Báo cáo thẩm tra của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền trình bày cho thấy, có 17 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết của Quốc hội, 8 chỉ tiêu không đạt kế hoạch. So với số đã báo cáo tại Kỳ họp thứ 6, có 14 chỉ tiêu có thay đổi, trong đó một số chỉ tiêu đạt kết quả cao hơn so với số đã báo cáo, thể hiện sự chuyển biến tích cực hơn của nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2009.
Tại tổ thảo luận của đoàn Hà Nội, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ bức xúc về công tác dự báo. Các đại biểu này cho rằng, dự báo không sát thực tế đã gây thiệt hại cho nhà nước, cho nhân dân rất nhiều.
Đại biểu Quốc hội Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) cho rằng, dự toán đã không sát với thực tế nên chi đã vượt thu. Đại biểu Quốc hội này cũng tỏ ra băn khoăn về báo cáo đánh gia, dự toán thu ngân sách vượt tới hơn 52 nghìn tỷ đồng.
Còn theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Khánh (đoàn Hà Nội), Chính phủ đưa ra chỉ tiêu không sát. “Phải chăng chúng ta đưa ra chỉ tiêu chạy theo hình thức, thành tích, kỳ sau lại cứ nâng một tý. Người dân thì nghèo thật mà không hiểu sao cứ mỗi kỳ họp lại tăng lên một chút tỷ lệ xóa đói, giảm nghèo. Theo tôi, có quan thẩm tra các chỉ tiêu này phài chịu trách nhiệm” – bà Khánh nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Khánh: "Phải chăng chúng ta đưa ra chỉ tiêu để chạy theo hình thức?" (ảnh: gdtd.vn). |
Báo cáo thẩm tra cũng chỉ ra những yếu kém như,bội chi ngân sách nhà nước ở mức cao (115.900 tỷ đồng, bằng 6,9% GDP); nợ Chính phủ bằng 41,9% GDP (số báo cáo tại kỳ họp thứ 6 là khoảng 40% GDP), mặc dù vẫn trong giới hạn an toàn cho phép, nhưng về số tuyệt đối là rất lớn. Huy động vốn trái phiếu Chính phủ chỉ đạt 30% nhiệm vụ huy động cả năm, đặt ra thách thức cho việc cân đối nguồn vốn để bảo đảm nhu cầu chi theo kế hoạch.
Nhập siêu ở mức khá cao (bằng 21,6% kim ngạch xuất khẩu), cùng với sự suy giảm của dòng vốn đầu tư nước ngoài và một số yếu tố khác làm cán cân thanh toán tổng thể bị thâm hụt 8,8 tỷ đô la Mỹ, mức thâm hụt cao nhất trong nhiều năm gần đây, gây sức ép lên cung cầu ngoại tệ và tỷ giá (số báo cáo tại Kỳ họp thứ 6 là thâm hụt 1,9 tỷ USD).
Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nới lỏng để ngăn chặn suy giảm kinh tế gây áp lực đến mặt bằng giá và tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao cho năm 2010, tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2009 gấp 7,14 lần tốc độ tăng GDP, trong khi các năm trước chỉ số này chỉ khoảng 3-4 lần (ngoại trừ trường hợp năm 2007).
Mất cân đối về lao động, việc làm tiếp tục là vấn đề nổi lên của năm 2009. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2009 mới đạt khoảng 38%, thiếu lao động có chuyên môn, tay nghề cao, ngay cả việc tuyển dụng lao động phổ thông của nhiều doanh nghiệp cũng rất khó khăn.
Thứ hai, 8 chỉ tiêu không đạt so với kế hoạch chủ yếu tập trung ở lĩnh vực xã hội và môi trường, trong đó đào tạo nguồn nhân lực có 2 chỉ tiêu và môi trường có 4 chỉ tiêu. Đáng lưu ý nhất là Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường chỉ là 50%, thấp hơn năm 2008 (60%). Đây là những chỉ tiêu ảnh hưởng đến phát triển bền vững và chất lượng đời sống xã hội.
Thứ ba, chất lượng công tác dự báo và thống kê chưa tốt. Chỉ trong vòng hơn 2 tháng tính từ thời điểm báo cáo Quốc hội đến hết năm tài chính, chênh lệch giữa số liệu ước thực hiện và số liệu thực hiện của một số chỉ tiêu quan trọng quá lớn, đặc biệt là thu ngân sách nhà nước cao hơn số ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội tới 51.690 tỷ đồng, tương đương 3% GDP, gần bằng một nửa số bội chi ngân sách của năm 2009; mức thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể năm 2009 là 8,8 tỷ USD, trong khi báo cáo tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội là 1,9 tỷ USD. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc quyết định xử lý bù đắp bội chi và thực hiện các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến công tác lập kế hoạch cho năm sau và ảnh hưởng đến các cân đối tổng hợp khác. Nếu dự báo được sát mức thu ngân sách năm 2009 thì có thể giảm được mức bội chi ngân sách năm 2009 và năm 2010.
Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị, cần xem xét, đánh giá một cách thực chất hơn về một số chỉ tiêu xã hội và môi trường như tạo việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, số giường bệnh trên 1 vạn dân, tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý... Bởi vì, có số liệu báo cáo của các cơ quan nhà nước về cùng 1 chỉ tiêu còn khác nhau, ví dụ chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo theo Tổng cục thống kê là 12,3%, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là 11,3%.
Chiều nay, Quốc hội làm việc ở hội trưởng, nghe Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Các đại biểu cũng thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Quang Anh