Năm học 2019 - 2020: Ngành Giáo dục đã nhân rộng được nhiều điểm sáng

Năm học 2019 - 2020: Ngành Giáo dục đã nhân rộng được nhiều điểm sáng

Từ những kết quả đạt được, các đại biểu Quốc hội ghi nhận nỗ lực, đồng thời mong muốn ngành, đội ngũ thầy cô tiếp tục phát huy, nhằm nhân lên niềm tin của xã hội với sự nghiệp GD-ĐT.

Hoàn thành nhiệm vụ kép

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, năm học 2019 - 2020, ngành Giáo dục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Song chính trong khó khăn lại xuất hiện những cách làm sáng tạo và trở thành động lực. "Với phương châm "Tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học", Bộ GD&ĐT đã linh hoạt, chủ động chuyển sang dạy – học trực tuyến. Phương án này tạo được hiệu ứng tích cực trong xã hội. Tôi cho rằng, đây là một trong những điểm sáng nhất của ngành Giáo dục trong năm học 2019 - 2020" – đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nhấn mạnh.

Năm học 2019 - 2020: Ngành Giáo dục đã nhân rộng được nhiều điểm sáng ảnh 1
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương.

Tâm đắc 3 kết quả nổi bật của ngành Giáo dục trong năm học 2019 – 2020, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương nói: Chủ động, linh hoạt dạy – học trong mùa dịch Covid-19, mà điểm nhấn là ứng dụng dạy – học trực tuyến trong toàn hệ thống; Thực hiện đổi mới GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đã có những chuyển biến tích cực, được nhà trường và xã hội đồng thuận; Chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên.

Nêu 4 kết quả đáng ghi nhận của ngành Giáo dục, đại biểu Lê Tuấn Tứ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh: Điểm nhấn đầu tiên phải nhắc đến, Bộ GD&ĐT đã phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 phục vụ cho năm học tới. Đây là những bộ sách được biên soạn theo chủ trương xã hội hóa, bước đầu có thành công nhất định.

Năm học 2019 - 2020: Ngành Giáo dục đã nhân rộng được nhiều điểm sáng ảnh 2
Đại biểu Quốc hội Lê Tuấn Tứ. Ảnh: T.G

Trong mùa dịch Covid-19, ngành Giáo dục hoàn thành nhiệm vụ "kép": Vừa phòng chống dịch bệnh, vừa bảo đảm dạy - học. Ngoài ra, ngành đã huy động xã hội vào cuộc, chung tay cùng giáo dục. "Trong mùa dịch Covid-19 có nhiều đơn vị, doanh nghiệp ICT hỗ trợ các trường trong dạy - học trực tuyến và các hoạt động xã hội khác" - đại biểu Lê Tuấn Tứ dẫn giải; đồng thời nhấn mạnh: Năm học 2019 - 2020, ngành Giáo dục đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tiệm cận Chương trình giáo dục phổ thông mới; trong đó chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.

Nhân rộng điểm sáng

Bước sang năm học 2020 - 2021, đại biểu Lê Tuấn Tứ đề xuất: Ngành Giáo dục cần chú trọng công tác bồi dưỡng giáo viên lớp 1, để các thầy/cô có thể làm chủ Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa mới.

"Vạn sự khởi đầu nan, do vậy nếu dạy lớp 1 theo Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới thành công sẽ tạo được lòng tin của xã hội, tạo động lực để chúng ta tiếp tục triển khai ở các khối lớp còn lại" - đại biểu Lê Tuấn Tứ đặt vấn đề, đồng thời trao đổi: Luật Giáo dục 2019 chính thức có hiệu lực, vì thế, các địa phương cần bám sát lộ trình nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non, tiểu học, THCS để có kế hoạch bồi dưỡng, tạo điều kiện cho đội ngũ nhà giáo đạt chuẩn theo quy định của Luật này.

Năm học 2019 - 2020: Ngành Giáo dục đã nhân rộng được nhiều điểm sáng ảnh 3
Học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Hùng Vương (Bình Dương) tập trung ôn tập sau thời gian học trực tuyến.

Quan tâm đến lĩnh vực giáo dục đại học, đại biểu Hồ Thanh Bình – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cho rằng: Năm học 2019 - 2020, giáo dục đại học được "cởi trói", đặc biệt là cơ chế tự chủ khi Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34) có hiệu lực thi hành. Đây là hành lang pháp lý quan trọng để cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ, phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Năm học 2019 - 2020: Ngành Giáo dục đã nhân rộng được nhiều điểm sáng ảnh 4
Đại biểu Quốc hội Hồ Thanh Bình.

Cũng theo đại biểu Hồ Thanh Bình, năm qua, chúng ta chứng kiến nhiều cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam được xếp hạng thế giới, trong đó có Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Cần Thơ… Đây là thành công và cũng là điểm sáng của giáo dục đại học nói riêng và GD-ĐT Việt Nam nói chung. Qua đó cho thấy giáo dục Việt Nam hoàn toàn có thể hội nhập quốc tế sâu rộng, đồng thời khẳng định chủ trương, chính sách về tự chủ đại học là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế.

"Trong thời gian tới, các trường cần cải tiến phương pháp giảng dạy, áp dụng công nghệ mới vào quá trình đào tạo; đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, nhà trường cần tăng cường tự chủ đại học gắn trách nhiệm giải trình với người học và xã hội" - đại biểu Hồ Thanh Bình đề xuất.

Xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa lớp 1 có thành công nhất định, đây là cơ sở, tiền đề quan trọng để năm học tới, ngành Giáo dục tiếp tục phát huy, biên soạn sách giáo khoa của các khối lớp còn lại theo chủ trương này; trước mắt là sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6. - Đại biểu Lê Tuấn Tứ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.