(GD&TĐ) - Thông tin Việt Nam đã chính thức được bầu chọn làm thành viên Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016 trong cuộc bỏ phiếu diễn ra tại trụ sở của Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại New York, Mỹ vào sáng 13/11 (theo giờ Việt Nam), với số phiếu cao nhất đã nhanh chóng lan tỏa một bầu không khí vui mừng, phấn khởi đối với nhân dân cả nước.
Trước khi trở lại vấn đề này, xin được bắt đầu bằng hai chữ “nhân quyền” vốn rất thiêng liêng đối với mỗi một con người, một cộng đồng, một quốc gia trên toàn thế giới.
Ngày 2/9/1945 trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước cuộc mít tinh lớn của hàng chục vạn nhân dân thủ đô thuộc đủ các tầng lớp, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập.
Bản tuyên ngôn đã thuyết phục hàng triệu trái tim bởi một ý nghĩa rất sâu sắc, rất căn bản, đó là vấn đề về nhân quyền, dân quyền và chân lý: Không có gì quý hơn độc lập, tự do!
Phải chăng, vì nhân quyến, vấn đề sống còn của mỗi dân tộc ấy, mà chiến sĩ ta, đồng bào ta đã phải đánh đổ bao máu xương, đẩy lùi bao nhiêu thế lực đen tối. Đất nước hòa bình, độc lập, Đảng và nhà nước ta không chỉ quan tâm tới phát triển kinh tế mà còn ưu tiên cho phát triển văn hóa, xã hội và quyền được mưu cầu hạnh phúc, phát triển tư chất cá nhân của mỗi người…
Công cuộc cải cách hành chính đất nước để phục vụ tốt nhất cho nhu cầu dân sinh, giảm mọi thủ tục phiền hà để làm điều có lợi cho dân cũng là biểu hiện rõ nhất của vấn đề ưu tiên đảm bảo về mặt nhân quyền của con người lên hàng đầu.
Nhưng trong quá trình thực hiện đường lối tốt đẹp mà thế hệ ông cha vạch ra, Đảng và Bác đã soi đường, vạch lối, có không ít cán bộ thừa hành không thắng nổi cám dỗ cá nhân tầm thường, đi tới thoái hóa, biến chất đã chà đạp lên cả lợi ích của đồng bào, đồng chí, để xảy ra không ít hậu quả khôn lường. Lại có một bộ phận lợi dụng hai chữ “nhân quyền” mà vu khống, bóp méo sự thật, làm ảnh hưởng tới lợi ích của cả quốc gia.
Chính vì những lẽ trên đây, việc Việt Nam là một trong 4 quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương được bầu vào Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc với số phiếu ủng hộ cao nhất (184/193 phiếu) có một ý nghĩa vô cùng lớn lao, đã thể hiện sự tín nhiệm, đánh giá và ghi nhận cao của cộng đồng quốc tế đối với nỗ lực của cộng đồng trong bảo vệ và thúc đẩy quyền của con người, giúp Việt Nam có thêm cơ hội để chia sẻ nhân quyền của mình; tiếp thu kinh nghiệm quốc tế một cách chọn lọc để phát triển cao hơn vấn đề nhân quyền, đóng góp tích cực hơn nữa vào hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Hay nói như Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh: “Điều này cho thấy sự ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong công cuộc Đổi mới toàn diện, trong đó có việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát huy dân chủ và bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền của người dân.
Trong nhiều năm qua, có thể nói, mọi thành tựu của đất nước đều hướng tới người dân. Thậm chí, phát triển kinh tế có lúc gặp khó khăn, nhưng việc thực hiện các Mục tiêu phát triển của LHQ luôn được thực hiện tích cực, mạnh mẽ, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân.”.
Hồng Thúy