Hôm qua (25/11), Tổ công tác điều tra về sự cố mất điện tại Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh (ACC HCM) đã chính thức được thành lập. Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không VN cho biết, thành phần tham gia tổ công tác gồm lãnh đạo Cục Hàng không VN, Cục An ninh kinh tế tổng hợp (A85, Bộ Công an), lãnh đạo Tổng Công ty Quản lý bay VN và một số đơn vị tham gia hỗ trợ gồm Viện Điện - Điện tử - Tin học TP Hồ Chí Minh. “Chúng tôi sẽ kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc và có báo cáo kết quả với Bộ GTVT trước ngày 10/12”, ông Thanh nói.
Để chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác điều hành, quản lý hoạt động bay, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng yêu cầu thành lập ngay hội đồng do ông Trần Văn Lâm, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GTVT) làm Chủ tịch Hội đồng để đánh giá lại toàn bộ chất lượng nguồn nhân lực từ Chủ tịch, Tổng Giám đốc đến các nhân viên của Tổng công ty Quản lý bay VN. Theo đó, toàn bộ nhân viên yếu kém của Tổng công ty Quản lý bay phải cho nghỉ việc ngay. Số có chất lượng trung bình sẽ cho đào tạo lại trong thời gian nhất định, nếu không được sẽ chấm dứt hợp đồng.
Qua sự việc chưa từng có tiền lệ xảy ra tại ACC HCM, Bộ trưởng Thăng cũng kiên quyết yêu cầu các đơn vị trong ngành Hàng không phải nghiêm túc tuân thủ các quy định, quy trình về an toàn khai thác tàu bay, xử lý triệt để các nguyên nhân gây mất an toàn bay và không để xảy ra sự cố tương tự vì bất cứ lý do nào.
“Tôi yêu cầu lãnh đạo Cục Hàng không VN, Tổng Công ty Quản lý bay VN phải kiểm điểm rõ trách nhiệm trong việc này và phải đình chỉ ngay công tác của tất cả những người có liên quan đến sự cố. Nếu cần thiết sẽ tiến hành xử lý hình sự đối với người trực tiếp gây ra sự cố để xác định đây có phải là hành vi cố tình phá hoại hay không”, Bộ trưởng yêu cầu.
Trước đó, trưa 20/11, một sự cố chưa từng xảy ra trong lịch sử hàng không thế giới khi ACC HCM bị mất điện trong thời gian 31 phút (11h05 - 11h36). Vào thời điểm trên, trong vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR Hồ Chí Minh) đang có 54 máy bay hoạt động, 8 chuyến chuẩn bị hạ cánh và 92 máy bay vào vùng thông báo bay. Khi sự cố xảy ra, Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất không còn khả năng tiếp thu các chuyến bay đi/đến và ảnh hưởng đến nhiều chuyến bay qua vùng FIR Hồ Chí Minh.
Nguyên nhân của vụ việc được ông Đinh Việt Thắng, Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay VN khẳng định là do lỗi chủ quan. Cụ thể, do những thao tác kỹ thuật sai lầm nghiêm trọng vào hệ thống lưu điện (UPS) của ông Lê Trí Tình (nhân viên kíp trực điện nguồn thuộc Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật Công ty Quản lý bay miền Nam) khiến toàn bộ hệ thống điện cung cấp cho ACC HCM tê liệt hoàn toàn.