Mỹ lấp Địa Trung Hải, sẵn sàng can thiệp xung đột Israel-Hamas

GD&TĐ - Mỹ đã điều động 2 nhóm tấn công tàu sân bay và 1 nhóm đổ bộ viễn chinh của hải quân đánh bộ tới hậu thuẫn cho Israel trong xung đột với Hamas.

Mỹ lấp Địa Trung Hải, sẵn sàng can thiệp xung đột Israel-Hamas

Theo giới truyền thông ở Washington, hiện nay Quốc hội Mỹ đang chuẩn bị thông qua một dự thảo nghị quyết trao quyền sử dụng vũ lực cho Tổng thống Joe Biden trong tình huống cuộc xung đột giữa Israel với nhóm vũ trang Hamas của Palestine mở rộng quy mô ở Trung Đông.

Theo đó, các nghị sĩ Quốc hội Mỹ cho rằng, Nhà Trắng cần phải chuẩn bị cho việc có bên thứ ba can thiệp vào cuộc xung đột Hamas-Israel, vì vậy Tổng thống Joe Biden phải chuẩn bị sẵn sàng sử dụng vũ lực chống lại các phe phái khác nhau ở Trung Đông định can dự vào cuộc chiến này.

Theo đó, một nhóm đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện Hoa Kỳ đang chuẩn bị dự thảo nghị quyết cho phép ông Biden sử dụng vũ lực nếu các bên thứ ba, đặc biệt là phong trào Hezbollah ở Lebanon, can thiệp vào cuộc xung đột.

Tài liệu này có tên là “Giấy phép sử dụng lực lượng quân sự” (AUMF - “Ủy quyền sử dụng lực lượng quân sự”).

Theo Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Michael McCaul, Nhà Trắng hiện không có sự cho phép của cơ quan lập pháp để tấn công các nhóm khác nhau hoạt động ở Trung Đông, nên Quốc hội Mỹ cần phải thông qua dự thảo nghị quyết này để Lầu Năm Góc có thể can dự.

Theo giới phân tích, ngay khi nghị quyết được thông qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có lý do “chính đáng” để tung ra hàng loạt đòn tấn công nhằm vào các thế lực chống Israel.

Theo luật pháp Hoa Kỳ, chỉ có Quốc hội mới có thể cho phép Lực lượng Vũ trang Mỹ mở cuộc tấn công trong các cuộc xung đột ở phạm vi quốc tế. Mỹ làm mọi thứ theo luật, kể cả ném bom, phóng tên lửa theo một “quy trình”: Tự cấm, tự cho phép, nhưng “mọi thứ đều hợp pháp, có giấy tờ”.

Hiện nay, Mỹ đang tập trung lực lượng về phía bờ biển Israel ở Đông Địa Trung Hải, điều động hai nhóm tấn công tàu ​​sân bay USS Gerald R. Ford và Dwight D. Eisenhower; một cụm tàu đổ bộ viễn chinh USS Bataan của thủy quân lục chiến với lực lượng phản ứng nhanh có quân số khoảng hơn 2000 người, chủ yếu là lính thủy đánh bộ thuộc Đơn vị Đổ bộ Viễn chinh Thủy quân lục chiến số 26.

Ngoài lực lượng phong tỏa trên biển, Lầu Năm Góc cũng đồng thời triển khai các nhóm máy bay của không quân và các cụm quân chiến đấu lục quân ở các nước láng giềng gần nhà nước Do Thái hơn.

Trước đó, các quan chức Lầu Năm Góc tuyên bố, hoạt động điều chuyển quân không đảm bảo sự tham gia trực tiếp của Mỹ vào cuộc xung đột với lực lượng Hamas có trụ sở tại Dải Gaza, mà chủ yếu là nhiệm vụ “cố vấn và hỗ trợ y tế” và “không nhằm mục đích phục vụ trong vai trò chiến đấu”.

Tuy nhiên, với cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ sắp sửa thông qua dự thảo luật nói trên, các cụm quân Mỹ sẽ ngay lập tức biến thành lực lượng tác chiến sau khi Tổng thống Joe Biden ký ban hành luật.

Những động thái mới nhất của Mỹ diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Israel và Hamas đã kéo dài hơn 10 ngày qua, khiến khoảng 1400 người Israel bị chết, trong khi hơn 2.800 người Palestine thiệt mạng ở dải Gaza.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ