Vì vậy, việc tiếp nhận, chia sẻ các mô hình phát triển đào tạo tiên tiến nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng đối với Việt Nam là hết sức cần thiết.
Phát triển tư duy hội nhập
Dự án KOSEN Việt Nam được thực hiện trong 4 năm với mục tiêu: Giáo dục an toàn, đào tạo sự sáng tạo, nghiên cứu tốt nghiệp, giáo dục thiết kế kỹ thuật, đào tạo tích cực, học tập... Ngoài ra các trường cũng tự chủ động thực hiện chương trình, kết nối với các khu sản xuất lân cận các trường (công ty địa phương, công ty vốn Nhật Bản) phục vụ cho mục đích việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp; liên kết giữa nhà trường và các doanh nghiệp, công ty.
Tóm tắt về dự án, GS Kazuhide Sugimoto, chuyên gia của KOSEN cho biết, thông qua mô hình đào tạo KOSEN để lồng ghép nội dung hướng nghiệp, từ đó đảm bảo 100% học sinh tốt nghiệp có việc làm, đồng thời giảm tỷ lệ thôi việc. Để đạt được điều này, dự án sẽ tập trung vào các giải pháp gắn đào tạo với việc làm, bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ giáo viên, giảng viên của Việt Nam và trao đổi học sinh, giáo viên hai nước. Dự án cũng đồng thời đề cập đến việc lựa chọn các trường tại Việt Nam để thí điểm đào tạo mô hình KOSEN.
Đề xuất về triển khai mô hình KOSEN tại Việt Nam, TS Phạm Quang Vinh - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long chia sẻ: “Bên cạnh những trường cao đẳng, cần triển khai, áp dụng mô hình đào tạo KOSEN cho các trường trung cấp, bởi vì đầu vào đối với các trường trung cấp hiện nay tập trung nhiều vào đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS. Mong rằng Bộ LĐ-TB&XH và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sớm có văn bản hướng dẫn để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện triển khai áp dụng mô hình này”.
Đẩy mạnh hợp tác
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân cho biết, khi đảm nhận chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, vấn đề Bộ LĐ-TB&XH luôn quan tâm, trăn trở là làm sao để các trường trung cấp, cao đẳng thu hút được người học, đào tạo không những đáp ứng yêu cầu cơ bản của một nghề mà còn có khả năng tiếp cận và vận dụng vào giải quyết vấn đề, tạo dựng nền tảng để phát triển tư duy hệ thống, năng lực sáng tạo, năng lực giải quyết vấn đề.
Thứ trưởng Lê Quân cho rằng, sự hợp tác và áp dựng mô hình KOSEN sẽ giải quyết được vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và góp phần phân luồng hiệu quả. Vì vậy, cần đẩy mạnh hợp tác và đào tạo theo mô hình KOSEN nhằm đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam. Bên cạnh chuyển giao mô hình đào tạo còn có kết hợp để học sinh, sinh viên theo học tại một trường tại Việt Nam tham gia một phần đào tạo tại trường ở Nhật Bản.
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Nguyễn Hồng Minh, mô hình đào tạo KOSEN đáng để Việt Nam học hỏi bởi mô hình này có nhiều điểm ưu việt, thể hiện ở chỗ học sinh đầu vào tốt nghiệp THCS, đào tạo gắn với doanh nghiệp, cấp bằng cao đẳng, đặc biệt là 100% học sinh tốt nghiệp có việc làm. Đây là mô hình giúp công tác phân luồng và phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp có hiệu quả.