Men tiêu hóa và sự lạm dụng

GD&TĐ - Nhiều bố mẹ thấy con nhỏ ăn uống ít, uể oải, kém ngon, vội đánh giá và kết luận rằng do chúng bị tì vị yếu nên mua men tiêu hóa về ép uống nhằm cải thiện tình thế.

Men tiêu hóa và sự lạm dụng

Việc uống men tiêu hóa được thực hiện từ ngày này qua ngày khác mà họ lại quên một điều... men tiêu hóa cũng là thuốc. Và việc dùng thuốc cần phải theo đúng chỉ định chuyên môn.

Sử dụng tùy tiện

Nói chung, đã là thuốc thì men tiêu hóa cũng có những tác dụng có lợi và tác dụng bất lợi của nó. Nói khác, nó có các tác dụng chính, tác dụng phụ và có chỉ định, chống chỉ định sử dụng loại thuốc này.

Một điều mọi người luôn cần phải nhớ là tất cả mọi sự lạm dụng thuốc men đều bất lợi cho sức khỏe.

Khi các cháu nhỏ được sử dụng theo sự chỉ định của bác sĩ, có nghĩa là việc sử dụng này đã có sự kiểm soát và bảo chứng. Nhưng nếu các bậc cha mẹ tự ý thực hiện và nhất là thực hiện kéo dài thì việc sử dụng này ngoài sự kiểm soát và thiếu kiến thức chuyên môn. Do đó, có thể gây ảnh hưởng bất lợi cho người sử dụng.

Chức năng của bộ máy tiêu hóa

Bộ máy tiêu hóa của một người bình thường nói chung vừa có chức năng bài tiết dịch tiêu hóa nhằm xúc tiến các phản ứng phân hủy xảy ra, vừa có chức năng hấp thu và chuyển hóa các thành phần dinh dưỡng đưa vào cơ thể để nuôi dưỡng các cơ quan.

Thành phần quan trong trong dịch tiêu hóa là các men (còn gọi là enzym) được tiết ra bởi các tuyến nước bọt, tuyến tụy, gan và mật. Các men này đóng vai trò thúc đẩy các phản ứng sinh hóa học xảy ra nhanh.

Khi “tỳ vị yếu”, có nghĩa là quá trình sản xuất và cung cấp men tiêu hóa của hệ thống tiêu hóa đang có vấn đề. Thức ăn đưa vào cơ thể chậm tiêu hoặc thậm chí là không tiêu hóa được.

Do vậy, việc hỗ trợ men tiêu hóa chỉ là giải pháp mang tính tình huống và có tính chất tạm thời mà chưa giải quyết được bản chất của vấn đề đang diễn ra trong cơ thể của người bị tỳ vị yếu. Việc tìm nguyên nhân gốc rễ để giải quyết mới là vấn đề quan trọng và cần thiết. Đó là nhiệm vụ của các nhà chuyên môn trong lĩnh vực tiêu hóa.

Những trường hợp cần dùng

Men tiêu hóa và sự lạm dụng ảnh 1

Chỉ bổ sung men tiêu hóa khi có sự thiếu hụt men tiêu hóa trong cơ thể. Điều này do bác sĩ thăm khám và kết luận. Ở trẻ nhỏ, trong một số trường hợp hệ tiêu hóa chưa phát triển đầy đủ, gây thiếu hụt men tiêu hóa cần được bổ sung thêm.

Người đang dưỡng bệnh, thể trạng yếu, hệ tiêu hóa làm việc kém có thể bổ sung thêm men tiêu hóa giúp cho việc tiêu hóa thức ăn được dễ dàng hơn. Tuy nhiên, chỉ dùng thời gian ngắn và không được lạm dụng.

Việc sử dụng men tiêu hóa kéo dài sẽ gây sự “lệ thuộc” và cơ thể sẽ lười biếng việc sản xuất men tiêu hóa để sử dụng. Từ đó chức năng của các bộ phận tiêu hóa cũng sẽ hoạt động sai lệch.

Không sử dụng men tiêu hóa khi bụng đói hoặc cách xa bữa ăn, vì acid dịch vị trong dạ dày sẽ kích hoạt men tiêu hóa hoạt động trong trạng thái không thực phẩm thì nó sẽ tiêu hủy lớp niêm mạc dạ dày gây ra hiện tượng viêm loét.

Người mắc các bệnh viêm loét dạ dày, viêm tụy, tăng tiết acid dịch vị. Những trường hợp này, lượng men tiêu hóa được sản xuất ra không thiếu, nếu “đổ” thêm vào thì phần hại sẽ rất lớn, mà phần lợi thì chẳng thấy đâu.

Các trường hợp bị tiêu chảy cấp hay mạn tính có đau quặn bụng, nôn máu hoặc đi cầu ra máu, các trường hợp rối loạn tiêu hóa do bị ngộ độc, nhiễm độc, bỏng đường tiêu hóa cũng tuyệt đối không dùng men tiêu hóa.

Tránh lạm dụng và sử dụng nhầm lẫn

Các nhà chuyên môn khuyên rằng, những người cần phải sử dụng men tiêu hóa, chỉ nên dùng một đợt từ 7 - 10 ngày. Tất nhiên, đồng thời quan tâm giải quyết các nguyên nhân cụ thể có liên quan.

Việc dùng men tiêu hóa sẽ giúp cho việc tiêu hóa được dễ dàng hơn, nên ăn ngon miệng hơn và ăn được nhiều hơn. Sau đó, bộ máy tiêu hóa lại tự bài tiết ra các men một cách đầy đủ để sử dụng.

Nếu cứ tiếp tục “đổ” men tiêu hóa vào cơ thể một cách không cần thiết thì các bộ phận có liên quan đến việc sản xuất men tiêu hóa sẽ... lười biếng, “đóng cửa” nhà máy nghỉ chơi. Khi đó thì “tỳ vị yếu” sẽ lại càng yếu hơn vì các bộ phận liên quan đã “đình công” kéo dài. Rõ là tai hại.

Các loại men tiêu hóa thường được sử dụng là Neopeptin, Pancrelase, Festal, Alipase… Các loại chế phẩm vi sinh mà một số người thường nhầm lẫn là men tiêu hóa như Antibio, Probio, Bioflor, Lactonin, Lactonin plus…

Các chế phẩm vi sinh này chính là các loại vi khuẩn đường ruột lành tính. Chúng được đưa vào như một đội quân thay thế khi có hiện tượng mất cân bằng vi khuẩn đường ruột (gọi là loạn khuẩn đường tiêu hóa) xảy ra. Đặc biệt, trong các trường hợp dùng thuốc kháng sinh kéo dài.

Do đó, không được nhầm lẫn giữa men tiêu hóa và các chế phẩm vi sinh. Vì cơ chế tác dụng của hai loại thuốc này rất khác nhau, tuy chúng đều có liên quan đến chuyện “ăn uống khó tiêu” của đường tiêu hóa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ