Một vụ nổ hạt nhân. Ảnh: National Interest |
Trung tâm Lưu trữ An ninh Quốc gia (NSA), một tổ chức phi chính phủ, đã yêu cầu giải mật danh sách các thành phố của những quốc gia thuộc khối Cộng sản mà Bộ Tư lệnh Không quân Chiến lược (SAC) định hủy diệt bằng vũ khí hạt nhân những năm 50. Tài liệu này được công bố hôm 22/12, tiết lộ lý do vì sao chiến tranh hạt nhân giữa Nga và Mỹ không nổ ra.
"SAC lên một danh sách hơn 1.200 thành phố trong khối Xô Viết, trải từ Đông Đức tới Trung Quốc, cùng với các ưu tiên", theo NSA.
"Moscow và Leningrad lần lượt có mức độ ưu tiên 1 và 2. Moscow có 179 mục tiêu được chỉ định ném bom bình địa (Designated Ground Zero – DGZ), con số này của Leningrad là 145, bao gồm cả các mục tiêu nhắm vào người dân".
Theo National Interest, ưu tiên của SAC là tiêu diệt không quân Liên Xô trước khi máy bay ném bom Liên Xô có thể tấn công Mỹ và các nước Tây Âu. Khoảng 1.100 sân bay Liên Xô đã được đưa vào tầm ngắm, với ưu tiên hàng đầu là máy bay ném bom Tu-16 của Liên Xô ở Orsha và Bykhov (Belarus).
SAC nhận định rằng các cơ sở hạ tầng không lực Liên Xô khá rộng, gồm bất kỳ trung tâm chỉ huy và cơ sở công nghiệp nào có thể hỗ trợ một chiến dịch Không quân. Do đó, Moscow bị xếp là mục tiêu số 1, vì có nhiều cơ sở chỉ huy quân sự, nhà máy sản xuất máy bay và tên lửa, phòng thí nghiệm vũ khí nguyên tử và các cơ sở lọc dầu.
Sau khi đã vô hiệu hóa thành công Không quân, nếu tiếp tục chiến tranh, mục tiêu ném bom tiếp theo của Mỹ sẽ là các ngành công nghiệp của Liên Xô.
Theo kế hoạch trên, đợt tấn công tiếp theo sẽ là một loạt "đòn cuối cùng", được thực hiện bởi những quả bom hạt nhân có sức công phá gấp 8 lần quả đã hủy diệt thành phố Hiroshima của Nhật, và cũng lớn gấp nhiều lần mức cần thiết để phá hủy một hay một số mục tiêu cụ thể. Điều đó cho thấy các nhà hoạch định đã tính cả đến mục đích gây thiệt hại lây lan, theo CNN.
Như vậy, sẽ có rất nhiều người vô tội phải chết. Danh sách mục tiêu này của SAC (biên soạn năm 1956 và công bố như một phần của nghiên cứu kế hoạch xây dựng vũ khí hạt nhân năm 1959) có tính đến việc các cuộc tấn công có thể gây ra cái chết cho dân thường.
"Kế hoạch của SAC có tính đến "sự hủy diệt hệ thống" các mục tiêu thành thị – công nghiệp của khối Xô Viết, mà cụ thể và rõ ràng là dân cư ở tất cả các thành phố gồm Bắc Kinh, Moscow, Leningrad, Đông Berlin và Warsaw", theo các nhà nghiên cứu của NSA. "Cố tình tấn công vào người dân sẽ mâu thuẫn trực tiếp với các chuẩn mực quốc tế về quy định cấm tấn công dân thường".
Hầu hết 800 trang tài liệu được giải mật là danh sách các mục tiêu tiềm năng bị tấn công. Năm 1959, các nhà lên kế hoạch của SAC cho rằng họ có thể tấn công bằng 2.130 chiếc máy bay ném bom B-52 và B-47, máy bay do thám RB-47 và chiến đấu cơ hộ tống F-101. Ngoài ra, SAC còn dự định sử dụng 376 tên lửa hành trình gắn đầu đạn hạt nhân và tên lửa phóng từ máy bay ném bom, cùng các tên lửa tầm trung.
SAC thậm chí còn đã tính đến phương án sử dụng bom nhiệt hạch (bom H). Họ dự định sẽ cho nổ quả bom trên mặt đất, thay vì trên không để nhanh chóng hủy diệt các cơ sở Không quân Liên Xô, dù có thể có các tác dụng phụ không mong muốn.
"Các phản đối cách dùng bom đến từ việc chúng có thể phá hủy mặt đất, hay xác suất bụi phóng xạ từ vụ nổ có thể ảnh hưởng tới các lực lượng đồng minh và dân thường đã được xem xét đến, nhưng yêu cầu giành chiến thắng trong cuộc chiến Không lực là tối quan trọng, trên tất cả mọi cân nhắc khác", SAC tính toán.
Tuy nhiên, theo SAC, các loại tên lửa nêu trên (trước khi tên lửa đạn đạo liên lục địa ICBM được phát minh vào những năm 1960) ít cơ hội đánh trúng mục tiêu, nên máy bay ném bom có người lái được coi là vũ khí chủ lực, giống như máy bay không người lái cũng không được tin cậy bằng máy bay có người lái ngày nay. Do đó, chiến lược này của SAC đã trở thành một chiến lược chiến tranh lâu dài, đủ thời gian cho Liên Xô sản xuất hàng loạt máy bay ném bom và vũ khí hạt nhân, sau chương trình trao đổi hạt nhân ban đầu. Đây có thể coi là một may mắn cho loài người, vì nhờ đó mà chiến tranh hạt nhân không nổ ra.