Theo đó, các thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tiếp tục làm bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) hoặc tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) đối với chương trình giáo dục Trung học Phổ thông.
Còn với giáo dục thường xuyên, riêng tổ hợp Khoa học Xã hội, thí sinh chỉ thi hai môn Lịch sử và Địa lý, không phải thi môn Giáo dục công dân. Mỗi môn trong tổ hợp có thời gian làm bài 50 phút, thời gian nghỉ giữa các môn thi là 10 phút.
Sau khi hoàn thành bài thi tổ hợp Khoa học xã hội, thí sinh Nguyễn Thu Minh (dự thi điểm thi Trường Trung học phổ thông Trưng Vương, Q.1. TPHCM) cho biết, đề thi môn GDCC không khó, có phần nhẹ nhàng hơn, không có câu hỏi đánh đố thí sinh, một số câu hỏi có tính phân loại khá, đồng thời có câu hỏi yêu cầu thí sinh phải suy luận.
Theo ThS Nguyễn Thị Nữ - GV Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên), đề thi tốt nghiệp THPT môn GDCD năm nay được xây dựng theo đúng cấu trúc đề minh họa, bao gồm 90% nội dung kiến thức nằm trong chương trình lớp 12 và 10% kiến thức của học sinh chỉ cần nắm vững nội dung sách giáo khoa có thể đạt điểm 8.
ThS Nguyễn Thị Nữ - GV Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên). |
Đề đảm bảo tỷ lệ 20 câu nhận biết, 10 câu thông hiểu, vận dụng 6 câu và vận dụng cao 4 câu, cấu trúc này giống hệt đề năm ngoái 2021.
Nhìn chung, cấu trúc đề năm nay không mới so với năm 2021, đáp ứng đúng mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp và có thể sử dụng làm căn cứ cho học sinh xét tuyển đại học.
Về độ khó, những câu vận dụng cao rơi vào bài học số 2, số 4, số 6 và số 7 chương trình lớp 12. Đúng với định hướng trong đề minh họa, tuy nhiên câu vận dụng cao năm nay không rối như các tình huống được ra năm 2011, hợp lý và dễ nhận diện hơn. Tuy vậy, vẫn có một chút khác biệt trong phần nội dung của tình huống thuộc kiến thức bài 7 về đối tượng bị hay được quyền khiếu nại và tố cáo. Năm nay câu hỏi có chút khác biệt “ai không phải là đối tượng có thể vừa bị khiếu nại vừa bị tố cáo?”. Điều này yêu cầu học sinh phải bình tĩnh tư duy và đọc kỹ từng đối tượng để xác định đúng câu trả lời.
Chương trình lớp 11 đảm bảo đúng 10% như quy định, nằm trong kiến thức phần nhận biết và thông hiểu, tập trung vào các khái niệm đặc tính và ghi nhớ, đảm bảo đúng định hướng của Bộ trong quá trình ôn tập.
“Có thể thấy đề thi GD công dân năm nay không có gì khác biệt với cấu trúc năm 2021, đảm bảo được nội dung kiến thức trọng tâm và yêu cầu xét tốt nghiệp của học sinh! Học sinh có thể đạt được điểm cao nếu nắm vững kiến thức cơ bản...” - ThS Nguyễn Thị Nữ nhận định.
TPHCM: Hơn 85 ngàn thí sinh dự thi
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 của TPHCM, TPHCM có 158 điểm thi. Trong đó 71 điểm thi có thí sinh tự do, 87 điểm thi không có thí sinh tự do. Công tác giao đề thi và nhận bài thi được diễn ra hàng ngày để đảm bảo công tác an toàn cho kỳ thi. Mỗi quận, huyện bố trí 3 điểm thi dự phòng và mỗi điểm thi có 3 phòng thi dự phòng.
Toàn TP có 85.088 thí sinh, trong đó có 75.877 thí sinh THPT, 7.833 thí sinh giáo dục thường xuyên, 3.328 thí sinh tự do. Trong đó, có 76 thí sinh được miễn thi tất cả các bài thi và xét tốt nghiệp THPT. Các trường hợp được miễn thi là những em đang nằm trong đội tuyển thi quốc tế của Bộ GD&ĐT và các em là vận động viên trong thời gian đang tham gia các kỳ thi quốc tế.
Tổng số cán bộ, công chức, viên chức được huy động tham gia kỳ thi là 13.656 người. Trong đó, cán bộ coi thi là 10.654 người, số cán bộ tham gia ban chấm thi tự luận là 405 người. Phương án thực hiện chấm kiểm tra bài thi tự luận là chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi tự luận đã được cán bộ chấm thi xong lần chấm thứ hai theo tiến độ chấm thi và theo chỉ đạo của trưởng ban chấm thi tự luận.
Riêng đối với công tác chấm thi trắc nghiệm, tổng số cán bộ tham gia ban chấm thi trắc nghiệm là 92 người. Sở GD&ĐT phối hợp với Công an TPHCM và các sở, ngành liên quan bảo đảm tính bảo mật, an toàn tuyệt đối cho các kỳ thi từ khâu ra đề thi, in sao đề thi, bảo vệ các điểm thi, điểm in sao đề thi và điểm chấm thi.
Về phương án phòng, chống dịch Covid-19, các điểm thi đều thực hiện khử khuẩn trước ngày thi một ngày và sau khi thi, tổ chức vệ sinh môi trường đối với khu vực hành lang, sân trường, nhà vệ sinh... sau mỗi buổi thi. Riêng đối với các phòng thi của các thí sinh thuộc diện ca bệnh nghi ngờ, diện F0 phải được tổ chức vệ sinh khử khuẩn ngay sau mỗi buổi thi.
Trưởng các điểm thi xây dựng phương án và hướng dẫn thí sinh thực hiện đúng việc phân cổng đón đưa theo nhóm phòng thi; đo thân nhiệt theo nhóm phòng thi; rửa tay sát khuẩn thường xuyên; cử thành viên hướng dẫn thí sinh lên thẳng phòng thi; không cho tụ tập, trao đổi trước và sau khi thi; giám sát sức khỏe của từng cán bộ, nhân viên và thí sinh trước khi vào điểm thi.
Về công tác chuẩn bị, tại 158 điểm thi đều bố trí 3 phòng dự phòng dành cho việc thực hiện công tác phòng, chống dịch, để các thí sinh bị nhiễm Covid-19 thi tại các phòng này.