Nga: Rúng động bê bối tham ô chương trình định vị toàn cầu Glonass

Nga: Rúng động bê bối tham ô chương trình định vị toàn cầu Glonass

(GD&TĐ) - Theo một phát ngôn viên của Ủy ban điều tra Nga, ba nhà quản lý cấp cao Nga đã bị buộc tội biển thủ 3.200.000 USD phân bổ cho chương trình định vị vệ tinh Glonass của Nga. Đây là kết quả tiếp theo của cuộc điều tra kéo dài nhiều năm về những cáo buộc tham ô lên tới 565 triệu rúp (18 triệu USD) ngân sách Liên bang được phân bổ cho chương trình này.

Tham ô 3,2 triệu USD

Glonass (tên gọi tắt của Hệ thống dẫn đường vệ tinh toàn cầu) được Nga chính thức đưa ra vào năm 1993 như một câu trả lời với hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ. Hệ thống này cho phép xác định vị trí thực tế và tốc độ của các vật thể trên mặt đất, trên biển và trong không trung, với độ chính xác đến 1m.

Những người bị cáo buộc biển thủ bao gồm George Kovkov, Phó Tổng giám đốc TsNIImash – công ty nghiên cứu hàng đầu của Cơ quan Không gian Liên bang Nga; Alexander Chernov, trưởng phòng Dự án của công ty, và Alexander Belov, Tổng Giám đốc của một trong những Ban Xây dựng đặc biệt của Liên bang Nga. Ông Vladimir Markin, phát ngôn viên của Ủy ban Điều tra Liên bang Nga cho biết tổng số tiền mà 3 nghi phạm này tham ô từ ngân sách nhà nước lên tới 107 triệu rúp (3,2 triệu USD). Họ sẽ phải đối mặt với án tù lên đến 10 năm nếu bị kết tội.

Những nhà quản lý này đã tham gia vào việc xây dựng Trung tâm Điều hành và Hỗ trợ Hệ thống vệ tinh dẫn đường Glonass ở Korolyov, một thành phố ngoại ô Moscow. Việc xây dựng được bắt đầu từ tháng 6/2010 ở một địa điểm do TsNIImash sử dụng. Đây cũng sẽ là nơi lắp đặt các thiết bị thu thập và xử lý các dữ liệu do mạng lưới vệ tinh Glonass toàn cầu cung cấp. Việc xây dựng được tài trợ bởi một chương trình liên bang với 1.050 tỷ rúp (31,6 triệu USD) phân bổ cho dự án.

Từ cuối năm 2010, tờ Izvestia hàng ngày đã tiết lộ dự toán chi phí xây dựng đã bị phóng đại quá mức. Một chuyên gia đánh giá cũng tiết lộ nhà thầu đã gian lận chi phí. Chính phủ Nga đã quyết định không cấp bất kỳ khoản tiền bổ sung nào, và công trình xây dựng bị đinh chỉ vào tháng 12/2011, khi Chương trình Liên bang Glonass 2002 – 2011 kết thúc. Các tòa nhà của công trình này không bao giờ được hoàn thành.

Hệ thống dẫn đường vệ tinh Glonass
Hệ thống dẫn đường vệ tinh Glonass
 

“Ném đá” nơi công cộng

Từ tháng 3/2012, các nhà điều tra đã được đưa vào cuộc để xem xét cáo buộc lạm dụng kinh phí liên bang sau hàng loạt tranh luận công khai giữa Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos và một công ty sản xuất. Cơ quan Vũ trụ Nga cáo buộc Hệ thống Không gian Nga RSS trong việc tăng giá chương trình hệ thống dẫn đường toàn cầu Glonass và đã thay đổi mục đích tiền “giải cứu”.

Những tranh cãi này căng thẳng và ầm ĩ đến mức Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin, người có trách nhiệm giám sát nền công nghiệp quốc phòng, buộc phải tham gia, yêu cầu hai bên ngừng “ném đá” lẫn nhau giữa chốn công cộng “làm tổn hại nghiêm trọng đến ngành công nghiệp không gian Nga”. Trên trang web của Hệ thống Không gian Nga PSS lại đăng tải một bức thư do Phó Tổng giám đốc Cơ quan Vũ trụ Nga RSS Ivan Golub, “khuyên nhủ” Tổng giám đốc Roscosmos Vladimir Popovkin “nên rời khỏi vị trí”.

Lá thư này cũng tuyên bố ông Popovkin đã sử dụng “các biện pháp kiểm toán phạm pháp” và “tạo nên những cấu trúc không thể kiểm soát được”. Sau đó, lá thư đã được gỡ bỏ khỏi trang web của PSS với lời cáo lỗi đã đăng tải do sai sót, tuy nhiên người ta cho rằng những lời cáo buộc nặng nề này đối với RSS được cho là phản ứng trước sự việc ông Popovkin đã chỉ trích “các nhà thầu công nghiệp không gian” đã phổ biến những tin đồn sai sự thật về mình bởi không hài lòng vì những nỗ lực của ông trong việc cải tổ nền công nghiệp này.

Tham ô trên diện rộng

Hai tháng sau vụ lùm xùm “ném đá nơi công cộng” của các cơ quan không gian Nga, Tổng giám đốc công ty Công nghiệp cao Synertech bị bắt giữ vì nghi ngờ biển thủ từ các Chương trình Liên bang cho Hệ thống định vị vệ tinh Glonass. Giám đốc điều hành công ty này cũng bị bắt giữ, còn cựu Giám đốc điều hành bị quản thúc tại gia ngay sau khi tòa án quận Tverskoi (Moscow) phê chuẩn lệnh điều tra. Theo cơ quan điều tra, các nhà quản lý Synertech đã biển lận ít nhất 85 triệu rúp (2,7 triệu USD).

Được thành lập năm 2005, Synertech là một liên doanh giữa các hệ thống không gian Nga với hai công ty châu Âu: EADS Astrium và Tesat Spacecom nhằm thúc đẩy sự hợp tác cùng có lợi giữa các doanh nghiệp của ngành công nghiệp không gian trong việc tạo ra và sử dụng công nghệ mới cho các thiết bị không gian.

Trước đó, Bộ Nội vụ Nga cũng báo cáo hơn 565 triệu rúp (18 triệu USD) ngân sách Liên bang được phân bổ cho chương trình Glonass đã bị tham ô. Bộ quản lý nghi ngờ Hệ thống Không gian Nga RSS đã “ký kết hợp đồng nghiên cứu với các tổ chức thương mại thiếu cả thiết bị cũng như nhân viên có trình độ”. Các công ty thương mại có liên quan là công ty Sản xuất và Nghiên cứu Thiết bị Không gian và Synertech.

Tháng 11/2012, Phó Thủ tướng Nga Vlasdislav Surkov tuyên bố Chính phủ Nga yêu cầu điều minh bạch đối với các cáo buộc tham nhũng Chương trình Định vị vệ tinh toàn cầu Glonass. Bộ Nội Vụ Nga cũng mở vụ án hình sự đối với một số quan chức cấp cao tại công ty Hệ thống Không gian Nga bị nghi ngờ đã gian lận trong các thương vụ liên  quan đến hệ thống Glonass.

Bộ Nội vụ Nga cũng tiết lộ cuộc điều tra phức tạp này đã bắt đầu khá lâu, dẫn đến việc phát hiện ra một công ty nhà thầu phụ có vị trí như “đường ống dẫn” chính để biển thủ công quỹ. Dù Hệ thống Không gian Nga liên tục bác bỏ cáo buộc, thậm chí chế giễu các nhà điều tra, nhưng điện Kremli đã nghiêm khắc cảnh cáo phản ứng này.

Chương trình Glonass được bắt đầu vào những năm 1970, đã được sửa chữa duy tu vào năm 2001. 24 vệ tinh trong hệ thống được đưa vào quỹ đạo năm 2010 sau một số trục trặc khá tốn kém và thất bại trong việc phóng tên lửa chuyên chở. Cho đến nay, chương trình được chi 140 tỷ rúp (4,4 tỷ USD). Ngân sách dành cho chương trình này giai đoạn 2012 – 2020 từng được dự tính là 326 tỷ rúp (10 tỷ USD) nữa.

Hải Long

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ