Nét đẹp trong hôn nhân của người Jrai

GD&TĐ - Người Jrai (ở Gia Lai) theo tục mẫu hệ nên phần nhiều lễ cưới được tổ chức tại nhà gái.

Lễ đeo (trao) vòng bạc vào tay của cô dâu cho chồng. Ảnh: INT.
Lễ đeo (trao) vòng bạc vào tay của cô dâu cho chồng. Ảnh: INT.

Tùy vùng, tùy làng, tùy nhóm người Jrai mà nghi thức tổ chức hôn lễ có khác nhau, nhưng cơ bản phải trải qua các lễ trao vòng bạc, lễ cưới, lễ rước rể…

Chiếc vòng cầu hôn

Theo quan niệm, những người Jrai cùng họ hàng thì không được lấy nhau. Việc lấy chồng, lấy vợ của người Jrai xưa là do cha mẹ quyết định. Khi con gái đến tuổi trưởng thành, bố mẹ tìm chàng trai ưng ý để gả chồng. Cha mẹ cô gái sẽ nhờ một người mai mối đến nhà chàng trai đó hỏi ý.

Nếu chàng trai đồng ý, ông mối về báo lại nhà gái và nhà gái đưa một chiếc vòng đeo tay để trao cho người con trai cầu hôn. Nếu ưng ý, chàng trai sẽ nhận vòng đeo vào tay và xem như đã chấp nhận cho cô gái bắt mình về… làm chồng.

Từ đây đôi trai gái đã có thể công khai mối quan hệ của mình và cùng chuẩn bị lo cho lễ cưới, tùy điều kiện từng gia đình, từ lễ đính ước đến lễ cưới thường được tổ chức sau một năm.

Lễ cưới được tổ chức tại nhà gái

Lễ cưới của tộc người Jrai dù lớn hay nhỏ đều tổ chức ở nhà gái. Việc cưới xin do nhà gái chủ động lo liệu và chuẩn bị các lễ vật.

Lễ vật cho lễ cưới không thể thiếu vài ba ché rượu cần, những gia đình khó khăn thì có thể mổ heo, còn những gia đình có điều kiện thì mổ trâu, mổ bò để mời dòng họ và dân làng cùng dự. Trước ngày tổ chức lễ cưới, hai bên gia đình thông báo cho họ hàng biết để đến dự.

Người Jrai đến chúc mừng đôi vợ chồng trẻ bằng việc mang đến đám cưới hũ rượu, con gà, con heo, buồng chuối hay những vật dụng khác tùy điều kiện của từng gia đình để cùng góp sức, chung tay với nhà cô dâu, chú rể trong lễ cưới.

Nghi thức cúng lễ trong lễ cưới rất quan trọng và già làng là người đứng ra thực hiện. Lễ vật cúng gồm: 1 ghè rượu cột ở chân cây nêu, 1 con gà nướng và 2 con gà sống (1 trống, 1 mái).

Cha mẹ của chú rể và ông mối cầm 1 ghè rượu, 1 con gà trống tiến về phía cây nêu. Bên này cha mẹ và cô dâu cầm 1 con gà mái và một cái khăn (có thể là váy hoặc khố để tặng gia đình nhà trai) tiến đến cây nêu.

Trước tiên, người mai mối giới thiệu cho hai bên gia đình biết là đôi trai gái đã đồng ý lấy nhau. Già làng sẽ hỏi ý kiến ông mối và cha mẹ hai bên cam kết là đã đồng ý cho đôi bạn trẻ nên vợ nên chồng.

Một nghi thức đặc biệt quan trọng đó là nghi lễ trao vòng tay giữa cô dâu và chú rể và chiếc vòng tay này sẽ được cô dâu, chú rể đeo suốt đời.

Theo già làng K’son Sắc (tộc người Jrai, tỉnh Gia Lai), chiếc vòng có ý nghĩa tượng trưng cho sợi dây buộc chặt tình cảm giữa đôi trai gái mãi mãi thuộc về nhau, mãi mãi yêu thương nhau, sống bên nhau trọn đời.

Khi đã trao vòng cho nhau rồi thì hai vợ chồng không được bỏ nhau nữa. Nếu vòng tay sau này mà đem tặng cho người khác thì sẽ bị làng bắt phạt (phạt bò, phạt trâu, phạt heo…), do vậy nên hôn nhân của người Jrai xưa rất ít đôi bỏ nhau.

Những người già Jrai cũng thổ lộ rằng, một khi đã trao nhận vòng đeo tay rồi, hai bên trai gái ai cũng sống tốt, chung thủy với nhau. Sau nghi lễ trao vòng, thầy cúng sẽ làm lễ cúng báo tin với Yàng (Trời) và mời tổ tiên hai dòng họ về chứng kiến lễ cưới cho đôi vợ chồng trẻ, cầu chúc cho họ luôn hạnh phúc với nhau trọn đời.

Để tỏ lòng biết ơn công sinh thành nuôi dưỡng của bố mẹ chồng, cô dâu sẽ mang những lễ vật như khăn, quần áo, vàng bạc, ghè rượu, con gà, con heo tặng cho bên họ hàng nhà chồng.

Trước khi về ở với nhau, thầy cúng làm lễ rửa tay cho cô dâu và chú rể. Tiếp đó thầy cúng cũng trao nắm cơm cho cô dâu và chú rể, rồi sau đó là nghi thức mời rượu. Ghè rượu của nhà cô dâu, chú rể và cô dâu cùng uống.

Ghè rượu của nhà chú rể mang đến, cha mẹ chú rể và cha mẹ cô dâu đến ông mối, sau đó đến già làng cùng uống. Như vậy cô dâu và chú rể đã chính thức là vợ chồng, ăn cùng mâm, ở cùng nhà, cùng nhau chăm lo cho cuộc sống gia đình. Hai vợ chồng đói no cùng nhau, sướng khổ cùng nhau chia sẻ.

Lúc này tiếng cồng chiêng nổi lên, tất cả họ hàng và khách đến dự cùng uống chén rượu cần, cùng nắm tay nhau múa điệu xoang xoay vòng, cùng ăn uống với hai bên gia đình để chúc phúc cho đôi vợ chồng mới.

Chú rể, cô dâu mời khách uống rượu mừng hạnh phúc. Ảnh: INT.

Chú rể, cô dâu mời khách uống rượu mừng hạnh phúc. Ảnh: INT.

Trở lại nhà bố, mẹ

Sau ngày cưới vài hôm, chú rể rời nhà vợ để đưa vợ về thăm nhà chồng. Cô dâu ở lại nhà chồng khoảng ba, bốn ngày để làm phận dâu trong gia đình: Múc nước, lấy củi, quay sợi, dệt vải… và để tìm hiểu về gia đình nhà chồng.

Sau đó cả hai vợ chồng mới xin phép đưa nhau về ở hẳn bên nhà vợ. Sau lễ cưới, chàng trai về ở nhà vợ, không được thừa kế tài sản. Trái lại, con gái lấy chồng lần lượt tách khỏi cha mẹ ra ở riêng, được phân chia một phần tài sản. Con cái đều theo họ mẹ.

Hôn nhân của tộc người Jrai không chỉ đơn thuần là việc kết duyên của đôi lứa mà còn có ý nghĩa lớn hơn là truyền thống đạo lý của dân tộc, giáo dục về tình nghĩa vợ chồng trong các mối quan hệ gia đình, dòng tộc, góp phần gắn kết cộng đồng, lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong xu thế phát triển của xã hội hiện nay, những nét văn hóa đó càng cần được lưu giữ không chỉ để cho hôm nay mà phải để cho các thế hệ mai sau hiểu hơn, tự hào hơn về văn hóa của dân tộc mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ