(GD&TĐ) – Mỹ cho biết thấy đà trong các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Đông Nam Á trong việc nhất trí về một bộ quy tắc ứng xử nhằm giảm bớt sự bất hòa về những tuyên bố về chủ quyền ở biển Đông.
Tàu do thám Trung Quốc gần bãi cạn Scarborough tranh chấp với Philippines hồi tháng 4.2012 |
Biển Đông sẽ là vấn đề ưu tiên trong chương trình nghị sự khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ tới Campuchia vào tháng tới để dự các cuộc hội đàm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước trong khu vực bao gồm Trung Quốc.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về vấn đề Đông Á, ông Kurt Campbell cho biết ông hiểu rằng một bản dự thảo đề xuất về bộ quy tắc ứng xử đang được thảo luận và Mỹ mong sẽ được biết thêm các chi tiết trong các cuộc hội đàm tại Campuchia.
Ông Campbell không đưa thêm thông tin chi tiết về bộ quy tắc ứng xử có thể có và thừa nhận rằng tranh chấp về biển Đông “đầy rẫy khó khăn”.
Năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí thỏa thuận về một bộ quy tắc ứng xử, tuy nhiên vẫn đạt được rất ít tiến triển, trong khi đó Trung Quốc đề nghị được đàm phán với từng nước, thay vì đàm phán đồng thời với một khối thống nhất.
Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN có cuộc gặp gỡ hồi tháng 4 tại Phnom Penh cho biết họ hy vọng rút ngắn khác biệt và có thể ký một bộ quy tắc ứng xử với Trung Quốc vào cuối năm nay.
Vẫn chưa rõ về những chi tiết về bộ quy tắc ứng xử. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta nói tại cuộc hội đàm Sangri-La ở Singapore ngày 2.6 rằng, bộ quy tắc nên đưa ra một “khung dựa trên các quy tắc” ràng buộc nhằm ngăn chặn và quản lý tranh chấp.
Tại các cuộc đàm phán ASEAN thường niên năm 2010 ở Việt Nam, bà Clinton cho biết Mỹ có một “mối quan tâm quốc gia” trong việc mở con đường tiếp cận tới biển Đông, nơi mà một nửa giao dịch thương mại thế giới đi qua. Tuyên bố của bà Clinton được phần lớn các nước châu Á hoan nghênh và tăng cường hợp tác với Mỹ nhưng Trung Quốc lại cho rằng Ngoại trưởng Mỹ làm tăng thêm căng thẳng.
Ông Campbell nói rằng bà Clinton cũng mong muốn thăm Lào, nếu điều này diễn ra thì chuyến đi sẽ là lần đầu tiên một Ngoại trưởng Mỹ tới thăm Lào kể từ năm 1975.
Phương Hà (Theo AFP)