Một bộ trưởng ngồi đăm chiêu

Khi những ý kiến quyết liệt phản đối việc bỏ tội danh cố ý làm trái được phát biểu trước Quốc hội, một nhà báo đã tinh ý phát hiện Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, cũng có mặt ở nghị trường, ngồi đăm chiêu nghiên cứu tài liệu và không đăng ký phát biểu.

Một bộ trưởng ngồi đăm chiêu

Khi ấy, ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền đang rất hùng hồn, rằng “nếu phi hình sự hóa tội cố ý làm trái thì những cán bộ đang thụ án về tội này được tha hết”. 

Ông thậm chí đặt vấn đề: Bỏ có phải để “giải cứu” cho cán bộ mắc tội này ra tù? ĐBQH Vũ Xuân Trường cũng cho rằng không thể thay thế tội cố ý làm trái bằng 9 tội khác được. 

Thực tế đã đang truy tố xét xử rất nhiều người tội danh này và nếu thay thì mặc nhiên những người đang thi hành án sẽ được đình chỉ tha tù thậm chí còn được xét bồi thường.

Có thể tin vào thực tiễn của ông Trường, một lãnh đạo VKSND ở Thái Bình. Lại không thể phủ nhận trình độ cũng như sự quyết liệt của ông Thuyền - một vị Ủy viên Ủy ban Pháp luật nổi tiếng là thẳng thắn. 

Nhưng thật ra, cái lý còn lớn hơn nguy cơ hay dư luận là không thể để tồn tại một điều luật giống như cái rọ, hình sự hóa tất tật những hành vi không chứng minh được tính vụ lợi.

Tại kỳ họp thứ 9, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã thẳng thắn đề nghị bỏ tội “cố ý làm trái”. Hôm ấy, ông nói rất hăng say về tư tưởng đổi mới trong hiến pháp. Hôm ấy, ông kiên định với quyền tự do kinh doanh. 

Hôm ấy ông thật thà về nỗi lo sợ của các doanh nhân khi mà tình trạng hình sự hóa vẫn là một rào cản lớn đối với đổi mới sáng tạo. Và hôm ấy, ông đề xuất bỏ tội danh này bởi “không thể vì một người, một hành vi nào đó mà đưa ra một tội danh ảnh hưởng tới số đông”. 

Bởi các luật về kinh tế có thoáng bao nhiêu chăng nữa mà luật hình sự bó chặt lại thì cũng không thể làm gì được cả.

Và sau đó, ông ĐBQH Nguyễn Doãn Khánh cũng nói thật về “thực tế trong nhiều trường hợp không làm rõ được tính vụ lợi thì chúng ta vẫn phải sử dụng tội này”. 

Một phiên họp có tranh luận với những quan điểm thậm chí là đối lập, rõ ràng là một phiên họp thành công. Chỉ có điều, cải cách thì phải cải cách cho trót chứ không thể nửa vời vì lo “nhân dân nói” hay lo những hậu quả phức tạp có thể xảy ra.

Nhân dân có thể không phải ai cũng có trình độ đại học luật, nhưng họ có thực tiễn để phân biệt được đâu là “giải cứu” cho cán bộ, đâu là gây oan sai cho những hoạt động thật ra là đi trước hoặc nằm ngoài các quy phạm cấm của pháp luật hiện tại.

Theo laodong.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ