Mưa lớn, Bình Định, Phú Yên bị ngập sâu

Mưa lớn, Bình Định, Phú Yên bị ngập sâu

Trên địa bàn tỉnh Bình Định tiếp tục có mưa lớn, lượng mưa phổ biến từ 90-190mm. Riêng tại khu vực TP Quy Nhơn mưa hơn 247mm; huyện An Nhơn 225mm, khiến mực nước các sông lên trở lại. Sông Côn tại Thạnh Hòa (An Nhơn) hiện đang ở mức báo động 2.

Nước lũ bắt đầu tràn qua tỉnh lộ 640 từ thị trấn Tuy Phước đi các xã thuộc khu Đông của huyện - ảnh: Trọng Nguyễn
Nước lũ bắt đầu tràn qua tỉnh lộ 640 từ thị trấn Tuy Phước đi các xã thuộc khu Đông của huyện - ảnh: Trọng Nguyễn

Đến 17h chiều ngày 8.11 các xã khu Đông thuộc các huyện Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, Hoài Nhơn, Phù Mỹ một lần nữa bị ngập sâu, chia cắt hoàn toàn. Tuyến tỉnh lộ 640, 636A, 636B từ Tuy Phước đi Phù Cát bị ngập sâu từ 0,5-1m. Giao thông trên tuyến đường bị lê liệt.Người dân và phương tiện qua lại phải di chuyển bằng đò hoặc xe tải.

Theo báo cáo báo nhanh của Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Bình Định, đến 17h ngày 8.1, trên địa bàn tỉnh đã có thêm 1 người chết. Nạn nhân là bà Nguyễn thị Xuân Mai (55 tuổi) ở khu vực 6, phường Lê Hồng Phong bị trượt chân ngã xuống hồ Bàu sen chết đuối. Nâng tổng số người thiệt mạng do mưa lũ là 7 người chết và mất tích.

Trong khi đó tại huyện Hoài Nhơn, gia đình và chính quyền địa phương đã vớt được xác anh Nguyễn Văn Tĩnh 32 tuổi ở Thị trấn Tam Quan huyện Hoài Nhơn tại khu vực Cầu Cháy, thị trấn Tam Quan. Được biết, khuya ngày 6.11 anh Tĩnh điều khiển xe do mưa lớn hệ thống đèn chiếu sáng không có nên đã tông vào mố cầu rơi xuống nước, chết đuối.

Thi thể của ông Lê Hải (79 tuổi) ở thị trấn Đập Đá (An Nhơn) bị nước lũ cuốn trôi vào đêm 2.11 cũng đã được nhân dân và chính quyền vùng hạ lưu sông Côn thuộc thôn Trung Bình, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát tìm thấy vào trưa 7.11.

Cảnh người dân di chuyển bằng đò (ảnh chụp tại xã phước Nghĩa huyện Tuy Phước) - ảnh: Trọng Nguyễn.
Người dân xã Phước Nghĩa huyện Tuy Phước di chuyển bằng đò tránh lũ  ảnh: Trọng Nguyễn.

Tuyến xe buýt từ Quy Nhơn đi các xã phía Đông của huyện Tuy Phước, Phù Cát cũng bị tê liệt vì nước ngập qua đường 0,5-1m. Bên cạnh đó, hàng ngàn công dân đang làm việc tại các khu Công nghiệp phía Nam tỉnh cũng phải nghỉ việc vì nước lũ chia cắt.

Mưa lũ cũng đã làm sập hoàn toàn 20 ngôi nhà và 55 ngôi nhà khác bị hư hỏng; 40 m đê sông bị vỡ đứt và 8,855 km đê sông bị sạt lở nghiêm trọng. Mưa lũ còn làm làm chìm và cuốn trôi 5 tàu cá, 860 ha ao nuôi tôm bị hư hỏng; 1.495 ha lúa, 2.000 ha đậu, bắp, mì bị ngập thối; 1.740 tấn lúa giống bị trôi; kênh mương bị sạt lở, bồi lấp 15.580m và hơn 2.000 m bị lũ cuốn trôi; 134 cống lấy nước, đập bổi trên sông, suối bị hư hỏng hoàn toàn. Nhiều tuyến đường giao thông tỉnh lộ, huyện lộ bị lũ tràn phá hoại nặng có 54.952 m3 đất bị sạt lở, 23 cầu, 6 cống hư hỏng, 242.243 m2 mặt đường bị xói lơ, nhiều công trình phụ trợ bị hư hỏng. Tổng thiệt hại ban đầu ước tính trên 378,6 tỷ đồng.

Theo BCH PCLB – TKCN tỉnh Phú Yên, do mưa lớn ở thượng nguồn, lúc 7g30 ngày 8/11, các hồ thủy điện Sông Hinh và sông Ba Hạ tiếp nhận lũ về với lưu lượng 1.616m3/s, tăng hơn 300m3/s, đồng thời xả lũ với tổng lưu lượng gần 1.500m3/s, tăng khoảng 400m3/s so với lúc 13g ngày 7/11.

Nước ngập đoạn từ UBND xã An Hòa đi thôn Nhơn Hội, có đoạn sâu 0,5 mét, người dân, học sinh qua lại xe bị tắt máy - Ảnh: T.TRỰC
Nước dâng nhanh, nhiều điểm bị cô lập hoàn toàn

Hiện thượng nguồn tiếp tục có mưa to, lượng mưa trung bình từ 1,5 – 54mm, cộng với mưa lớn ở hạ du làm cho mực nước các sông tiếp tục dâng: tại Ayun Pa là 151,48m; sông Ba tại Củng Sơn là 29,68m; Phú Lâm là 0,88m. Mực nước các sông ở mức xấp xỉ báo động cấp I. Những vùng trũng thấp tiếp tục bị ảnh hưởng bởi nước lũ từ thượng nguồn đổ về, gây chia cắt và ách tắc giao thông nhiều nơi. Nhiều nơi phải dùng xuồng máy để vận chuyển người và khiêng phương tiện.

Tại địa bàn các huyện: Đồng Xuân, Tây Hòa, Phú Hòa, Thị xã Sông Cầu bị ngập nặng, nhiều khu dân cư bị chia cắt, một số đoạn giao thông bị sạt lở nghiêm trọng. Nhiều trường đã phải cho học sinh nghỉ học, đồng thời bố trí người, phương tiện di chuyển các em đến địa điểm an toàn tránh lũ.

Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh chỉ đạo tăng cường kiểm tra đến tận xã, phường thực hiện công tác ứng phó: Thường xuyên thông báo, tổ chức lực lượng thanh niên xung kích, dân quân giúp dân đưa hàng hóa, tài sản, vật tư, lương thực, lúa giống đến nơi an toàn; sẵn sàng sơ tán dân khỏi các vùng bị uy hiếp ngập lụt, sạt lở; nghiêm cấm đò ngang, đò dọc hoạt động; bố trí lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn ở các vùng có khả năng xảy ra triều cường, ngập sâu và nghiêm cấm nhân dân vớt củi trên các sông, suối… 

Trong 24 giờ tới do ảnh hưởng của rìa phía nam áp cao lạnh lục địa tăng cường yếu, kết hợp nhiễu động của đới gió đông trên cao, trường gió Đông bắc có cường độ trung bình đến mạnh, tỉnh Phú Yên tiếp tục có mưa to đến rất to. Do vậy, nước lũ sẽ tiếp tục dâng cao và chia cắt nhiều khu dân cư ở 2 tỉnh Bình Định, Phú Yên

Trọng Nguyễn - Minh Quang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.