Ngã khi ngủ, bé trai bị đinh vít đâm vào hộp sọ

Khi đang nằm ngủ với mẹ, chẳng may bé H lẫy, ngã ra khỏi giường. Khi ngã xuống nền đất, đầu bé đập mạnh vào chiếc đinh vít…

Ngã khi ngủ, bé trai bị đinh vít đâm vào hộp sọ
Hình ảnh đinh vít đâm vào đầu bệnh nhi. Ảnh: BS cung cấp.
Rạng sáng ngày 30/1, khoa Cấp cứu chống độc (BV Nhi Trung ương) tiếp nhận một trường hợp tai nạn hi hữu. Bé trai 17 tháng tuổi N.T.H (Sóc Sơn, Hà Nội) bị đinh vít đâm sâu vào đầu gây chảy máu.
Nguyên nhân là khi đang nằm ngủ với mẹ chẳng may bé H lật rơi ra khỏi giường và bị đinh vít ở cạnh giường đâm sâu, gây chảy máu đầu.

Ngay sau khi tai nạn xảy ra, cha mẹ đã vội bế H đến thẳng BV Nhi trung ương khám trong tình trạng chiếc đinh vít còn đâm nguyên trên đầu. Các bác sĩ đã tiến hành khám và chỉ định chụp cắt lớp sọ não. Hình ảnh phim chụp cho thấy có dị vật cản quang đâm xuyên xương sọ vùng thái dương gây máu tụ ngoài màng cứng.

Sau khi tiến hành mổ cấp cứu, các bác sỹ phẫu thuật thần kinh đã gắp ra 1 chiếc đinh vít đã hoen gỉ dài 5mm. 6 tiếng sau khi phẫu thuật cháu bé đã tỉnh táo, đi lại được. Chỉ một ngày sau, bé Hiếu đã được ra viện.

Theo TS.BS Ngô Anh Vinh, Khoa Cấp cứu chống độc, tai nạn ngã ở trẻ rất nguy hiểm. Để phòng tránh, cha mẹ cần thường xuyên giám sát hoạt động của trẻ. Với trẻ nhỏ nên thiết kế giường ngủ có thanh chắn để hạn chế khả năng bé bị rơi ngã. Ngoài ra, nên lưu ý loại bỏ các vật dụng cứng và sắc nhọn nằm trên sàn nhà vì chúng tiềm ẩn nguy cơ gây tổn thương cho trẻ.

Thực tế ở trẻ em, ngã va đập đầu trong giai đoạn chập chững tập đi, khi trẻ nhỏ là khá hay gặp và cha mẹ thường chủ quan, cho rằng trẻ ngã đã có “mụ đỡ”. Đa phần các trường hợp ngã ở trẻ em là bình thường, nhưng cũng có những trường hợp va chạm đó có thể gây chấn thương sọ não như trường hợp hy hữu chấn thương sọ não do va vào bạn của 1 bé trai 6 tuổi. Sau cú va chạm, bệnh nhi này xuất hiện tình trạng đau đầu, nôn nhiều nên đã được gia đình đưa đến viện. Tại đây, hình ảnh chụp CTScan sọ phát hiện khối máu tụ ngoài màng cứng ở vùng trán -thái dương, xương sọ bị lún và vỡ.

Theo ThS.BS Trần Văn Học, khoa Thần kinh, bệnh viện Nhi Trung ương, nguy cơ chấn thương sọ não ở trẻ em không chỉ gặp trong tai nạn giao thông mà tiềm ẩn trong mọi tình huống. Ở trẻ em, các va chạm, ngã… tùy mức độ có thể gây chấn thương sọ não và cũng có nhiều mức độ khác nhau. Nhẹ nhất là khối tụ máu dưới da đầu (thường gọi là u đầu, sờ thấy một cục nhỏ mềm dưới da), khối u tự tan sau vài ngày đến vài tuần. Nặng hơn là tổn thương ở xương sọ (nứt xương, lõm sọ hay vết thương sọ não). Nghiêm trọng hơn nữa là tổn thương trong hộp sọ (máu tụ bên ngoài hay dưới màng cứng, dập não). Nếu không được cứu chữa kịp thời, trẻ có thể tử vong hoặc nếu qua khỏi cũng để lại di chứng nặng nề.

Vì thế, khi trẻ có những va đập vùng đầu, như va chạm đầu với bạn (như trường hợp này), va, ngã đập đầu xuống nền cứng… cha mẹ không nên mất bình tĩnh, cũng không chủ quan mà hãy quan sát trẻ. Nếu sau ngã trẻ quấy khóc, ăn kém, nôn vọt, đau đầu, li bì, hôn mê… cần phải cho trẻ đi khám và xử lý kịp thời.

Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ