Sáng 27/12, trời mưa sùi sụt. Bầu trời Nam Định nặng trĩu. Nhưng triển lãm Hội họa Trần Trung Kỳ vẫn được khai mạc tại Bảo tàng TP Nam Định đúng thời điểm đã định.
![]() |
Lặng lẽ, giản dị thôi, mà xúc động bởi tất cả những người đến dự đều hòa quyện trong một nỗi buồn vô tận.
Chúng tôi gặp thầy giáo trẻ Nguyễn Minh Cường cùng các em sinh viên Mỹ thuật của Trường CĐSP Nam Định đang lặng ngắm những bức tranh cuối cùng của “bậc trưởng lão” Trần Trung Kỳ mới vẽ tháng 8/2014 với ánh nhìn thân thương và tiếc nuối.
Anh Cường tâm sự: "Tôi không được học bác Kỳ nhưng có may mắn được gần gũi bác, được bác chỉ bảo nhiều về tư tưởng, đường hướng sáng tác. Bác khuyên chúng tôi hãy sống thật với mình khi vẽ, hãy vẽ tất cả những gì giản dị xung quanh mình mà mình thấy đẹp.
Đặc biệt, bác chấp nhận mọi phong cách của thế hệ sau, dù là hiện thực hay biểu hiện, trừu tượng. Tôi vẫn coi bác như là Google sống vậy, cần gì cũng có thể hỏi, và hỏi là được thỏa mãn. Bác là một tấm gương lao động nghệ thuật với thầy trò chúng tôi".
Họa sĩ George Burchett - con trai của nhà báo nổi tiếng Wilfred Burchett - bằng tình yêu đắm đuối với Việt Nam suốt 20 năm qua, đã nhận xét: Tôi thấy các bức tranh của họa sĩ Trần Trung Kỳ rất gần gũi, rất Việt Nam, cả về kỹ thuật và chủ đề, dù đó là lụa hay sơn dầu, bột màu… Đó cũng chính là hồn cốt của người nghệ sĩ.
Còn vợ ông - họa sĩ Ilza Burchett - trong niềm xúc cảm chung vẫn nhận ra hồn thơ, chất thơ, và đặc biệt là chất nhà giáo trong các tác phẩm của họa sĩ Trần Trung Kỳ bởi dù là vẽ với bút pháp trừu tượng hay hiện thực thì vẫn hướng cho người xem tới cái đẹp thị giác và mang lại cho họ cảm giác gần gũi.
Họa sĩ – nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Quân - nhận định: "Có gì đó rất ân cần, rất nhẫn chịu, rất ngu ngơ trong mọi bức tranh. Có gì đó chỉn chu, gọn gàng, sáng tỏ trong các bố cục. Đồng thời cũng có những biến động day dứt và những đột phá tự mình trong thế giới nghệ thuật, những cú tung chưởng giữa những chân trời nghệ thuật xem trời cao hay thấp, đất ngắn hay dài.
Bút pháp của anh thay đổi từng thập niên, những cuộc giang hồ không phiêu lưu lắm từ hiện thực, ấn tượng tới lập thể, biểu hiện và siêu thực không phải để thể nghiệm phá phách mà chỉ như người làm vườn từ bụi cây leo này, luống rau này sang khóm hoa kia mà được cái yên chí, cái niềm vui biết được vườn nhà có những cái gì”.
Đặc biệt, những bức tranh ông vẽ trong ngày tháng cuối cùng của căn bệnh hiểm nghèo, lại thêm nỗi vợ mất vì tai biến não, thì tranh ông vẽ càng như một sự bứt phá trong cuộc chạy marathon nghệ thuật đến hồi nước rút, quặn thắt và thăng hoa.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Tuấn - một trong những người tham gia tổ chức triển lãm này - chia sẻ: Tôi nghĩ rằng, sự lặng lẽ, cống hiến của họa sĩ Trần Trung Kỳ đến từ một tâm hồn rất trong lành và tinh tế, tự biết bản thân và tự tạo sự phong phú cho đời sống của ông. Ông hiểu và nắm bắt sự thay đổi của nghệ thuật và thế giới xung quanh, nhưng đủ bình tĩnh và khiêm nhường để chọn một góc nghệ thuật cho riêng mình.
Phải rồi, cái đằm thắm, thầm lặng và giản dị đó là trạng thái tinh thần cá nhân của nhà giáo - họa sĩ Trần Trung Kỳ, nhưng nó đánh động tâm thức nhiều người, như nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng khẳng định.
Một đời vẽ, chỉ một lần duy nhất triển lãm cá nhân, lần đầu tiên và cũng là cuối cùng, như thế, cũng đáng để nhiều người phải suy nghĩ.
Họa sĩ Trần Trung Kỳ sinh năm 1939, tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam) năm 1975, nguyên là giáo viên Trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hà Nam Ninh, nay là Trường Văn hóa Nghệ thuật Nam Định.