Miền Trung: Cần lắm những tấm lòng

Miền Trung: Cần lắm những tấm lòng

Chứng kiến những thiệt hại vô cùng to lớn do trận lũ kép gây ra, tận mắt thấy tinh thần kiên cường chiến đấu với thiên tai của nhân dân miền Trung yêu dấu, và tình cảm tương thân, tương ái của đồng bào cả nước hướng về khúc ruột miền Trung đã làm cho chúng tôi ấm lòng và tin tưởng cuộc sống của nhân dân vùng “rốn lũ” đang, sẽ hồi sinh sau lũ dữ.

Hồi sinh sau lũ

Qua cầu Bến Thủy, chạm vào Nghi Xuân, lên Đức Thọ, rẽ sang Vũ Quang, đến Hương Khê (Hà Tĩnh), vào Bố Trạch (Quảng Bình) cơn lũ đã rút, nhưng dấu vết của nó còn để lại trên những đoạn đường bị sạt lở nghiêm trọng, những cầu cống bị đứt, trôi, những ngấn nước trắng xóa trên cỏ cây, vách núi, những cánh đồng bạc trắng, những vành tang trắng, những khuôn mặt hốc hác, xanh xao vì phải đương đầu với hai trận lũ chưa từng thấy trong lịch sử. Dọc đường  không thể đếm hết được các đoàn tài trợ từ khắp cả nước tìm về “rốn lũ”. Xe men theo con đường đến Phương Mỹ, Phương Điền, Hương Thủy… (Hương Khê), Sơn Long, Sơn Thịnh (Hương Sơn), Đức Bồng, Đức Lĩnh… (Vũ Quang) với sách, vở, bút, giấy, mì tôm, mắm muối, áo quần và một số trang thiết bị khác. Xe của chúng tôi vất vả mới tìm về được Trường THCS Bồng Lĩnh. Tại đây, những con thuyền đang nằm trên sân trường. Sân trường đầy bùn đất, các phòng học vẫn còn ngấn nước, sách vở, đồ dùng thiết bị thứ bị lũ cuốn trôi, thứ bị hư nát đang được thu gom, nhặt nhạnh và phơi phong. Nhà công vụ GV cũng vẫn còn ngấn bùn đến gần trần. Nhưng cán bộ, GV và học sinh đã bắt đầu buổi lên lớp đầu tiên với tinh thần của Sơn Tinh chống lũ. Tại Trường MN Đức Lĩnh 1, các cô giáo và đoàn tình nguyện đang nỗ lực nạo vét bùn đất, làm vệ sinh để một tuần nữa đón các cháu đến trường. Nhân dân dọn về sau lũ, bắt đầu dọn dẹp nhà cửa. Những ngôi nhà bị sập, vườn tược tan hoang, người dân đã bắt tay cải tạo.

Niềm vui được nhận sách vở mới
Niềm vui được nhận sách vở mới. ảnh gdtd.vn

Chúng tôi đến Phương Mỹ, bà con 6 xóm bị ngập nặng đến ngày 25-10 mới trở về nhà, nhặt nhạnh cốc chén, moi tìm những vật dụng vùi trong bùn đất, tìm lại bàn thờ tổ tiên bị mất vv... Đâu đâu cũng hối hả một không khí lao động khẩn trương khắc phục hậu quả bão lụt…Nhưng ở những vùng rốn lũ như Phương Điền, Phương Mỹ, Hương Thủy, Đức Lĩnh, Đức Bồng, Sơn Phúc.v.v… hàng trăm ngôi nhà dân bị ngập mái,  tất cả vật dụng bị nhấn chìm trong lũ. Hiện tại những gói mì tôm, những cân gạo, bát cơm, những tấm áo, manh quần đã làm ấm lòng nhân dân vùng lũ, nhưng so với tổn thất...Biết bao giờ mới khắc phục được? TS Nguyễn Danh Bình - TBT Báo GD&TĐ sau khi từ Hà Tĩnh và Quảng Bình trở ra đã lặng đi: “Thiệt hại thật không thể tưởng tượng được. Nhân dân ở đây đang rất cần những tấm lòng chia sẻ”.

Những nghĩa tình ấm lòng người vùng lũ

Khi đoàn cứu trợ trao những cuốn vở, những chiếc bút, xếp giấy từ gom góp của những tấm lòng hảo tâm cho HS Trường THPT Cù Huy Cận, THCS Bồng Lĩnh (Vũ Quang, Hà Tĩnh), các em reo lên: “Có giấy, bút rồi”. Chứng kiến những em học sinh Trường THCS Hưng Trạch, Bố Trạch (Quảng Bình) rạng rỡ nụ cười khi giở trang sách giáo khoa đọc, chúng tôi thấy thật xúc động. Nhưng phần tài trợ ở đây chỉ rất nhỏ nhoi so với yêu cầu. Ông Nguyễn Khắc Hào – GĐ Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết sau lũ, HS Hà Tĩnh cần 170.000 bộ sách và theo đ/c Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình, thì Quảng Bình  cần đến trên 100.000 bộ sách. Địa phương, các Sở GD-ĐT sẽ huy động nhiều nguồn, nhưng số lượng cần đến thật quá lớn. Được biết Bộ GD-ĐT đã triển khai kế hoạch đảm bảo cho tất cả các cháu HS vùng lũ có đầy đủ SGK để học tập một cách sớm nhất. Tuy nhiên, ở đây vẫn rất cần sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm. Chỉ có điều việc hỗ trợ SGK nên thông báo cho Văn phòng Bộ GD-ĐT để có sự điều phối tránh lãng phí. Đến Đức Bồng, Đức Lĩnh sau khi phát 80 suất quà cho nhân dân, nhiều cụ già đã rưng rưng trước tấm lòng của nhà hảo tâm. Cụ Nguyễn Thị Lý (78 tuổi, xã Đức Lĩnh) cầm trong tay tấm áo, chai nước mắm đã không giấu nổi vui mừng: “Lụt nhà tui sắp lút nóc. Nhà chỉ còn hai ông bà tra. Không có chi nữa trơn. Cảm ơn các bác, các anh đã nghĩ tới!”. Nhưng, chúng tôi được biết, còn nhiều gia đình lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, nhiều gia đình ở vùng rốn lũ như Phương Mỹ, Phương Điền, Hương Thủy (Hương Khê), Sơn Phúc, Sơn Mai, Sơn Thủy, Sơn Thịnh (Hương Sơn), Đức Bồng, Đức Lĩnh (Vũ Quang) đang rất cần những manh áo, tấm quần, chăn chiếu và nhiều vật dụng sinh hoạt khác.

Phải rất vất vả, vượt qua nhiều đoạn đường lầy lội, nhiều chiếc cầu mỏng mảnh, nhiều quãng đi vòng vèo, đoàn đã đến được nhà cô giáo Trần Thị Hoa (GV MN Hương Thủy, Hương Khê) bị mất trong lũ. Nhà cửa xơ xác tiêu điều. Hai cháu buồn thiu vì mồ côi mẹ, người chồng góa vợ bắt đầu cảnh gà trống nuôi con. TBT Nguyễn Danh Bình dành một khoản tiền riêng (ngoài tiền của nhà tài trợ) để giúp đỡ gia đình cô Hoa và cháu Nguyễn Văn Vọng (HS Trường THPT Hồng Lĩnh) bị tàn tật (gia đình cô Hoa 1 triệu đồng, cháu Vọng 1 triệu đồng). Nhưng miền Trung còn hàng ngàn HS tàn tật, hàng chục gia đình tang thương trong lũ, hàng ngàn gia đình phụ huynh, học sinh và cả giáo viên trắng tay trong trận đại hồng thủy kinh hoàng. Vì vậy, Báo GD&TĐ đang tiếp tục đồng hành với các nhà tài trợ, các nhà hảo tâm, để hỗ trợ đồng bào miền Trung vượt qua khốn khó. Trên đường đến Quảng Bình, ngồi trong xe, chúng tôi nghe điện thoại của Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa (đang chuẩn bị vào miền Trung cứu trợ) trao đổi và chỉ đạo đ/c Tổng biên tập Báo GD-TĐ tiếp tục triển khai các hoạt động cứu trợ.

Lê Văn Vỵ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ