Muốn điểm cao kỹ năng diễn xuất: Cần điều kiện gì?

Muốn điểm cao kỹ năng diễn xuất: Cần điều kiện gì?

Sơ tuyển tìm “hạt nhân”

PGS.TS Trần Yến Chi - Trưởng phòng Đào tạo, Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế (Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TPHCM) cho biết: Thí sinh dự thi vào trường ngoài đáp ứng các điều kiện chung của Bộ GD&ĐT còn cần hội đủ điều kiện riêng của trường đối với một số ngành đặc thù.

Thí sinh dự thi ngành Diễn viên kịch, diễn viên điện ảnh - truyền hình yêu cầu trong độ tuổi từ 18 - 23. Thí sinh dự thi ngành Diễn viên sân khấu kịch hát, trong độ tuổi từ 18 - 26. Quy trình thi năng khiếu gồm 2 vòng: Sơ tuyển (12/9 - 15/9) và chung tuyển (17/9 - 22/9). Ngành đặc thù - Diễn viên kịch, diễn viên điện ảnh - truyền hình sẽ phải thi vòng thi sơ tuyển.

“Với ngành Diễn viên kịch, điện ảnh - truyền hình, sơ tuyển thí sinh về hình thể, kiểm tra tiếng nói trên hình thức đọc thơ hoặc đọc một đoạn văn. Kiểm tra thẩm âm bằng hát một bài hoặc đoạn bài hát. Kiểm tra năng khiếu diễn xuất bằng diễn một tiểu phẩm đã chuẩn bị có 1 - 2 nhân vật, trong đó thí sinh diễn chính (tiểu phẩm không quá 5 phút). Mục tiêu để chọn được những thí sinh đáp ứng các tiêu chí tối thiểu có thể học ngành học trên” – PGS.TS Yến Chi chia sẻ.

“Nhà trường sẽ chỉ xét tuyển thí sinh học ngành đạo diễn điện ảnh truyền hình, diễn viên kịch, diễn viên điện ảnh - truyền hình sau khi trúng tuyển vào vòng chung tuyển” – PGS.TS Yến Chi cho biết.

Sau khi qua vòng sơ tuyển, thí sinh sẽ thi vào vòng chung tuyển. Vòng này, nhà trường xét điểm 3 môn, trong đó thí sinh sẽ dự thi 2 môn và xét tuyển môn 3. Môn 1, thí sinh phân tích tác phẩm nghệ thuật bằng cách xem phim hoặc xem đĩa tác phẩm sân khấu và viết bài phân tích. Môn 2, yêu cầu người thi thể hiện năng khiếu bằng các hình thức khác nhau tùy theo đặc thù từng ngành đào tạo. Môn 3 là xét tuyển học bạ điểm lớp 12 môn Ngữ văn.

Cần rèn luyện

Theo PGS.TS Trần Yến Chi, ngành Diễn viên kịch, diễn viên điện ảnh - truyền hình về cơ bản yêu cầu người học cần những tố chất thiên bẩm nhất định về năng khiếu diễn xuất, âm vực, giọng nói chuẩn và khả năng thẩm thấu giá trị nghệ thuật nhất định.

Vì vậy, để có thể phát huy tốt nhất các tố chất năng khiếu và vốn kiến thức nền tảng của mình về nghệ thuật, văn học, thí sinh phải chịu khó trau dồi khả năng diễn xuất, ứng xử với từng tình huống diễn xuất nảy sinh (có thể là bối cảnh thực tế tại nhà, lớp dạy diễn xuất) để khả năng và lối diễn của bản thân mượt hơn và không bị đơ.

“Lối diễn tự nhiên, thích ứng mau lẹ với bối cảnh, tác phẩm, tình huống mà Ban giám khảo đưa ra luôn là “điểm cộng” với thí sinh trong phần thi năng khiếu. Vì vậy, ngoài việc thường xuyên rèn luyện, thí sinh cần phải trang bị cho mình một nền tảng nhất định trong cách cảm thụ tác phẩm, điều phối và kiểm soát được cảm xúc để thích nghi với bối cảnh xung quanh.

Để giúp thí sinh hoàn thành tốt những kỹ năng trên, trong quá trình học, nhà trường sẽ trang bị cho các em hệ thống kỹ năng cơ bản về nghệ thuật biểu diễn như: Cảm thụ, phán đoán, giao lưu, tưởng tượng, thích ứng… nhằm bảo đảm tính chân thực trong biểu diễn, tính tích cực, cách triển khai và ý nghĩa của hành động. Bên cạnh đó, các em được học môn bổ trợ khác như: Hình thể, tiếng nói, đại cương sân khấu, triết học, văn học… để hình thành những kỹ năng nền tảng nhất”, PGS.TS Trần Yến Chi cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ