Không có bất cứ cảnh báo cũng không có các thỏa thuận mang tính toàn cầu, Ngân hàng quốc gia Thụy Sĩ đã hủy bỏ những ràng buộc giữa đồng tiền của họ với euro - một cuộc cách mạng trong lĩnh vực tiền tệ, đồng Franc bất ngờ tăng 17%.
Tái định hình trật tự thế giới
Các đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos năm nay không ngờ đạt tới mức kỷ lục - 2.500 doanh nhân cao cấp và các chính trị gia đến từ 140 nước. Họ đến Davos cùng với những lo ngại về gia tăng khủng bố toàn cầu, hậu quả của căng thẳng địa chính trị và nỗi sợ hãi về cuộc khủng hoảng của hệ thống tiền tệ thế giới.
Với chủ đề “Tái định hình trật tự thế giới: Những tác động lên xã hội, chính trị và kinh tế”, nội dung bàn luận tại Davos năm nay chủ yếu xoay quanh những vấn đề mà thế giới gặp phải do tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của khoa học – công nghệ, sự biến đổi xã hội và thay đổi trật tự kinh tế toàn cầu.
Ông Nariman Behravesh, chuyên gia kinh tế nổi tiếng của Công ty tư vấn IHS Global khẳng định: “Thế giới trong quan hệ kinh tế đang bị phá vỡ và cần phải quản lý quá trình này để ngăn chặn sự xuất hiện của nhiễu loạn”. Một bức tranh toàn cảnh về thế giới tài chính được trình bày vào ngày thứ Năm (22/1) đã làm thay đổi hệ thống phân cấp giữa các quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới.
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và Ấn Độ cũng như sự sụt giảm đáng kể của nền kinh tế Nga - hậu quả của chiến tranh lạnh đang là mối quan tâm lớn nhất. Chính vì vậy, các nhà phân tích cho rằng, Davos lần này phải lập lại trật tự kinh tế thế giới. Ngày thứ Tư (21/1) ở độ cao 1.500 m trên núi Alps, 40 nguyên thủ quốc gia và thủ tướng các chính phủ cùng các nhà doanh nghiệp hàng đầu của thế giới bắt đầu tranh luận về vấn đề này.
Hai giải pháp lựa chọn cơ bản
Theo ông Klaus Schwab - người khởi xướng của Davos, để tái định hình một trật tự kinh tế, thế giới có 2 giải pháp lựa chọn: Tập trung lại hoặc tách rời ra. Không thể phủ nhận nền kinh tế thế giới đã có những thay đổi ngoạn mục.
Tuy nhiên, chỉ có 4 cường quốc đứng đầu thế giới trong bảng xếp hạng toàn cầu năm ngoái gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức là không có sự thay đổi. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khá tự tin khi lần đầu tiên xuất hiện tại Davos, lại được trao vinh dự khai mạc cuộc gặp gỡ cấp cao.
Mặc cho có những dự báo khá ảm đạm, kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng mạnh. Trong bảng xếp hạng toàn cầu, khoảng cách giữa GDP của Trung Quốc và Mỹ đã giảm đáng kể so với năm 2013. Tuy nhiên, theo các chuyên gia của IHS Beravesha thì tăng trưởng của Trung Quốc trong mấy thập kỷ qua chủ yếu được sự hỗ trợ của các khoản vay và như vậy, tăng trưởng của Trung Quốc đang phải đối mặt với độ mạo hiểm cao. Kinh tế Đức giữ vững vị thế của họ trên bảng xếp hạng của thế giới.
Đến Davos lần này, Thủ tướng Đức Angela Merkel mang theo số các nhà doanh nghiệp kỷ lục đến Davos. Davos là sân chơi mới đối với Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Anh David Cameron. Cameron đến Davos với niềm hứng khởi bởi nước Anh vừa “đẩy” Pháp xuống hàng thứ 6 để giành vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng của thế giới.
Nói tóm lại, những diễn biến khó lường trong thời gian gần đây khiến các nhà hoạch định chính sách phải nhanh chóng thiết lập lại trật tự kinh tế của thế giới. Những bất ổn về chính trị, sự sụt giảm của giá dầu, ảnh hưởng của đại dịch và hiệu quả từ các gói kích thích tăng trưởng đều là những yếu tố có ảnh hưởng quyết định đến bức tranh kinh tế của thế giới năm 2015.