Theo tờ New Straits Times, Chủ tịch FAM cho biết vừa liên lạc với Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) Ratu Tisha Destria để yêu cầu về việc đảm bảo an ninh cho đội tuyển. Ông Hamidin nhắc nhở phía PSSI nhớ về sự cố tuyển U.23 Malaysia buộc phải lên một chiếc xe bọc thép đến khách sạn của họ sau những hành động bạo lực của đám đông CĐV quá khích đội chủ nhà Indonesia ở chung kết môn bóng đá nam SEA Games 2011.
Ở trận này, CĐV của Indonesia đã ném nhiều đồ vật nguy hiểm vào đội khách U.23 Malaysia khi đội nhà bị thua 3-4 trên chấm đá 11m sau kết quả hòa 1-1 ở các hiệp đấu chính.
Bóng đá Malaysia và Indonesia vốn có mâu thuẫn trong hơn 1 thập niên qua sau một số sự cố đối đầu nhau ở giải đấu khu vực. Ở giải AFF Cup 2010, Malaysia đã vượt qua Indonesia sau 2 lượt trận chung kết (thắng 3-0 trên sân nhà và thua 1-2 ở sân khách) để lần đầu đăng quang giải đấu danh giá nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, sự căng thẳng giữa bóng đá 2 nước căng thẳng sau đó do phía Indonesia cáo buộc CĐV Malaysia đã chiếu tia laser vào cầu thủ của họ. Mới nhất, người hâm mộ Indonesia được báo cáo đã ném chai và đá vào đội khách Malaysia trong trận bán kết Giải vô địch U.19 Đông Nam Á tại sân Gelora Delta.
Chủ tịch FAM Datuk Hamidin Mohd Amin lo ngại cho sự an toàn của tuyển quốc gia khi đến Indonesia |
Những sự cố này buộc người đứng đầu FAM phải yêu cầu Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) và Liên đoàn bóng đá Indonesia (PSSI) đảm bảo sự an toàn cho đội bóng và người hâm mộ của họ ở trận đấu vòng loại World Cup 2022 sắp tới tại “chảo lửa” Gelora Bung Karno (sức chứa hơn 77.000 người). “Không có sự thỏa hiệp nào, tôi đã gọi cho Tổng thư ký PSSI (Ratu Tisha Destria) và cô ấy đã đảm bảo rằng mọi thứ sẽ được kiểm soát. Chúng tôi thường nhắc nhở AFC và PSSI để đảm bảo đội của chúng tôi được an toàn”, ông Hamidin nhấn mạnh thêm.
Bạo lực bóng đá ở Indonesia không chỉ là mối lo của Malaysia, mà còn của 3 đội còn lại của bảng G là UAE, Việt Nam (VN) và Thái Lan hướng đến chuyến đi đến Jakarta. Trong đó, tuyển VN sẽ đến sân Gelora Bung Karno đá lượt trận thứ ba bảng G vào ngày 15.10.
Indonesia luôn đáng sợ khi được chơi trên "chảo lửa" Gelora Bung Karno |
Thật vậy, mối lo bạo lực vẫn luôn thường trực ở bóng đá Indonesia trong 1 năm qua. Hồi tháng năm ngoái, Indonesia quyết định đình chỉ giải hàng đầu quốc gia vô thời hạn khi tình trạng bạo lực có xu hướng tăng cao sau vụ một CĐV của CLB CLB Persija Jakarta bị đánh chết trước một trận đấu. Giải này vừa được cho phép tổ chức lại vào tháng 4.
Bóng đá Indonesia đã bị bao vây bởi các vấn đề bạo lực và tranh chấp quyền lực trong những năm gần đây; quản lý kém, cáo buộc tham nhũng và các cầu thủ nước ngoài chết sau khi không được trả lương nên không thể đủ khả năng chăm sóc y tế… Trước đó, một loạt cuộc tranh chấp giữa liên đoàn và Chính phủ Indonesia đã dẫn đến FIFA cấm nước này tranh tài quốc tế vào năm 2015. Án cấm được dỡ bỏ vào năm 2017.