Vẻ ngoài đạo mạo, phong thái ung dung, ít ai nhận ra thầy đã ở cái tuổi 85. Nhìn lại chặng đường đã đi qua, ánh mắt thầy hân hoan không giấu nổi niềm hạnh phúc tuổi già:" hạnh phúc của tôi không chỉ cống hiến một phần bé nhỏ cho xã hội mà còn tạo và duy trì được nếp nhà hạnh phúc".
Sinh ra trên mảnh đất Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, nhưng cơ duyên lại đưa thầy đến với những cô cậu học trò xứ Nghệ, để rồi chàng trai Huế đã là rể, là con của vùng đất đầy nắng và gió Lào bỏng rát. Người học trò đã trở thành vợ, thành đồng nghiệp, thành tri kỉ trong cuộc đời thầy chính là cô giáo Nguyễn Thị Hoài Diệu.
Thầy cô cưới nhau trong thời kỳ đất nước chưa yên tiếng súng, cái ăn cái mặc là vấn đề của cả dân tộc chứ không riêng một gia đình nào. Theo chồng về làm dâu xứ Huế, cô Hoài Diệu chỉ mang theo một thứ tài sản duy nhất: lòng tin. Cô tin vào sự mách bảo của con tim, rằng thầy Vu sẽ là điểm tựa, là bờ vai vững chãi để cô và các con mình làm chỗ dựa.
Quả thực, niềm tin đã trở thành đức tin khi gia đình thầy cùng nhau vượt qua những thiếu thốn của thời kì "đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành "để đến bây giờ, họ đã xây nên thành trì kiên cố: bốn người con trai thành đạt, ngoan ngoãn; dâu thảo hiền, các cháu chăm ngoan. Và điều đặc biệt hơn cả: bốn nàng dâu đều theo nghiệp ba mẹ chồng, đều là những giáo viên giỏi có tiếng trên địa bàn thành phố Huế. Để rồi sau 50 năm gắn bó, cô giáo Hoài Diệu đã chia sẻ:" bây giờ nhìn lại, những ước mơ, những dự kiến của tôi trước đây về một gia đình hạnh phúc đã đạt được. Đó là một gia đình hòa thuận, có nề nếp, con cái hiếu thảo, một gia đình có văn hóa".
Đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng nhìn cách cư xử của vợ chồng thầy Vu, dù là ai, ở lứa tuổi nào cũng phải ngưỡng mộ, nể phục. Nét văn hóa chuẩn mực ở thầy cô biểu hiện từ cách xưng hô đến cử chỉ cần mẫn chăm sóc nhau từ bữa ăn giấc ngủ.Vẫn gọi nhau bằng " anh" và " em", cô vẫn hai tay đưa nước cho chồng, còn thầy thì pha sữa và nhắc vợ uống thuốc theo chỉ định.
Sống với nhau hơn nửa đời người, nhưng theo lời cô Diệu, vợ chồng cô chưa bao giờ to tiếng, lên giọng với nhau. Dẫu có lúc cơm chưa lành, canh chưa ngọt, nhưng bất đồng chỉ hai vợ chồng tự hiểu rồi tìm thời điểm thích hợp để giảng hòa, tuyệt đối không để con cái trong nhà hay biết. Khi được hỏi: vì sao thầy cô làm được như vây? Một lần nữa, cả cô và thầy cùng quan điểm: chúng tôi luôn tôn trọng nhau và tôn trọng các con.
Sự đồng thuận, đồng lòng trong việc nuôi dạy con cái chính là yếu tố để gia đình thầy Vu dựng xây nên nếp nhà. Với kinh nghiệm của mình, thầy Vu cho rằng:" nuôi con là một nghệ thuật, không có sách vở nào áp dụng hết với tất cả cha mẹ và các con. Bạo lực chỉ đem đến sự uy hiếp, bạo lực đẻ ra bạo lực mà không rèn luyện nhân cách đạo đức con người". Chính vì lấy "đức trị" mà đến giờ, từ con đến dâu và cháu chắt trong nhà vẫn giữ được nếp: đi thưa về trình, thứ tự trên dưới, trước sau, ai làm sai bị nhắc nhở, phê bình.
Thật hiếm trong xã hội hiện đại, khi mà chuẩn mực đạo đức bị xáo trộn, vẫn còn có một gia đình có quyển sổ gia đình như gia đình thầy Vu cô Diệu. Cứ hàng tháng , con cháu lại tề tựu quây quần bên mâm cơm, để báo cáo những kết quả đã làm được hay những dự định sắp tới và cũng để ông bà tặng thưởng những cháu nào có thành tích xuất sắc trong học tập. Quyển sổ gia đình ấy, thầy cô giao cho người con trai cả cất giữ và như chia sẻ của anh- thầy giáo Hồ Đăng Quang, hiện là giảng viên trường Cao Đẳng Sư Phạm Huế: " với anh em , con cái chúng tôi, đó là báu vật gia truyền, tuyệt đối không được mất".
Dù là con hay với cháu, thầy cô luôn lấy sự động viên, khích lệ, tôn trọng ý kiến cá nhân và chú trọng làm gương. Bởi như thầy nói:" gương sáng thì ảnh soi vào mới rõ, mình làm cha, làm ông, phải gương mẫu với con cháu từ nết ăn, nết mặc, lối xử sự với tất cả mọi người, tuyệt đối không áp đặt như kẻ bề trên".
Nếp ứng xử nền nã, thanh lịch ấy không phải là thứ ngày một ngày hai có được, càng không phải là “món quà tặng bất ngờ”, đó là thành quả của một quá trình tự nghiêm khắc với bản thân gia đình cô thầy. Đối với gia đình thầy Vu, nếp nhà chính là một cách sống, một quan niệm sống: ai giữ đúng vị trí của người ấy, cha là cha, mẹ là mẹ , anh ra anh và em cũng tương tự thế.
Nếp nhà, chính là lối sống, cách sinh hoạt mang đậm dấu ấn văn hóa của từng vùng miền và Huế là cái nôi của lễ nghĩa gia phong. Cô Hoài Diệu thật thà chia sẻ: "nhờ có anh mà tôi được như ngày hôm nay". Trong suy nghĩ của mọi người, tính gia trương làm nên "thương hiệu" của con trai Huế . Tuy nhiên, cố tìm tính gia trưởng ở thầy Vu thật khó. Yêu vợ, thương con, thầy không nề hà bất cứ việc gì, thậm chí tự nguyện ở nhà trông cháu cho các con đi làm. Vì với thầy, "vợ, con vui thì có việc gì là không làm được".
Ở cương vị nào, dù là giáo viên, hay hiệu trưởng của một trường lớn, một cán bộ hưu trí về hưu, ai đã tiếp xúc với gia đình thầy Vu cô Diệu đều cảm phục nhân cách cao đẹp, lối sống chuẩn mực, từ tốn của cô thầy. Nhiều thế hệ học sinh sinh viên giờ đây đã thành đạt, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong tổ chức Đảng và nhà nước, tuy nhiên họ vẫn không quên thầy cô đã từng cưu mang mình từ gói xôi, cân gạo, lo công việc đến lập gia đình .
Yêu thương, kỉ cương, giàu tinh thần trách nhiệm, được coi là nền tảng mà vợ chồng thầy giáo Hồ Đăng Vu đã dày công vun đắp, làm nên khái niệm: nề nếp gia phong. Chính vì vậy, gia đình thầy cô đã được trao tặng nhiều giấy khen về nếp sống văn minh văn hóa. Đúng như lời nhận xét của bác Hồ Viết Thuận - tổ trưởng tổ dân phố 14, Khu vực 5- Phường Trường An- Thành phố Huế :" gia đình thầy Vu cô Diệu là một chuẩn mực cho mẫu gia đình mang đậm chất Huế nhưng cũng rất hiện đại. Khu phố chúng tôi rất vui và tự hào khi được sống bên cạnh những con người đạo đức và mực thước như vậy". Điều đó, một lần nữa khẳng định: bất cứ thời đại nào ,ở đâu, gia đình nào, sự đồng thuận, tôn trọng , biết hy sinh cho nhau chính là những giá trị bất biến để làm nên gia đình hạnh phúc. "Và hạnh phúc tinh thần được tôn vinh hơn cả hạnh phúc vật chất" như lời nhắn nhủ của vợ chồng thầy.