(GD&TĐ) - Hiện nay, mô hình đại gia đình khá phổ biến ở nước ta. Nhiều người xem đó là niềm hạnh phúc khi được sống chung nhiều thế hệ, nhưng không ít người lại cho là phiền toái và luôn tìm cách thoát ra mối quan hệ mà theo họ, là “một cổ mấy tròng” hay “chín người mười ý, sao chiều cho xuể”…để có một cuộc sống tự do, không phải đụng chạm ai.
Đặc biệt, khi sống trong gia đình đa thế hệ, người phụ nữ thường đối diện với không ít khó khăn cùng những phát sinh “ngoài ý muốn” trong cách cư xử. Vì thế, nếu nàng dâu biết hài hòa các mối quan hệ, sống vị tha, biết nhẫn nhịn và ứng xử khéo léo…thì mới mong dung hoà được các mối quan hệ. Còn ngược lại, nếu có cách sống so đo, tính toán thiệt hơn sẽ dẫn đến nhiều bất hòa, mâu thuẫn, không chỉ với mọi người xung quanh mà còn làm hạnh phúc riêng của mình gặp sóng gió.
Thiếu chia sẻ dễ gây bất đồng
Tuy biết gia đình chồng tương lai của mình đông anh chị em, nhưng Thúy Hằng vẫn chấp nhận việc sống chung vì suy nghĩ đơn giản “càng đông càng vui”. Xuất thân trong một gia đình khá giả nên với Hằng, chuyện muốn ra riêng hay tiếp tục sống chung chỉ là “chuyện nhỏ”. Trong khi đó, Mạnh, chồng cô lại là con trưởng trong nhà, sau anh là mấy cô em gái đang tuổi ăn học, còn ông bà nội của anh lại chỉ có Mạnh là cháu đích tôn nên anh luôn quan niệm, nếu có lấy vợ cũng phải làm tròn trách nhiệm người con, người cháu trưởng. Tuy nhiên, sau một thời gian sống chung trong đại gia đình, Hằng cảm thấy bực bội, tù túng mất tự do, lại bị các cô em chồng soi mói. Cô đòi chồng ra riêng nhưng Mạnh nhất quyết không chịu và cố gắng giải thích, thuyết phục vợ. Hằng bỏ ngoài tai những lời của chồng và cô còn đòi về nhà ba mẹ ruột sống. Mối quan hệ phức tạp trong gia đình ba thế hệ khiến Hằng càng lộ rõ tính nhỏ nhen, ích kỷ của mình. Có lần cãi nhau, cô đã lớn tiếng với chồng sẽ về nhà mình sống, còn nếu Mạnh không theo, xem như đường ai nấy đi, một cách vừa lên mặt với chồng vừa muốn thách thức với cha mẹ chồng. Lời lẽ xúc phạm của vợ khiến Mạnh không thể kềm lòng và anh đã nặng lời với vợ và đòi li hôn. Không ngờ, chính tính ích kỷ của Hằng đã làm cuộc hôn nhân của đôi vợ chồng trẻ đứng trước nguy cơ tan vỡ.
Nhà nhiều thế hệ, mỗi thành viên trong gia đình cần có ý thức trách nhiệm, biết quan tâm tôn trọng lẫn nhau để giữ không khí hòa thuận trong gia đình. Khi xảy ra bất đồng nên thẳng thắn trao đổi với đại gia đình để có sự cảm thông và chia sẻ lẫn nhau. Tránh tính ích kỷ, thái độ thờ ơ và lạnh nhạt vì tình yêu thương và sẻ chia luôn là chất keo bền chặt kết nối các thành viên trong gia đình. Đưa ra ý kiến của mình đúng lúc, hiểu được tính cách mỗi người là bạn đã vượt qua cửa ải khó nhất của nàng dâu trong gia đình nhiều thế hệ. Giá như Hằng có sự chuẩn bị tâm lý này từ sớm hẳn mối quan hệ giữa cô và nhà chồng nói chung không bị sứt mẻ và hạnh phúc của vợ chồng cô nói riêng vẫn luôn êm thấm, tốt đẹp.
Tìm tiếng nói chung
Vì mải lo công việc nên khi tuổi đã lớp Thúy mới gặp Hùng, đồng nghiệp cùng cơ quan. Những tính tốt của Hùng nhanh chóng chinh phục được Thúy và hơn thế, việc cùng sống chung với gia đình nhà chồng đông người cũng là quyết định “can đảm” của Thúy. Trong căn nhà nhỏ nhưng có bốn thế hệ cùng chung sống. Bà nội Hùng năm nay đã gần chín mươi, cách sinh hoạt và ăn uống của bà cụ cũng khác. Cha mẹ chồng đến tuổi nghỉ hưu, anh lớn của chồng cũng lấy vợ và có con nhỏ, sau Hùng còn hai cô em gái đang đi học. Một gia đình như vậy ắt không tránh khỏi những va chạm thường ngày nên cũng chẳng có gì lạ, từ những vấn đề như tài chánh, quan điểm sống, cách nuôi dạy con cái… Thời gian đầu sống ở nhà chồng, Thúy cảm thấy khó khăn nên nhiều lần cô cảm thấy vô cùng mệt mỏi và căng thẳng. Trước đây, quen sống trong không gian rộng rãi giờ đối mặt với cảnh sống chen chúc, chật chội, ra vào cả ngày chạm trán nhau, đôi lúc Thúy cũng cảm thấy chẳng mấy vui vẻ. Cũng vì thế mà không gian riêng tư của vợ chồng cô cũng hẹp dần, ngoài giờ làm việc ở cơ quan về đến nhà phải làm thêm biết bao nhiêu là việc. Dù muốn trốn cũng không được, vì như vậy lại càng khó coi hơn. Thật ra, việc nội trợ Thúy cũng không mấy giỏi giang nên thường cô chỉ phụ thêm với mẹ chồng. Có thời gian, cô vui đùa với đứa cháu nhỏ của chồng phần vì thích con nít phần muốn đỡ đần cho chị em bạn dâu có thêm thời gian làm việc khác. Đến cuối tuần, hai vợ chồng Thúy muốn dành thời gian bên nhau cũng…khó, vì hai cô em chồng thường rủ chị dâu đi mua sắm hay nhờ chỉ bảo dùm mấy bài tập khó. Không ít lần, Thúy tỏ vẻ bất mãn với chồng. Còn Hùng, thấy vợ mình được người trong nhà quyến luyến, anh cũng vui lây. Cũng vì vậy, Thúy tuy cằn nhằn chồng, nhưng ít nhiều cô vẫn cảm thấy vui khi nhìn khuôn mặt hạnh phúc của chồng mình. Mấy năm làm dâu nhà chồng, chưa ai lớn tiếng với cô. Ngược lại, Thúy còn được mọi thành viên nhà chồng xem trọng và yêu thương rất mực. Niềm hạnh phúc càng nhân đôi khi vợ chồng cô có con đầu lòng. Đến lúc này, Thúy mới thấm thía sự hòa thuận giữa mình và nhà chồng là…vô giá. Ai cũng quan tâm, yêu thương và chăm sóc con của vợ chồng cô bằng tất cả tấm lòng để vợ chồng cô yên tâm làm việc.
Khi xác định sẽ làm dâu trong gia đình nhiều thế hệ, bạn cần có cách sống mình vì mọi người để tạo sự gắn bó giữa đôi bên. Sống với ông bà, cha mẹ và những thành viên khác trong nhà chồng bạn sẽ học hỏi được nhiều điều hay để từ đó, biết tổ chức tốt cuộc sống gia đình, biết sống tự lập và quan trọng hơn cả, biết sống có trách nhiệm, quan tâm cũng như chan hòa tình yêu thương giữa mình và mọi người xung quanh.
Hà Tiên