Mưa lớn gây ngập lụt, thiệt hại tại nhiều nơi

Mưa lớn gây ngập lụt, thiệt hại tại nhiều nơi

(GD&TD)-Trong 2 ngày qua, mưa lớn khiến tình trạng ngập lụt diễn ra ở nhiều nơi, trong đó, chịu thiệt hại nặng nề nhất là các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh....

Nước ngập trắng do mưa lớn
Nước ngập trắng do mưa lớn ở Thanh Hóa

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với hoạt động của đới gió đông nam, từ ngày 9 đến 11–9, trên địa bàn Thanh Hóa đã có mưa to đến rất to. Tính đến 16 giờ ngày 11–9, lượng mưa đo được phổ biến từ 100 đến 250 mm.

Một số địa phương có mưa rất lớn như: Tĩnh Gia 632,3 mm; Cửa Đạt (Thường Xuân) 369,4 mm; TP Thanh Hóa 374,5 mm... Trên nhiều dòng sông phía Nam của tỉnh đã xuất hiện lũ. Riêng sông Yên tại Chuối, mực nước lũ đã đạt báo động II, lũ trên nhiều dòng sông khác vẫn đang lên.

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa: mưa lớn đã gây thiệt hại nặng nề. Đến chiều 11–9, toàn tỉnh đã có 182 hộ dân bị ngập, hơn 5.770 ha lúa có khả năng mất trắng, 336 ha ngô bị ngập và hư hại, hàng trăm ha hoa màu, lạc, mía bị ngập, đổ, hư hại. Cùng thời điểm trên, đã có 6 hồ đập nhỏ bị tràn, 2 cột điện bị gãy, đê điều bị sạt lở hơn 7.500 m3 và hàng chục ha nuôi trồng thủy sản bị tràn bờ. Tổng thiệt hại do mưa lũ ước tính khoảng 203 tỷ đồng.
 
Để nhanh chóng khắc phục hậu quả, sớm ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân, UBND tỉnh và các ngành chức năng đang tập trung chỉ đạo quyết liệt. Trong đó việc tiêu úng cho diện tích lúa và hoa màu được đặc biệt quan tâm. Các phương án nhằm bảo đảm cho các công trình như đê điều, hồ đập đã được triển khai. Các ngành và các địa phương đã huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục kịp thời nếu có sự cố. Các địa phương cũng đã được chỉ đạo sơ tán dân ở vùng trũng, thấp đến nơi an toàn.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão – tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An: Tính đến 17h chiều 11/9, liên tục trong các ngày qua từ ngày 8 – 11/9, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp nên ở Nghệ An đã có mưa vừa, mưa to đến rất to.

Hậu quả đã làm nhiều tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An bị ngập chìm trong nước, nhiều nơi đã sạt lở chia cắt giao thông như: Sạt lở ta luy làm ách tắc giao thông các vị trí trên đoạn Km129 - Km180 trên Quốc lộ 7 đoạn qua địa bàn xã Tam Quang, Khe Nần, Tam Thái, Lưu Kiền (huyện Tương Dương).

Sạt lở, ngập lụt tắc giao thông tại các vị trí Km90 - Km 91 trên Quốc lộ 48 C thuộc địa bàn bản Cạp Chạng, xã Yên Hòa, Yên Thắng (huyện Tương Dương). Cầu Dinh và cầu Hiếu trên Quốc lộ 48 nước ngập sâu hơn 1 m, gây ách tắc giao thông. Tỉnh lộ 545 từ huyện Tân Kỳ đi huyện Nghĩa Đàn và đường 598 (huyện Quỳ Hợp) cũng bị ngập chìm trong nước, giao thông chia cắt. Tại thành phố Vinh trong các ngày qua cũng liên tục xảy ra tình trạng các tuyến đường ngập nước.

Ngay sau các cơn mưa, lũ trên hệ thống sông Cả đang lên. Trước diễn biến thời tiết đang hết sức phức tạp, Sở Giao thông vận tải tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng chức năng để tiến hành cắm tiêu, cử người trực và phân luồng đảm bảo giao thông.

gh
Hồ Kẻ Gỗ là công trình trọng điểm quốc gia về thủy lợi cần được chuẩn bị kỹ lưỡng phương an điều tiết nước

Tại Công trình thủy nông Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh), toàn bộ lực lượng chủ công được 34 người đều được bố trí tại các “chốt’ trọng điểm, trong đó 14 người chịu trách nhiệm tại đập đầu mối. Lượng lượng này thường xuyên cắt cử trực 24/24 giò trong ngày vào mùa mưa lũ. 18 người, 2 thuyền nan thuộc đơn vị tự vệ tổ chức tuần tra trên các tuyến kênh mương lớn , nhỏ khác nhau

Đến thời điểm này, tại khu vực đầu mối, đã tập kết được 519m3 đá hộc, 45 m3 cát, 81m3 sỏi, 32 rọ thép, 22.000 bao tải. Ngoài ra, đơn vị còn ký kết hợp đồng với Ban Chỉ huy PCLB các huyện. Theo đó, huyện Cẩm Xuyên chịu trách nhiệm cung cấp lực lượng xung kích 700 người, 3.200 người tham gia ứng cứu , 1.400 cây tre, 14 thuyền máy. Huyện Thạch Hà cung cấp 1.900 bao tải, 2 xuồng, 190 áo phao, 21 ô tô…

Dự báo mưa lớn sẽ còn tiếp diễn ít nhất 1 - 2 ngày nữa. Lũ các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh tiếp tục lên nhanh, các địa phương cần chủ động đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng, đồng bằng.

Tại Bình Thuận, mưa lớn đã khiến lũ trên sông Phan và sông Dinh lên nhanh, vượt báo động 3 lần lượt là 0,75 m và 1,05 m, làm ngập 140 căn nhà, 293 ha lúa, 358 ha hoa màu và sạt lở 800 m kênh mương thủy lợi, 100m đường giao thông tại các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và La Gi.

Tại ĐBSCL, vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, do lũ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường, trong những ngày tới lũ sẽ lên mức báo động 2, có nơi trên báo động 2.

Thành Vinh - Phương Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ