3 máy bay bị bắn rơi trong chưa đầy 2 tháng
Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) vừa tuyên bố, các tay súng của chúng đã bắn rơi máy bay chiến đấu MiG-23 của không quân Syria vào ngày 22-4 và bắt sống viên phi công Azzam Eid, sau khi anh này nhảy dù xuống đất từ chiếc máy bay bị cháy.
Ngày 22-4, đại diện quân đội Syria cho biết, một chiếc máy bay tiêm kích MiG-23 của không quân nước này cất cánh làm nhiệm vụ từ sân bay quân sự Dumayr, ở Đông Ghouta, đã bị rơi ở khu vực nằm giữa Bir al-Qasab và Tel-Dakua, ngoại ô Damascus.
Một đoạn video đặc tả chiếc máy bay rơi trong một khu vực sa mạc rộng lớn đăng tải lên mạng cho thấy, một số tay súng IS đứng quanh hiện trường có một bộ phận cánh của máy bay sơn hình quốc kỳ của Syria, các bộ phận khác cháy đen, vài mảnh vỡ vẫn đang bốc cháy.
Ban đầu, sự việc chiếc máy bay rơi chưa xác định chính xác là do máy bay gặp sự cố và tự rơi hay do bị bắn hạ. Lực lượng dân quân địa phương ở ngoại ô Damascus cho rằng, nguyên nhân dẫn đến vụ máy bay rơi trên có thể do sự cố kỹ thuật.
Tuy nhiên, sau đó tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo đã chính thức xác nhận với hãng tin Amaq rằng, các tay súng IS đã sử dụng tên lửa phòng không vác vai để bắn rơi chiếc MiG-23 này, sau đó bắt sống viên phi công nhảy dù từ chiếc máy bay bị cháy.
Vụ việc chiếc MiG-23 bị bắn rơi là lần thứ 3 các chiến đấu cơ của không quân Syria bị phiến quân hạ sát bằng các vũ khí phòng không cá nhân trong vòng 2 tháng qua (tính chính xác là một tháng rưỡi).
Trước đó, vào hôm 13-3, một biến thể huấn luyện 2 chỗ ngồi (UmiG) thuộc dòng MiG-21 của không quân nước này cũng đã bị phiến quân dùng tên lửa phòng không vác vai bắn rơi ở khu vực gần căn cứ không quân Syria, nằm ở tỉnh Hama.
Gần đây nhất là vào ngày 5-4, một máy bay cường kích Su-22 của không quân Syria, cất cánh từ căn cứ không quân Shaayrat đi làm nhiệm vụ trinh sát đã bị các tay súng khủng bố “Mặt trận al-Nusra” (Al-Nusra Front hay còn được gọi là Jabhat al-Nusra) bắn rơi.
Các tay súng khủng bố thuộc chi nhánh của tổ chức al-Qaeda ở Syria đã sử dụng hệ thống phòng không vác vai bắn hạ chiếc Su-22 ở khu vực phía nam tỉnh Aleppo. Viên phi công cũng nhảy dù khỏi máy bay nhưng đã bị phiến quân bắt giữ và đưa về căn cứ của chúng.
Được biết, sau khi Nga rút toàn bộ các máy bay cường kích Su-25 ra khỏi Syria và sử dụng máy bay trực thăng tấn công Mi-28N và Ka-52 để hỗ trợ hỏa lực cho lực lượng tấn công mặt đất, gánh nặng không kích đã dồn vào lực lượng không quân yếu ớt của Syria.
Việc chiếc máy bay chiến đấu thứ 3 của không quân nước này liên tiếp bị bắn rơi trong vòng 1 tháng rưỡi qua cho thấy thực tế là, so với không quân Nga, không quân Syria vẫn còn khoảng cách quá xa để có thể độc lập tiến hành không kích hỗ trợ lực lượng mặt đất.
Các chiến đấu cơ hiện đại của Nga như Su-30SM, Su-34, Su-35 có trần bay rất cao, ngoài tầm với của các hệ thống tên lửa đất đối không cá nhân hay pháo phòng không, lại được trang bị các hệ thống bảo vệ và vũ khí tấn công chính xác, còn máy bay của Syria thì lại không được như vậy.
Nga không quay lại, không quân Syria sẽ hết sạch máy bay
Theo số liệu năm 2010, không quân Syria có khoảng 20 chiếc máy bay ném bom tiền tuyến Su-24; 50 chiếc cường kích Su-22; 130 chiếc MiG-23; 160 chiếc MiG-21 (trong đó: 40 làm nhiệm vụ trinh sát, 15 chiếc dùng để huấn luyện, 105 chiếc có khả năng tấn công mặt đất); 40 chiếc MiG-29, trong đó có 6 chiếc dùng để huấn luyện; 38 chiếc MiG-25, trong đó có 8 chiếc làm nhiệm vụ trinh sát.
Như vậy, ngoài một số máy bay tiêm kích khá hiện đại thế hệ MiG-29, hiện không quân Syria vẫn còn phải sử dụng đa số là chiến đấu cơ thế hệ cũ thuộc dòng MiG hay dòng Su, sản xuất từ những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, dưới thời Liên Xô cũ như MiG-21, MiG-23, Su-22...
Từ năm 2010 đến nay, với điều kiện nội chiến liên miên và kinh tế suy sụp, phần lớn các máy bay này (trừ MiG-29) đều đã quá già lão, tính năng hạn chế nhưng không được nâng cấp mới. Một bộ phận không nhỏ trong số hiện đã hỏng, chỉ hiện diện “làm cảnh”, không còn khả năng chiến đấu.
Hiện nay, sau khi Nga rút khoảng 20 máy bay có khả năng tấn công mặt đất (12 chiếc cường kích Su-25, 4 chiếc máy bay ném bom tiền tuyến Su-24 và 4 chiếc Su-34), không quân Syria đã phải chia sẻ một phần lớn nhiệm vụ tấn công mặt đất, hỗ trợ bộ binh.
Tuy nhiên, Mỹ và các nước Ả Rập lợi dụng khoảng thời gian thỏa thuận ngừng bắn ở Vienna - Thụy Sĩ có hiệu lực vừa qua để cung cấp cho lực lượng phiến quân Syria một số lượng lớn các hệ thống phòng không cá nhân tiên tiến.
Máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-21 không được thiết kế để tấn công mặt đất mà chủ yếu là không chiến, nhưng do thiếu máy bay nên phi công Syria đang sử dụng MiG-21 như một máy bay ném bom, bình quân chúng phải xuất kích 3 lần/1 ngày để hỗ trợ lực lượng mặt đất.
Việc không quân Syria sử dụng các máy bay quá cũ để thực hiện nhiệm vụ ném bom, hỗ trợ cho lực lượng mặt đất tấn công các mục tiêu khủng bố và phiến quân, khiến chúng rất dễ bị bắn hạ, kể cả bằng các hệ thống phòng không không mấy hiện đại.
Phần lớn máy bay của không quân nước này như MiG-21, MiG-23, Su-22… có trần bay thấp, không có vũ khí tấn công có điều khiển nên phải bổ nhào cắt bom ở tầm thấp, do đó rất dễ bị trúng đạn của các loại vũ khí phòng không của phiến quân, dù là loại thô sơ nhất, tầm bắn thấp nhất.
Hơn nữa, do sản xuất theo công nghệ lạc hậu nên các máy bay cũ kỹ của Syria không thể lắp đặt được các hệ thống tác chiến điện tử mạnh của Nga như Khibiny, nên nó không thể đối phó với các loại tên lửa phòng không vác vai của phiến quân.
Ngoài ra, việc máy bay quá già lão, khung thân chịu quá tải kém, các thiết bị vượt xa tuổi sử dụng, lại phải hoạt động liên tục trong thời gian dài, công tác sửa chữa bảo dưỡng kém cũng khiến chúng gia tăng tỷ lệ “tự rơi” do những trục trặc kỹ thuật.
Với mật độ hoạt động chưa cao như hiện nay mà máy bay của Syria đã bị bắn rơi với tỷ lệ cao như vậy, giả sử thỏa thuận ngừng bắn đổ vỡ, giao tranh trên diện rộng, máy bay Syria phải hoạt động với mật độ và cường độ cao hơn hiện nay thì chỉ vài tháng là không quân Syria sẽ hết sạch máy bay.