rằng, trong 2 tháng đầu năm, lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại có dấu hiệu tăng nhẹ, mặc dù vậy, mức trần lãi suất huy động 5,5%/năm cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống vẫn được duy trì. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay không có nhiều biến động so với cuối năm 2015.
Theo các chuyên gia của VCBS, việc lãi suất huy động tăng nhẹ trở lại là không bất ngờ trong bối cảnh lãi suất VND chịu khá nhiều áp lực. Cụ thể, lạm phát tăng trở lại, mặc dù vẫn ở mức tương đối thấp, nhưng kỳ vọng sẽ cao hơn khá nhiều so với con số thấp kỷ lục của năm 2015.
Một yếu tố nữa là những lo ngại về rủi ro giảm giá của VND trong năm 2016 vẫn hiện hữu. Trong khi, một số diễn biến của hệ thống ngân hàng trong thời gian qua cũng thúc đẩy nhu cầu tăng cường huy động vốn.
Trong khi đó, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Lê Đức Thúy chỉ ra rằng: “Áp lực thanh khoản đang có hiện tượng tăng lên. Lãi suất đang tiếp tục tăng và theo tính toán của chúng tôi, có thể tăng 1-2% so với mặt bằng năm 2015. Như vậy không thể đơn giản nói rằng, doanh nghiệp vẫn có thể mở rộng sản xuất kinh doanh một cách bình thường như năm ngoái được”.