Nhiều người thường không quá chú trọng vệ sinh vùng rốn, thậm chí còn không để ý đến nó khi tắm. Họ không biết rằng, ung thư đường ruột đôi khi sẽ phản ánh ở khu vực này, nếu không để ý, sẽ chậm trễ trong việc điều trị.
Một phụ nữ 40 tuổi ở thành phố Cao Hùng, Đài Loan tình cờ phát hiện ra một nốt mụn nhỏ trên rốn. Sau nhiều lần chần chừ, cô quyết định đến bệnh viện kiểm tra.
Trải qua nhiều xét nghiệm, bác sĩ nhận định đây là ung thư ruột có di căn, đang trong giai đoạn cuối. Mặc dù được điều trị tích cực, nhưng người phụ nữ này không may qua đời 6 tháng sau đó.
Huỳnh Cảnh Văn, bác sĩ phẫu thuật đại trực tràng, người trực tiếp điều trị cho người phụ nữ này cho biết: "Bệnh nhân phát hiện ở rốn có một nốt mụn to bằng hạt gạo. Bệnh nhân đi khám tại cơ sở gần nhà nhưng không cải thiện, sau 1 tuần mới đến bệnh viện xét nghiệm và nhanh chóng được chuyển qua phẫu thuật".
Trong vòng 1 tháng kể từ ngày phát hiện ra ung thư, khối u nhanh chóng tăng kích cỡ, từ như một hạt gạo ở rốn to thành hạt đậu, kèm theo đau nhức.
Qua sinh thiết, khối u ở rốn đã di căn tới gan, phổi, đại tràng và được xác định ở giai đoạn cuối. Ở giai đoạn này đã quá muộn, việc chữa trị không còn hiệu quả cao, xác suất tử vong đã được bác sĩ tiên lượng trước.
Dấu hiệu của ung thư ruột
Bác sĩ Huỳnh Cảnh Văn nhắc nhở rằng: "Trong giai đoạn đầu của ung thư ruột, nó không có triệu chứng và khó phát hiện. Sự thay đổi thói quen đại tiện thường bị bỏ qua, chẳng hạn như đột ngột bị táo bón, tiêu chảy nhiều lần trong ngày suốt 2 ngày liên tiếp, sau đó rốn sẽ có dấu hiệu bất thường".
Ung thư ruột là một thuật ngữ nói chung đối với những khối u bắt đầu ở ruột già. Đôi khi nó nó còn được gọi là ung thư ruột kết hoặc trực tràng.
Có 3 triệu chứng chính của ung thư ruột là:
- Chảy máu dai dẳng trong phân không có lý do rõ ràng.
- Đau bụng dưới lâu ngày, đầy hơi, khó chịu, dẫn đến chán ăn, sụt cân đáng kể một cách không chủ ý.
- Thay đổi thói quen đại tiện nhiều lần, phân cứng hoặc tiêu chảy.
Nguyên nhân chính xác của ung thư ruột không rõ ràng, nhưng có một số điều có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, chẳng hạn như:
- Người từ 60 tuổi trở lên.
- Người có chế độ ăn nhiều thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, ít chất xơ.
- Người thừa cân, béo phì.
- Người ít tập thể dục.
- Người có người thân bị ung thư ruột dưới 50 tuổi.
Ung thư ruột có thể được điều trị bằng cách sử dụng kết hợp nhiều phương pháp điều trị khác nhau, tùy thuộc vào vị trí khối u trong ruột và mức độ di căn của nó. Thông thường sẽ là phẫu thuật, kết hợp với hóa trị và xạ trị.
Giống như với hầu hết các loại ung thư, cơ hội chữa khỏi hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ di căn và thời điểm được chẩn đoán. Nếu ung thư chỉ giới hạn trong ruột, phẫu thuật thường có thể loại bỏ hoàn toàn.