Chỉ một tuần sau, tới ngày 29/11 bà lại tái đắc cử vị trí này và bắt đầu dẫn dắt nội các mới của đất nước Bắc Âu vốn nổi tiếng về bình đẳng giới.
Như vậy chỉ trong vòng một tuần lễ, Quốc hội Thụy Điển đã thực hiện một việc hi hữu là hai lần bỏ phiếu chỉ cho một người làm thủ tướng. Sự kiện này càng thêm ấn tượng khi bà Andersson cũng kịp ghi dấu ấn lịch sử khác vào ngày bà đắc cử tuần trước khi trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thụy Điển trong 100 năm qua kể từ khi phụ nữ được đi bỏ phiếu.
Tuy nhiên, vì đảng Dân chủ Xã hội do bà lãnh đạo không thể lập được liên minh trong Quốc hội nên bà đã phải từ chức thủ tướng chỉ 12 tiếng sau khi được bầu. Với lần tái đắc cử này, bà Andersson cũng sẽ phải đối mặt với thách thức tương tự lần từ chức chóng vánh trước khi thành lập một chính quyền thiểu số chỉ bao gồm đảng Dân chủ Xã hội.
Việc đảng Dân chủ Xã hội chỉ chiếm 100 ghế trong Quốc hội 349 ghế sẽ khiến chính phủ của bà Andersson phải dựa vào sự hỗ trợ của một số đảng khác để thực thi các chính sách của chính phủ. Trước khi có thể bắt đầu công việc này thì tân Thủ tướng Thụy Điển cần phải lập nội các và trình lên Quốc vương Carl XVI phê chuẩn để chính thức đi vào hoạt động.
Thụy Điển cũng như các nước Bắc Âu vốn có tỷ lệ bình đẳng giới trong chính quyền tốt nhất trên thế giới, nhưng bà Magdalena Andersson lại là người phụ nữ đầu tiên tại nước này giữ cương vị thủ tướng.
Con đường chính trị của bà bắt đầu từ năm 1996 với tư cách cố vấn cho Thủ tướng Goran Persson. Sau đó bước ngoặt xuất hiện vào năm 2014 khi bà được đề cử giữ chức Bộ trưởng Tài chính dưới thời Thủ tướng tiền nhiệm Stafan Lofven.
Việc nắm ghế phụ trách tài chính trong nội các của bà Andersson trước đây cũng được coi là trường hợp đặc biệt, vì các bộ trưởng nữ tại Thụy Điển thường phụ trách các lĩnh vực liên quan đến gia đình, trẻ em, xã hội việc làm hay các vấn đề phụ nữ. Một phần cho sự khác biệt này là do bà đã từng là Phó Tổng Giám đốc Cơ quan Thuế của Thụy Điển, trước khi trở thành phát ngôn viên về chính sách kinh tế của đảng Dân chủ Xã hội năm 2012.
Con đường dẫn dắt một chính phủ của bà Andersson không chỉ gặp sóng gió ngay từ việc thiết lập liên minh, mà còn được dự đoán sẽ có không ít trở ngại phía trước vì Thụy Điển đang trong giai đoạn có nhiều thách thức. Trong số đó có làn sóng bạo lực băng đảng và các vụ xả súng xuất hiện ở cả vùng ngoại ô vốn yên bình của thủ đô Stockholm cũng như các thành phố lớn khác.
Bên cạnh đó, Covid-19 cũng phơi bày nhiều vấn đề trong hệ thống phúc lợi công và y tế của Thụy Điển, cũng như cách ứng phó với đại dịch khi tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong của nước này cao hơn so với các nước láng giềng trên bán đảo Scandinavia.
Ngoài ra, di sản để lại từ người tiền nhiệm cả trong chính phủ lẫn lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội là cựu Thủ tướng Stefan Lofven cũng không mấy dễ chịu. Ông đã phải từ chức sau khi thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội. Những điều này khiến giới quan sát nhận định nhiệm kỳ sắp tới của nữ Thủ tướng đầu tiên của Thụy Điển sẽ không ít biến động.