10+1 hay 5+1 thì cũng… thừa cái "cộng 1" - nghĩa là đều lọt top nhờ vào lượt bình chọn của khán giả, chứ chưa hẳn nhờ vào chính nhan sắc và thực lực của người đẹp. Vì thế, hân hoan vì vị trí đoạt được là niềm vui xứng đáng, nhưng tỉnh táo nhận định vẫn là điều cần thiết nếu muốn đầu tư nghiêm túc cho chặng đường chinh phục đấu trường quốc tế của các nhan sắc Việt.
Lan Khuê trong sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả nước nhà đã có một lần "chinh chiến" tại Hoa hậu Thế giới 2015 nhiều dấu ấn, nhưng có lẽ đậm đà nhất vẫn là màn bị "hất chân" ra khỏi phần thi ứng xử bởi sự… ngẫu nhiên đổi luật của ban tổ chức khi không thừa nhận "tấm vé vớt" của Lan Khuê vào phút cuối.
Cô đành ngậm ngùi từ bỏ giấc mơ đến gần chiếc vương miện danh giá của Miss World, tuy nhiên, lại có một "vương miện" khác: danh vọng, tiền tài, địa vị trong làng giải trí Việt sẵn sàng chờ đón cô ngay từ… cổng sân bay, khi cô hạ cánh trở về nước sau cuộc thi.
Lan Khuê trở về trong vòng tay chào đón của khán giả hâm mộ - đó là thành quả xứng đáng. Thế nhưng, tự bao giờ mà công chúng cho rằng: "tấm vé vớt" trở thành điều đáng khao khát đến thế?
Trong khi, tấm vé này suy cho cùng vẫn là sức mạnh của tập thể khán giả nước nhà, không phản ánh sức bật và giá trị riêng của đại diện nhan sắc Việt. Cuộc thi mà lẽ ra người đẹp phải đóng vai trò then chốt, tự định đoạt kết quả mình nhận được bằng nỗ lực, ý chí, thì nay trở thành… sàn đấu của những cú click chuột, vote ngày đêm, vote "sập page" của khán giả.
Khán giả từ vai trò cổ vũ, "hộ tống" tinh thần nay trở thành vai chính, thậm chí có đủ quyền năng để đẩy "gà nhà" lọt top. Vì thế, không ngoa khi một bộ phận khán giả Việt "có tâm" này đã trở thành cơn ác mộng đối với nhiều fanpage uy tín trong các cuộc thi trong và ngoài nước. Chính sự cuồng nhiệt thái quá đã "bẻ cong" không chỉ kết quả, mà quan trọng hơn là sự ảo tưởng về vị trí của các người đẹp trong làng giải trí.
Rốt cuộc, họ trở thành kẻ đại diện đúng nghĩa - nghĩa là chỉ gắn dải băng có dòng chữ Việt Nam lên áo để phân biệt với các quốc gia khác, chứ bản thân không thể - không có cơ hội để đóng góp bất cứ điều gì cho kết quả chung cuộc. Thế thì, vất vả thi thố, chọn lọc người đại diện làm chi, khi kết quả đâu định đoạt bởi người được chọn, mà lại nằm trong tay khán giả?
Và liệu có bao nhiêu lần may cho những tấm vé vớt "ngồi chờ sung rụng" như vậy để mà hân hoan, phụ thuộc?
Được lựa chọn là đại diện Việt Nam tại Hoa hậu Thế giới, Đỗ Mỹ Linh đứng trước nhiều áp lực nặng nề.
Thứ nhất là vượt qua thành tích trước đó của Lan Khuê. Việc cuộc thi tiếp tục tổ chức tại Trung Quốc là một điều bất lợi cho hành trình của Mỹ Linh, khi khả năng cao cô sẽ hứng chịu những "yêu sách" như Lan Khuê đã từng, khiến chặng đường chinh phục vương miện sẽ nhiều "ổ gà" hơn, thậm chí là… tắc luôn đường.
Không chỉ thế, người ta còn cố nới rộng những điểm chung và kéo cho bằng được Mỹ Linh vào cuộc so kè với Phạm Hương, khiến Mỹ Linh chịu thêm phần áp lực trước thành tích mà đàn chị đã đạt được. Những so sánh luôn khập khiễng, nhưng chưa bao giờ hết hấp dẫn trong dư luận - nơi luôn thừa mứa những kẻ định nghĩa thế giới bằng hơn - thua, và kiên quyết định danh ai xứng đáng, ai không.
Thứ hai, từ sau Mai Phương Thúy, bốn nhiệm kỳ tiếp theo với những hoa hậu: Thùy Dung, Ngọc Hân, Đặng Thu Thảo, Kỳ Duyên đều không dấn thân vào các cuộc thi quốc tế. Từ đó, mọi áp lực dư luận đặt lên vai Đỗ Mỹ Linh - đại diện mới nhất có danh hiệu quốc gia đi "chinh chiến" tại Miss World 2017.
Cơn tò mò của dư luận lên đến đỉnh điểm vì đã quá lâu mới thấy một Hoa hậu Việt Nam đi thi quốc tế, vì không biết: cô này sẽ làm nên "trò trống" gì, liệu nét đẹp "chuẩn tiêu chí hoa hậu Việt" có… khớp "tần số" với Hoa hậu Thế giới?
Ngay lập tức, nàng hậu trẻ rơi vào luồng chỉ trích: quá nhạt để đi thi quốc tế. Từ khi đăng quang Hoa hậu Việt Nam, tròn một năm qua, Mỹ Linh vẫn chưa kịp ghi dấu ấn mạnh mẽ để thuyết phục đông đảo khán giả hoài nghi chuyển sang ủng hộ cô, nhất là trong thị trường mà các cuộc thi nhan sắc nhiều như "nấm sau mưa" - mối quan tâm của dư luận phải chia năm sẻ bảy cho rất nhiều nàng hoa hậu khác, không thể dành riêng "diễn đàn" cho Mỹ Linh, dù danh hiệu cô đạt được thuộc hàng danh giá nhất.
Khi tên cô cất lên cho vị trí đại diện Việt Nam, truyền thông giật mình, vội vã nhận định, chỉ trích một người mà thậm chí, họ chưa từng sao sát dõi theo.
Thời điểm này, mọi phản ứng "lên gân" cũng chẳng thể thuyết phục được dư luận, không khéo lại bị mang danh "thùng rỗng kêu to". Mỹ Linh chỉ còn có thể tập trung toàn lực cho cuộc thi, nếu không may mắn đạt vị trí cao, thì ít nhất cũng phải mãn nhãn, hài lòng được dư luận bằng chính nỗ lực, cống hiến của mình. Kết quả sẽ là đáp án xác đáng nhất cho mọi hoài nghi.
Và dẫu có bao nhiêu luồng ý kiến công kích, trái chiều thì Mỹ Linh - khi so với các hoa hậu khác chưa từng dám bước ra khỏi vùng an toàn, cũng đã là kẻ thắng ở vạch xuất phát, vì cô dám-bắt-đầu.
Dù kết quả thế nào, bước ngoặt mới này sẽ khắc thêm một dấu ấn đáng giá trong tuổi trẻ của nàng hậu, mà không phải ai cũng may mắn được trải nghiệm.