Mỹ ra đạo luật mới vì lo sợ Trung Quốc làm suy yếu an ninh quốc gia

GD&TĐ - Nỗi sợ Mỹ về kịch bản người Trung Quốc nắm giữ đất quy mô lớn thúc đẩy Đạo luật Nông nghiệp, Thực phẩm và An ninh Quốc gia 2024.

Đạo luật Nông nghiệp, Thực phẩm và An ninh Quốc gia 2024 sẽ cấm người Trung Quốc mua đất nông nghiệp Mỹ.
Đạo luật Nông nghiệp, Thực phẩm và An ninh Quốc gia 2024 sẽ cấm người Trung Quốc mua đất nông nghiệp Mỹ.

Ủy ban Nông nghiệp của Hạ viện Mỹ đã thông qua Đạo luật Nông nghiệp, Thực phẩm và An ninh Quốc gia 2024 vào ngày 24/5.

Dân biểu Ashley Hinson nói với tờ Daily Mail rằng, dự luật này sẽ ngăn chặn Trung Quốc nắm giữ đất nông nghiệp của Mỹ trên quy mô lớn.

Bà Hinson nói: "Trung Quốc sẽ không được phép mua thêm một mẫu đất nông nghiệp của Mỹ. Chúng ta cũng không nên dựa vào đối thủ nước ngoài hàng đầu của mình để có được những phần quan trọng trong chuỗi cung ứng thực phẩm của chúng ta”.

Sputnik bình luận rằng, trên thực tế đây chỉ là nỗi lo sợ về "mối nguy hiểm Trung Quốc" ở Mỹ.

Bởi thực tế, các nhà đầu tư và công ty tư nhân Trung Quốc sở hữu chưa đến 1% (khoảng 349.442 mẫu Anh) tổng diện tích đất nông nghiệp do nước ngoài nắm giữ ở Mỹ, số liệu của Cơ quan Dịch vụ Nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp Mỹ tính đến ngày 31/12/2022.

Tài sản của Trung Quốc trải rộng khắp nước Mỹ, bao gồm cả ở Texas (162.167 mẫu Anh); Bắc Carolina (44.776 mẫu Anh); Missouri (43.071 mẫu Anh); Utah (32.447 mẫu Anh); và Virginia (14.382 mẫu Anh).

Các nhà đầu tư nước ngoài lớn ở Mỹ phải kể đến Canada (sở hữu 14,2 triệu mẫu Anh, tương đương 32% tổng diện tích đất thuộc sở hữu nước ngoài), Hà Lan (13 triệu mẫu Anh, tương đương 12%, người Ý (6%), người Anh (6%), người Đức (5%). 17,1 triệu mẫu Anh còn lại được nắm giữ bởi nhiều chủ đất quốc tế nhỏ hơn, bao gồm cả Trung Quốc.

Nhìn chung, các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ cổ phần trên 43,4 triệu mẫu Anh, tương đương khoảng 3,1% tổng diện tích đất nông nghiệp của Mỹ, báo Nga bình luận.

Một số nhà lập pháp Mỹ và các viện nghiên cứu thừa nhận rằng đất đai mà Trung Quốc nắm giữ ở Mỹ khá khiêm tốn. Song họ lại cáo buộc Trung Quốc sử dụng đất nông nghiệp này để do thám quân đội Mỹ. Tuy nhiên, họ cũng không có bằng chứng nào được đưa ra để chứng minh cho các cáo buộc.

Heritage Foundation, một tổ chức tư vấn bảo thủ của Mỹ thậm chí còn tuyên bố rằng bất kỳ hoạt động mua hoặc cho thuê bất động sản nào của Trung Quốc đều đáng bị nghi ngờ.

“Quyền sở hữu của người Trung Quốc đối với bất kỳ bất động sản nào có thể là mối lo ngại nếu nó nằm gần cơ sở hạ tầng quan trọng, cho dù đó có phải là đất nông nghiệp hay không.

Phức tạp hơn, những lo ngại về an ninh quốc gia có thể xuất hiện ngay cả với những lợi ích không thuộc quyền sở hữu đối với bất động sản. Ví dụ: một công ty công nghệ Trung Quốc thuê văn phòng đối diện với Lầu Năm Góc hoặc giành được quyền xây dựng tua-bin gió gần căn cứ quân sự” - tổ chức nghiên cứu này tuyên bố.

Trường hợp duy nhất được truyền thông phương Tây đề cập về những mối nguy đến từ các nhà đầu tư Trung Quốc liên quan đến nhà sản xuất thực phẩm có trụ sở tại Trung Quốc - Tập đoàn Fufeng.

Fufeng đã mua 300 mẫu đất cách Căn cứ Không quân Grand Forks ở Bắc Dakota 26 dặm. Cho đến nay, không có bằng chứng nào về hoạt động "gián điệp" rõ ràng của Tập đoàn Fufeng được đưa ra.

Sputnik cho rằng, thay vì các cáo buộc "vô lý" về việc nắm giữ bất động sản, đất nông nghiệp của các nhà đầu tư Trung Quốc thì chính Mỹ và các quốc gia Tây Âu lại luôn tìm cách sở hữu các tài sản đất đai ở các quốc gia khác, ví dụ như ở Ukraine.

Các công ty Mỹ và Châu Âu có kế hoạch mua lại đất nông nghiệp ở Ukraine sau khi xung đột kết thúc vì lệnh cấm bán đất nông nghiệp ở nước này đã được dỡ bỏ vào ngày 1 tháng 7 năm 2021.

Đáng chú ý, Viện Oakland – một tổ chức tư vấn cấp tiến có trụ sở tại California (Mỹ) – tiết lộ vào ngày 21 tháng 2 năm 2023 rằng, hơn 28% đất canh tác của Ukraine đã thuộc quyền sở hữu của các thực thể Châu Âu và Bắc Mỹ hoặc các nhà tài phiệt Ukraine. Báo cáo đã bị báo chí chính thống phương Tây chỉ trích gay gắt.

Tuy nhiên, vào tháng 4 năm nay, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã xuất hiện để xác nhận phát hiện của tổ chức này. Ông nói: "Ngành công nghiệp nông nghiệp ở Ukraine không thực sự do người Ukraine điều hành; nó được điều hành bởi các công ty lớn từ Tây Âu, từ Mỹ. Nếu chúng ta nhìn vào chủ sở hữu của hầu hết đất đai ngày nay, họ không phải là công ty Ukraine."

Tạp chí Der Spiegel của Đức từ năm 2009 đã làm sáng tỏ "chủ nghĩa thực dân hiện đại" được thực hiện bởi các nhà đầu tư lớn của Mỹ và châu Âu, khi ồ ạt mua đất giá rẻ ở các quốc gia đang gặp khủng hoảng ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ