Khi châu Âu giảm dần việc mua khí đốt Nga, Moscow phải lập tức đề ra những bản kế hoạch mới để bán nhiên liệu của mình trên thị trường nước ngoài.
Theo các nhà quan sát phương Tây, Nga đã nghĩ ra một cách cực kỳ thú vị, cho phép nước này cung cấp các mặt hàng năng lượng của mình cho người mua, bất chấp những hạn chế từ các quốc gia phương Tây.
Nhận định trên được đưa ra bởi ấn phẩm Oilprice, các nhà phân tích của ấn bản Mỹ đánh giá: “Moskva đang trở nên sáng tạo hơn trong cách bán nhiên liệu của mình”.
Nga đang nỗ lực tìm thị trường tiêu thụ khí đốt thay thế các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu |
Vào cuối tháng 11, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Kazakhstan Kassym - Jomart Tokayev đã thảo luận về việc thành lập một liên minh khí đốt ba bên, bao gồm cả Uzbekistan.
Mặc dù Kazakhstan và Uzbekistan có trữ lượng khí đốt tự nhiên đáng kể nhưng họ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt do nhu cầu ngày càng tăng. Ý tưởng của Moskva là bù đắp thâm hụt bằng hàng nhập khẩu từ nước mình. Đề xuất trên vẫn đang được thảo luận và thái độ của các bên là khá nghiêm túc.
Nga cũng đang xem xét khả năng xây dựng các đường ống mới dẫn đến những quốc gia Trung Á. Các cơ sở mới sau này có thể được kết nối với TAPI - một đường ống dẫn khí đốt đang được xây dựng, sẽ nối Turkmenistan với Afghanistan, Pakistan và Ấn Độ.
Các chuyên gia của tờ OilPrice cho biết: “Những cuộc trò chuyện giữa các quan chức Nga và Trung Á cho thấy rằng thị trường khí đốt khu vực đang được cấu hình lại một cách nghiêm túc".
Ngoài ra, các nước còn có kế hoạch xây dựng một đường ống dẫn khí đốt khác giữa Iran và Pakistan. Là một phần của dự án này, giới phân tích cho rằng khí đốt của Nga sẽ được cung cấp cho Iran thông qua Azerbaijan hoặc Turkmenistan, và sau đó được gửi đến Pakistan.
Tuy nhiên trong trường hợp nói trên, đường ống vừa đề cập sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh của TAPI và không biết liệu Turkmenistan có sẵn sàng đóng góp vào việc thực hiện bản kế hoạch như vậy hay không.
Mặc dù vậy, các động thái của Nga vẫn có khả năng dẫn đến một sự chấn động lớn trên thị trường khí đốt tự nhiên ở Trung Á.
Những quốc gia phương Tây càng áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt, Moskva càng nghĩ ra nhiều cách sáng tạo hơn để lách chúng.
Nhưng bên cạnh đó, không thể bỏ qua phản ứng mà Mỹ cũng như các cường quốc có thể đưa ra nếu những quốc gia Trung Á hợp tác với Nga trong việc xuất khẩu khí đốt.
Biện pháp trừng phạt tương tự Đạo luật CAATSA mà Mỹ áp dụng đối với những khách hàng mua vũ khí Nga nhiều khả năng sẽ xuất hiện cả trong lĩnh vực năng lượng.