Tiếp tục nâng cao số lượng người biết chữ
Thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, năm 2022, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch số 188/KH-UBND về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh, trong đó nhận định xóa mù chữ (XMC) là mục tiêu đặc biệt quan trọng.
Theo đó, thời gian qua Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác XMC trên địa bản tỉnh. Trên cơ sở hoàn thành nhiệm vụ được giao, Sở GD&ĐT ban hành kế hoạch số 742/KH-SGDĐT ngày 14/03/2024 về việc thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 5 - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2024.
Theo thông tin từ Sở GD&ĐT, hiện nay tỷ lệ người được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 của các xã vùng đặc biệt khó khăn còn thấp. Tính đến tháng 12/2023, số người chưa biết chữ (tuổi từ 15-60) mức độ 1 là 4.989 người (chiếm 0,88%), số người chưa biết chữ (tuổi từ 15-60) mức độ 2 là 20.095 người (chiếm 3,54%).
Trước đó, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 17/2022/NQ-HĐND quy định nội dung chi, mức chi thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”; Nghị quyết số 27/2022/NQ-HĐND ngày 10/12/2022 Quy định nội dung chi mức chi hỗ trợ người dân tham gia học xoá mù chữ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, theo đó từ ngày 20/12/2022 mỗi người dân hoàn thành chương trình xoá mù chữ được hỗ trợ 1 triệu đồng/1 giai đoạn.
Sau hai năm triển khai, đến năm 2024, tỉnh Lạng Sơn đang mở 56 lớp XMC với 1.056 học viên. Dự kiến sang năm 2025 sẽ tiếp tục mở 59 lớp với 1.563 học viên.
Tập huấn học viên phục vụ công tác XMC

Theo chia sẻ của ông Bùi Văn Ngọc, Trưởng phòng GDTX-GDCN thuộc Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn, việc bồi dưỡng dạy học chương trình XMC theo chương trình XMC là hết sức cấp thiết. Do vậy, trong năm 2024, Sở GD&ĐT đã tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên đại trà 10 huyện về thực hiện chương trình xóa mù chữ giai đoạn 2; tiến hành cấp phát tài liệu hướng dẫn dạy học xóa mù chữ cho trung tâm học tập cộng đồng các xã, phường, thị trấn.
Đồng thời, Sở GD&ĐT tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về xóa mù chữ; đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị đăng tin bài, khai thác hiệu quả trang thông tin điện tử lưu trữ cơ sở dữ liệu, dạy học xóa mù chữ. Về công tác dạy học, Sở đã tổ chức Ngày hội giao lưu Toán Tiếng Việt cho học viên XMC, ghi hình các tiết dạy mẫu chương trình XMC.
Tại các lớp bồi dưỡng, học viên được giới thiệu mục tiêu, nội dung, yêu cầu cần đạt của Chương trình Xóa mù chữ giai đoạn 2 theo thông tư 33/TT-BGDĐT, gồm các môn học Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lí; giới thiệu cấu trúc các bài học, các mạch nội dung/chủ đề học tập; hướng dẫn tổ chức các hoạt động giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực;
Một số phương pháp, kỹ thuật dạy học đặc thù của môn học để phát triển về phẩm chất và năng lực cho học viên học Chương trình xóa mù chữ giai đoạn 2 phù hợp với đặc điểm từng môn học; hướng dẫn thiết kế một số kế hoạch bài dạy và thực hành dạy học một số nội dung theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học.
Ngoài việc tiếp thu, hướng dẫn, truyền tải những kiến thức, phương pháp tổ chức dạy học mới, các học viên còn được thảo luận, thực hành, trao đổi kiến thức bổ ích huy động học viên theo học xóa mù chữ đồng thời nêu các kiến nghị, đề xuất và được giải đáp những vướng mắc trong công tác tổ chức và dạy học chương trình Xóa mù chữ.
“Kết thúc khóa bồi dưỡng, cán bộ quản lý, giáo viên phải hoàn thành được sản phẩm thu hoạch do Ban tổ chức đề ra về giải pháp trong công tác triển khai huy động dạy học xóa mù chữ và lập Kế hoạch bài dạy cụ thể cho một môn học. Khóa bồi dưỡng kỳ vọng giúp các học viên rút ra được những kinh nghiệm hữu ích và có những định hướng đúng đắn trong công tác dạy học xóa mù chữ”, Trưởng phòng GDTX-GDCN, Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn cho hay.